13/11/2024 - 08:07

Nhọc nhằn nghề ủi hà, thôn ở quần đảo Nam Du 

Dẫu biết “Một lần là tởn tới già/Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân”, nhưng những người làm nghề ủi hà, thôn ở hai xã Nam Du và xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) không thể không đi, vì đây là nghề mưu sinh giúp họ có thu nhập hằng ngày để lo cho gia đình.

Ðồ nghề sẵn sàng, anh Nguyễn Hoàng Phong chuẩn bị lặn ủi hà, thôn.

Mưu sinh với sóng to, gió lớn

Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi đến xã Nam Du, tình cờ gặp anh Nguyễn Hoàng Phong (biệt danh Phong lặn) đúng khi anh đang lặn ủi hà, thôn cho một chiếc ghe, tàu nhỏ. Ðang mùa gió Tây Nam, nên biển có sóng to, gió lớn, con thuyền cứ lắc lư, dập dìu theo từng cơn sóng. Ðể gọi được anh Phong, chúng tôi phải giật giật cái ống truyền hơi, ra tín hiệu để anh lên tàu trò chuyện. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phong nói nghề này làm dễ lắm. Muốn thử sức mình, chúng tôi phóng xuống biển thử làm giống anh, loai ngoai dưới biển một chút đã đuối sức mà vẫn chưa cạo được một con hà, con thôn bám trên vỏ tàu nào. Không chỉ như vậy, mà còn bị con hà, con thôn cứa vào da chảy máu do chạm vào đáy tàu. Thế mới thấy nghề này khó và nhọc nhằn đến cỡ nào.

“Ðối với tôi thì dễ, vì làm quen rồi, nên không có gì làm khó được tôi, cứ nương theo con sóng mà làm thì không bị nhanh đuối sức. Trước đây, tôi làm thợ lặn, khoảng 10 năm nay tôi làm thêm nghề ủi hà, thôn. Nghề này hiện nay là nghề chính của tôi. Hôm nào biển động, sóng to quá thì nghỉ, thấy biển bớt sóng lại tiếp tục làm”, anh Phong tâm sự. Sau 30 phút trò chuyện nhanh, anh Phong đeo kính lặn, quấn dây ống thở một vòng ngang bụng, cầm cây xẻng tiếp tục lao xuống biển, lặn ủi nhanh thoăn thoát vì vẫn còn một chiếc ghe, đang chờ anh ủi hà, thôn cho kịp chuyến ra khơi.

Trong thời gian chờ anh Phong ủi hà, thôn cho phần đáy ghe của mình, anh Trần Quốc Việt (ngụ xã Nam Du) tranh thủ vá lại tấm lưới và nói: “Tàu của tôi nhỏ, mỗi tháng tôi thuê anh Phong ủi hà, thôn giá 300.000 đồng/lần. Mỗi lần ủi xong giảm 50% chi phí dầu so với việc không ủi. Chờ ủi hà, thôn xong là tôi lại tiếp tục ra khơi”.

Luôn đối mặt với hiểm nguy

Chia tay anh Phong, chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng tàu trung chuyển qua xã An Sơn để gặp anh Phạm Văn Dũng, người chuyên làm nghề ủi hà, thôn ở xã An Sơn. Theo anh Phạm Văn Dũng thì xã An Sơn hiện nay chỉ còn khoảng 2-3 người làm nghề này. Anh Dũng đang một mình “gà trống nuôi con”, nên trước khi đi làm, anh phải dẫn con gái 5 tuổi qua gởi nhà người quen từ tờ mờ sáng. Ðể chuẩn bị cho một buổi đi ủi hà, thôn, anh Dũng nhanh nhẹn lên tàu, sắp xếp đồ nghề: Một cái kính lặn, một cây leng nhỏ, một sợi dây ống nhựa dài dẫn từ bình hơi đặt trên tàu nhỏ… những dụng cụ đơn giản này đã gắn bó với anh trong suốt hành trình mưu sinh trên biển. Anh Dũng chia sẻ: “Mùa này ít tàu thuê ủi hơn mùa gió bấc. Mùa gió Nam như này là làm cực nhất, vì nước không được trong như mùa gió Bấc, tôi nhìn không rõ, nên phải lặn tới, lặn lui 2 - 3 lần mới ủi sạch hà, thôn. Ngày nào khỏe thì làm, có những lúc mệt thì nghỉ. Ðã làm nghề là xác định luôn phải đối mặt với hiểm nguy”. Anh nói thêm: “Nghề ủi hà, thôn cực và mệt hơn đi lặn biển. Thà là lặn sâu một mạch dưới đáy biển rồi nhặt nhạnh những con ốc vậy mà hơi thở đều hơn là lúc ủi hà, thôn. Vì khi ủi thì phải dùng sức lực, lấy xẻng ủi vào phần đáy tàu cho sạch mới thôi. Lúc ủi vừa dùng sức, vừa di chuyển dưới nước xung quanh thân tàu, đáy tàu, nên tôi điều tiết hơi thở không được đều đặn như lúc lặn biển. Có những ngày sức khỏe không đảm bảo, tôi bị mệt mà vẫn phải ráng làm. Tôi ngậm vòi hơi trong miệng, điều tiết hơi không đều, áp lực của hơi xé đứt lưỡi, chảy máu. Không có gì nguy hiểm bằng nghề này”.

Ðôi mắt nhìn xa xăm, anh Dũng nhớ lại những lúc bị trục trặc, tắt máy hơi. Anh lại leo lên tàu khởi động máy rồi xuống biển làm tiếp. Nhiều khi anh Dũng đang ủi bên dưới đáy tàu này, có tàu khác đi ngang, không để ý thì làm đứt dây ống thở hoặc cuốn luôn dây ống thở đi, có khi anh bị tàu lôi đi cả đoạn dài. Anh Dũng cũng như những người làm nghề ủi hà, thôn có lẽ cũng không thể nào nhớ hết bao nhiêu lần bị vỏ hà, vỏ thôn cứa vào da, vào thịt chảy máu. Các anh dù có đeo bao tay hay mang giày cũng không thể nào tránh khỏi việc bị cứa nhiều như “ăn cơm bữa”. Tuy vậy, những hôm làm xong sớm, anh Dũng cũng tranh thủ lặn thêm, nhặt nhạnh thêm vài con ốc mang về đổi lấy vài hộp sữa cho con gái nhỏ.

Bảo vệ thân tàu, tiết kiệm nhiên liệu

Hà và thôn là loài sinh vật sống ký sinh trong nước mặn. Thông thường, chúng bám chắc vào bề mặt kim loại, khe đá, cọc gỗ, vỏ sần sùi, sắc nhọn, có thể ăn mòn cả sắt, gỗ, đá. Hà, thôn không những làm giảm tốc độ di chuyển của tàu mà còn có thể làm thủng tàu. Chính vì vậy, những chiếc tàu thuyền dù lớn hay nhỏ, sau thời gian liên tục neo biển hay sau mỗi chuyến ra khơi thường phải ủi hà, thôn, cạo những sinh vật biển bám đáy tàu nhằm bảo quản thân tàu, giúp tàu giảm tải và tiết kiệm nhiên liệu.

Tiền công ủi hà, thôn dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/chiếc tàu. Thời gian ủi 1 chiếc tàu khoảng 45 phút đến hơn một giờ đồng hồ tùy tàu lớn nhỏ và tùy vào lượng hà, thôn bám nhiều hay ít. Anh Nguyễn Huy Khánh, ngụ xã An Sơn là quản lý của tàu dầu Trường Xuân đã quá quen với việc định kỳ hằng tháng thuê anh Dũng ủi tàu 1 lần. Anh Khánh đưa trước tiền công 1 triệu đồng cho anh Dũng để ủi hà, thôn bám đáy tàu dầu mà không cần trả giá. Anh Khánh cho biết: “Tiền công ủi không đáng là bao so với chi phí sửa chữa hư hỏng vỏ tàu do hà, thôn bám vào. Mỗi khi tàu lên ụ, sẽ được sơn loại nước sơn chống hà, thôn bám, nhưng chỉ tránh được thời gian hơn 6 tháng, sau đó thì phải thuê ủi hà, thôn định kỳ mỗi tháng một lần. Tàu chứa dầu, nên nếu hà, thôn bám sẽ làm nặng tàu, gây giảm sức chứa, di chuyển chậm và tốn nhiều nhiên liệu hơn. Nếu để lâu hơn thì phần thân tàu, đáy tàu bị hà, thôn ăn mòn, rỉ sét luôn, lúc đó chi phí khôi phục thân tàu cao lắm. Nhờ có các anh làm nghề ủi hà, thôn giúp bảo quản thân tàu tốt hơn”.

Thu nhập của người làm nghề ủi hà, thôn không ổn định, chỉ đủ trang trải chi phí hằng ngày. Nên đa phần người làm nghề này phải làm thêm nghề thợ lặn, nuôi thêm cá lồng bè hoặc làm thêm nghề khác. Anh Trần Hoàng Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du cho hay, xã Nam Du có tổng số 223 chiếc tàu (loại từ 6m trở lên). Do đặc thù của xã đảo, nên nghề ủi hà, thôn là nghề đã có từ rất lâu ở xứ biển này. Huyện Kiên Hải có 4 xã đảo, hiện nay, xã Nam Du còn khoảng 10 người làm nghề ủi hà, thôn và là xã có số người làm nghề này nhiều nhất huyện Kiên Hải.l

Bài, ảnh: KIỀU DIỄM

 

Chia sẻ bài viết