11/11/2024 - 22:48

Nhớ nhà văn Nguyễn Khắc Trường 

Từ đề tài về người lính, nhà văn Nguyễn Khắc Trường hướng ngòi bút về đời sống của người nông dân. Sau những chuyến đi thực tế miệt mài khắp các làng quê, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã viết nên tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” ngay lập tức gây tiếng vang, được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Sự ra đi của ông mới đây để lại niềm thương tiếc khôn nguôi...

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946-2024)

Từ cây bút Thao Trường đến nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh ngày 6-7-1946 ở xã Bình Sơn, huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Học hết phổ thông ở vùng miền núi Võ Nhai, Nguyễn Khắc Trường sớm nhập ngũ phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ nhân viên thông tin vô tuyến điện, ông chuyển sang làm báo của quân chủng năm 1969. Mười năm sau, vào năm 1979, ông theo học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội, tốt nghiệp và được Tổng cục Chính trị điều về làm biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội.

Năm 1992, với quân hàm Trung tá, ông chuyển sang làm Trưởng Ban Văn xuôi rồi làm Phó Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Ðến năm 2003, ông lại chuyển sang làm Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn cho tới lúc nghỉ hưu năm 2009. Ông còn được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015).

Với bút danh Thao Trường, ông đã xuất bản các tác phẩm: “Cửa khẩu” (tập truyện vừa, 1972); “Thác rừng” (tập truyện ngắn, 1976); “Miền đất mặt trời” (tập truyện, 1982). Ðến năm 1990, ông lấy tên khai sinh Nguyễn Khắc Trường làm bút danh trình làng tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, như một bước ngoặt chuyển mình đổi mới sáng tạo và nhanh chóng tạo tiếng vang cũng như vị thế cho ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Sau khi được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được dịch sang tiếng Pháp, chuyển thể thành phim truyền hình “Ðất và người”, rồi được vinh danh Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2007. Ngoài ra, còn phải kể đến bút ký “Gặp lại anh hùng Núp” đạt Giải nhất Cuộc thi Bút ký Ðài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn Nghệ tổ chức năm 1986, được xem như bệ phóng để ông hướng tới sáng tác “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.

Hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp

Cùng với “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 còn vinh danh hai tiểu thuyết khác là “Nỗi buồn chiến tranh” (tên ban đầu là “Thân phận tình yêu”) của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng và hai tập thơ “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm, “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều.

Trước tin nhà văn Nguyễn Khắc Trường qua đời, nhà văn Bảo Ninh xúc động nhớ lại kỷ niệm hai người lần đầu gặp nhau vào một buổi sáng ở trụ sở Tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội khi ông gửi truyện ngắn đầu tay “Trại bảy chú lùn” cộng tác và được mời đến gặp: “Trò chuyện gần cuối buổi, chừng hơn tiếng đồng hồ, nhà văn Nguyễn Khắc Trường mới đề cập tới “Trại bảy chú lùn”. Anh để bản thảo ấy lên bàn, bảo là truyện đọc được, nhưng còn có nhiều câu nhiều đoạn viết vụng, hoặc lủng củng tối nghĩa hoặc dài dòng lập ý, và cả không ít những lỗi văn phạm (anh đã khoanh dấu bút chì). Nếu biên tập cho kỹ, anh bảo vậy, đây có thể sẽ là một truyện ngắn khá. Tuy nhiên anh muốn việc này tôi tự thực hiện, tự tôi mang bản thảo về, đọc lại, sửa lại cho kỹ, cần thì viết lại. Không vội, tạp chí sẽ đợi”. Truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” sau đó được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội và nhà văn Bảo Ninh được gọi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3 năm 1986. Tên tuổi nhà văn Bảo Ninh cũng bắt đầu dần được biết đến kể từ tác phẩm đầu tiên ấy.

Tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Tôi có may mắn là chuyển về Báo Văn Nghệ cùng ngày với ông và được làm việc với ông nhiều năm. Ông sống giản dị, trung thực. Người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của ông trong cuộc sống hàng ngày. Ðúng sai, hay dở luôn rành mạch trong con người ông. Nhiều lúc, ông như một tảng đá lớn mà khó ai có thể lay chuyển. Ông là một nhà văn tài năng và nhân cách mà tôi luôn kính trọng”.

“Nhìn lại hành trình sống, công tác và sáng tạo của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, những người gần gũi ông hẳn dễ đồng thuận rằng Nguyễn Khắc Trường là con người chân thành đến mức thẳng thắn trong mọi lẽ. Chân thành trong tình cảm cá nhân, chân thành trong công việc được giao, trong sáng tác văn học và trong cả nhận thức về lẽ đời. Ở bên ông, người ta không nhìn thấy tính tranh đoạt, không thấy sự phiền hà, người ta chỉ thấy ở ông tinh thần hào sảng, thuần hậu, với tình cảm bộc trực, bao dung, nhưng cũng phân minh, rạch ròi. Ðồng nghiệp học ông sự trân trọng chữ nghĩa, trân trọng từ trang bản thảo của cộng tác viên còn vô danh, đến những cuốn sách đình đám do bạn bè có danh gửi tặng”, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhớ về bậc đàn anh.

Những năm gần đây, sau những tên tuổi như Hồ Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Văn Lê, Vũ Hạnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Lựu… nền văn học đương đại nước ta lại tiếp tục vắng bóng một cây bút hàng đầu là Nguyễn Khắc Trường. Vì tuổi cao bệnh nặng, nhà văn đã qua đời ngày 2-10-2024 tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Sự nghiệp văn chương của ông là trường hợp tiêu biểu hướng về chất lượng hơn số lượng.

Bài, ảnh: PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết