10/11/2024 - 15:54

Chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Nhiều năm qua, ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đã thực hiện nhiều giải pháp quan tâm đầu tư nguồn lực, chăm lo, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, đô thị và nông thôn.

Chăm lo học sinh DTTS

Toàn tỉnh Sóc Trăng có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ hàng ngàn học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học. Chẳng hạn, từ 5 năm trước, Trường Phổ thông DTNT THCS Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), được đầu tư xây dựng, phục vụ giảng dạy cho gần 300 học sinh dân tộc Khmer ở địa phương. Ngôi trường có 3 khu, gồm: học tập, hành chính và nội trú (với 36 phòng ở, đáp ứng cơ bản nhu cầu ở nội trú). Cô Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Trần Đề, cho biết: “Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, chăm lo của Đảng, Nhà nước, địa phương luôn ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp khang trang theo hướng chuẩn hóa. Sự đầu tư này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer học tập tốt”.

Cô trò Trường Phổ thông DTNT (TP Cần Thơ) trong một buổi học. Ảnh: B.NG

Tương tự, Trường THCS DTNT Châu Thành (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và đưa vào giảng dạy từ năm học 2012-2013, đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016; tái đạt chuẩn quốc gia vào năm 2021. Hiện nay, khuôn viên sân trường hội đủ các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”; môi trường sư phạm đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo cho các hoạt động dạy học, ăn ở, sinh hoạt… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các năm học vừa qua, trường luôn có hơn 70% học sinh đạt học lực Khá, Giỏi và tất cả học sinh đều lên lớp. Em Sơn Hảo Nghi, học sinh Trường THCS DTNT Châu Thành, chia sẻ: Ở trường, ngoài việc học, chúng em còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao do trường tổ chức, giúp em hiểu biết thêm về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, tự tin trong học tập”.

Tại TP Cần Thơ, công tác chăm lo cho học sinh vùng DTTS được các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương quan tâm. Thành phố có 1 Trường Phổ thông DTNT ở quận Ô Môn, là nơi giảng dạy cho các em học sinh cấp THCS và THPT. Thời gian qua, ban giám hiệu, tổ chức đoàn thể nhà trường tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh. Bên cạnh đó, thầy cô giáo luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là lồng ghép văn hóa đồng bào Khmer để tạo hứng thú, thu hút học sinh tham gia học tập, thảo luận.

Một số xã, thị trấn vùng ven TP Cần Thơ, như Cờ Đỏ, Thới Xuân... (huyện Cờ Đỏ) hiện có khá đông học sinh DTTS. Theo thầy Ðặng Lộc Lành, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Xuân, xã Thới Xuân có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Học sinh là người dân tộc tập trung nhiều nhất ở ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2. Thời gian qua, Ban Giám hiệu phối hợp Chi hội khuyến học của trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát, lập danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh DTTS, để kịp thời hỗ trợ. Em Mai Thiên Kim, một trong những học sinh dân tộc Khmer được nhận học bổng khuyến học, chia sẻ: “Em luôn được thầy cô quan tâm việc học. Em rất biết ơn thầy cô, nhà hảo tâm đã hỗ trợ học bổng khuyến học. Em sẽ cố gắng học tập tốt”.

Tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), cho biết năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sóc Trăng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, khối nội trú, nhà đa năng, mua sắm trang thiết bị cho Trường THCS DTNT Châu Thành, với tổng kinh phí trên 7,4 tỉ đồng (từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS). Nhờ đó, trường lớp khang trang hơn, điều kiện học tập của học sinh tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng.

Tương tự, thời gian qua, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) luôn quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường lớp, từ nhà trẻ đến THPT, theo chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Trường Phổ thông DTNT THCS Long Phú mới đây đã được xây dựng hoàn thành giai đoạn II để đạt chuẩn quốc gia, với kinh phí trên 20 tỉ đồng. Thầy Liêng Hiền Sư, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Long Phú, cho biết: Được sự quan tâm của Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy, UBND huyện Long Phú đã đầu tư cơ sở vật chất cho trường, đặc biệt là khối phòng học bộ môn, phòng phụ trợ và sân trường đã cơ bản hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng từ năm học này. Điều này giúp nhà trường có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, tiến tới trường đạt chuẩn quốc gia. “Các chế độ chính sách của giáo viên và học sinh DTNT đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời”, thầy Liêng Hiền Sư chia sẻ.

Trong 20 năm qua (2004-2024), mạng lưới trường lớp ở TP Cần Thơ không ngừng được củng cố, mở rộng; quy mô học sinh được giữ vững, ổn định. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục của vùng DTTS nói riêng, TP Cần Thơ tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm 2023, thành phố có 347/446 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 77,8%. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp ở các bậc học, TP Cần Thơ tập trung thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 “Dự án đầu tư, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT thành phố”, với vốn được phê duyệt triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 là gần 25 tỉ đồng (theo Quyết định số 21/QÐ-UBND ngày 6-1-2022).

Thời gian tới, ngành GD&ÐT TP Cần Thơ tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, nhất là Trường Phổ thông DTNT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ Tết, mùa vụ; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GD&ÐT đối với đồng bào DTTS... qua đó nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học vùng DTTS. 

*  *  *

Sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL đã tạo nền tảng góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT nói chung, giáo dục vùng đồng bào DTTS nói riêng, ở các địa phương trong vùng.

NGỌC THẬT

Chia sẻ bài viết