Hơn 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, công tác hòa giải ở một số địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ được thực hiện ngày càng hiệu quả, số vụ hòa giải thành tăng. Qua đó, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các thành viên của Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt tham gia hòa giải mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân.
Đến khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, chúng tôi nghe người dân địa phương nhắc nhiều về bà Lý Như Thảo, 60 tuổi, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Long Thạnh A. Bà Thảo cùng các thành viên Tổ hòa giải khu vực đã hòa giải thành nhiều vụ việc tranh chấp, trong đó có vụ 7 anh em trong gia đình phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất kéo dài. Nhắc chuyện cũ, bà Thảo kể: “Khi tiếp nhận đơn, tôi cùng các thành viên Tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu, nắm chắc nguyên nhân sự việc, rồi mời tất cả thành viên trong gia đình cùng ngồi lại với nhau. Qua cách phân tích thấu tình đạt lý, các bên đã thống nhất về hướng giải quyết vụ việc”.
Theo ông Đoàn Hiếu Lê, Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, UBND phường đã cử 19 hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở; kiện toàn tổ hòa giải tại 5/5 khu vực, với 28 hòa giải viên. Trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn phường Thốt Nốt đã tiếp nhận 32 trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn. Trong đó, Hội đồng giải quyết tranh chấp đất đai phường tiếp nhận 7 vụ, hòa giải thành 4 vụ; các tổ hòa giải ở khu vực tiếp nhận 25 vụ, hòa giải thành 24 vụ, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Hiện nay, toàn quận Thốt Nốt có 45 tổ hòa giải ở 45 khu vực, với 272 hòa giải viên. Trong 10 tháng đầu năm 2024, quận đã tiếp nhận 204 vụ, đưa ra hòa giải 204 vụ. Trong đó, hòa giải thành 197 vụ, đạt 96,57%... Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở; quan tâm củng cố, bổ sung lực lượng làm công tác hòa giải đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, tăng cường kết hợp các ngành, Ủy ban MTTQVN quận và các phường đẩy mạnh công tác hòa giải và tập trung nâng cao chất lượng công tác này”.
Tại huyện Cờ Đỏ, công tác hòa giải ở cơ sở đạt nhiều kết quả khả quan. Toàn huyện có 74 tổ hòa giải ở 74 ấp, với 495 hòa giải viên. Trong 10 tháng đầu năm 2024, các tổ hòa giải này đã tiếp nhận 135 vụ, đưa ra hòa giải 135 vụ; hòa giải thành 125 vụ, đạt tỷ lệ gần 93%…
Ông Trần Tấn Lợi, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Chúng tôi chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, tăng cường tập huấn kỹ năng hòa giải, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lực lượng hòa giải viên. Khi tham gia hòa giải, các hòa giải viên dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; đồng thời căn cứ quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp các bên hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình, dàn xếp ổn thỏa với nhau. Từ đó, hằng năm, các vụ việc hòa giải thành trên địa bàn luôn đạt tỷ lệ cao”.
Để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, huyện Cờ Đỏ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Ủy ban MTTQVN huyện và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; trang bị kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; khuyến khích người dân giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng phương thức hòa giải; xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong mỗi người dân...
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG