Với lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) có ưu thế vị trí cách không xa TP Rạch Giá, chỉ khoảng 60 phút đi tàu cao tốc. Nơi đây có bãi biển phẳng, sạch, nên thơ trong nắng vàng, cát mịn, tạo cảm giác an nhiên, yên bình cho du khách thập phương khi đến tận hưởng mùa hè miền biển, đắm mình trong làn nước trong xanh.
Lại Sơn với bãi biển đẹp.
Không chỉ thế, Hòn Sơn với không gian mở trong lành, sở hữu hàng loạt điểm đến thú vị cho du khách trải nghiệm: cưỡi xe máy trèo dốc yên ngựa, chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh hay cùng ngư dân lặn và câu mực, kéo lưới để thưởng thức hải sản tươi ngon của vùng biển Tây Nam, ngắm bình minh, với cảnh sáng sớm “Biển đội mặt trời như hòn ngọc” hay chiều hoàng hôn biển, check-in kỷ niệm hình ảnh “Hòn lửa mặt trời trên bàn tay”…
Về ẩm thực, biển Tây Nam đặc thù với cá trích tươi sống, hàu sữa, ốc voi, sò tộ… sẵn sàng làm mê lòng khách phương xa. Hoàn toàn khiêm tốn khi nhận định Hòn Sơn sở hữu tiềm năng đầy đủ để phát triển du lịch cộng đồng nhờ vào điều kiện tự nhiên phong phú, cảnh quan biển đẹp, hệ sinh thái đa dạng, không khí quanh năm trong lành tương tự như Làng Thái Hải, huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng). Tuy nhiên, Hòn Sơn vẫn chưa tổ chức thực hiện được làng du lịch cộng đồng để mọi người dân trên đảo cùng hưởng lợi, vì sao? Theo cảm nhận của chúng tôi, vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết là chưa có sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng và doanh nghiệp; thiếu chi tiết về quy hoạch phát triển du lịch bền vững của hai cấp huyện và xã, cũng như vấn đề nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân địa phương khi tham gia làm du lịch cộng đồng; các đội nhóm làm du lịch lữ hành gần như tự phát, tự truyền thông, tự kiếm khách tạo ra các sản phẩm du lịch cạnh tranh thiếu chuyên nghiệp và vấn đề rác thải môi trường chưa có sự hợp tác thống nhất xử lý thường xuyên…
Vì thế công tác quản lý nhà nước cần giải quyết tốt các vấn đề về quy hoạch, chính quyền cấp huyện, xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể theo phân cấp quản lý để phát triển du lịch bền vững, tranh thủ và phát huy nguồn lực của người dân và doanh nghiệp đầu tư để định hướng vào bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và văn hóa bản địa, xác định các điểm đến và hoạt động phù hợp với du lịch cộng đồng. Đó là trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và đời sống người dân đảo cực Nam của Tổ quốc, tìm hiểu danh lam thắng cảnh và thưởng thức sự dồi dào của ẩm thực nuôi biển địa phương; tránh khai thác quá mức và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, tuyên truyền cung cấp các khóa học về quản lý kinh doanh du lịch phù hợp, như quản lý homestay, đảm bảo việc giữ gìn môi trường chung của cộng đồng, không vì khai thác du lịch mà làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho người dân bản địa làm du lịch và làm chủ kinh tế từ hoạt động du lịch cộng đồng. Được sự định hướng của chính quyền, các đơn vị cần xây dựng lại lực lượng cùng tham gia làm du lịch cộng đồng sẽ phân nhiệm, phân khúc trong chuỗi hoạt động phục vụ du khách (đội hướng dẫn viên, đội xe, chi hội homestay, chi hội ẩm thực…).
Cộng đồng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch sinh thái và trải nghiệm, như lặn ngắm san hô, chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, câu cá cùng ngư dân, trekking... hay du lịch văn hóa qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội truyền thống giới thiệu tập quán và bản sắc văn hóa của người dân trên đảo… Phần đông khách nội địa tham quan đảo vào cuối tuần nên cần thiết kế tour du lịch 2 ngày trải nghiệm và khám phá Hòn Sơn. Song song đó, cần có chiến lược marketing tập trung đủ tầm để giới thiệu hình ảnh đảo Hòn Sơn qua các kênh truyền thông, mạng xã hội ra sự kiện du lịch… Nếu thực hiện được những giải pháp trên, du lịch cộng đồng sẽ phát triển tốt tại Hòn Sơn, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.
ĐỖ TRẦN THỊNH