11/11/2024 - 08:46

Cảnh giác trước âm mưu hủy hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ gốc rễ 

An ninh về tư tưởng chính trị của Đảng là vấn đề cốt lõi của an ninh chính trị, an ninh quốc gia. Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, việc tăng cường bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Âm mưu chống phá về tư tưởng chính trị của Đảng

Bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng là tổng thể các biện pháp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tiến hành, nhằm phát hiện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh tư tưởng chính trị, bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống mọi nguy cơ chệch hướng XHCN và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trước sự tác động của tình hình và sự chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị, đấu tranh với các thông tin tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, các trào lưu tư tưởng phản động nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; bảo vệ sự đồng thuận, nhất trí về chính trị trong nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch ra sức chống phá Việt Nam, nhất là chống phá về tư tưởng chính trị bằng nhiều hình thức, thủ đoạn. Các đối tượng chống phá cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin “đã lỗi thời, chỉ phù hợp với thế kỷ 19”, “đó là sản phẩm ngoại nhập của phương Tây, không thích hợp với điều kiện kinh tế-xã hội ở Việt Nam”. Đặc biệt, các thế lực phản động đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng luận điệu: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”; họ lấy quan điểm dân chủ, nhân quyền tư sản để đồng nhất dân chủ với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhà nước pháp quyền với thiết chế tam quyền phân lập; nhân quyền với tuyệt đối hóa quyền của cá nhân, rồi vu cáo Đảng ta là “độc tài, độc đoán, mất dân chủ”, không thể lãnh đạo đất nước.

Nguy hại là lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các trào lưu tư tưởng tư sản đang thâm nhập vào nước ta thông qua nhiều con đường. Các “giá trị” văn hóa, lối sống tư sản cũng có điều kiện thâm nhập, thẩm thấu, phát triển, làm phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa dân tộc. Các khuynh hướng này cùng với sự tác động hằng ngày của các hình thức, các sản phẩm văn hóa nước ngoài khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân mất phương hướng; các chuẩn mực giá trị có nguy cơ xuống cấp, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những biến động về chính trị, kinh tế ở các nước luôn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam, trước hết là lĩnh vực tư tưởng chính trị. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội kéo theo sự khủng hoảng về lý luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Biến động chính trị ở các nước trên thế giới vô tình cổ xúy và cung cấp kinh nghiệm cho những phần tử phản động, cơ hội chính trị tiến hành các hoạt động phá hoại nước ta trên các lĩnh vực, nhất là chống phá về tư tưởng chính trị. Ngoài ra, những mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư tưởng chính trị. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hòng gây chia rẽ Đảng với nhân dân, hạ thấp uy tín của Đảng, thậm chí vu khống, bịa đặt, bôi nhọ bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng

Bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm giữ vững sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN ở Việt Nam; bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; chống mọi nguy cơ chệch hướng XHCN và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trước sự tác động của tình hình và sự chống phá của các thế lực thù địch. Bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng là bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng, lý luận, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời khắc phục những tư tưởng, lý luận lạc hậu, chệch hướng trong xã hội; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Để tạo nền tảng bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị từ gốc rễ, cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh của con người Việt Nam. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Đẩy mạnh học tập, thực hiện các nghị quyết của Đảng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ trách nhiệm phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai trái, lệch lạc, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị. Tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; bồi dưỡng nhận thức, lập trường, quan điểm và năng lực vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vấn đề mấu chốt là phát huy vai trò tự tu dưỡng, tự học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên để nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đây là giải pháp căn cơ nhằm phát huy nhân tố chủ quan của đội ngũ cán bộ, đảng viên, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng; là con đường tự thân nhằm nâng cao sức đề kháng thông qua khả năng tự nhận biết, tự phân loại, sàng lọc và định hướng thông tin để bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, luôn kiên định, vững vàng trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với những âm mưu, thủ đoạn đa dạng, tinh vi, xảo quyệt; không để kẻ thù lợi dụng mua chuộc, lôi kéo, chống phá.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, chú trọng giải pháp lãnh đạo, quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, nhất là trong việc định hướng chính trị-tư tưởng, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ các cơ quan tư tưởng, văn hóa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt trong tuyên truyền, định hướng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của truyền thông, báo chí trong định hướng tư tưởng chính trị, định hướng các giá trị, lối sống phù hợp với bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời phải tích cực, chủ động “nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội” như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, đề ra các chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị. Phối hợp tổ chức tốt cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-lý luận, chủ động phát hiện các vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội ảnh hưởng đến an ninh tư tưởng chính trị để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn xâm phạm an ninh trong lĩnh vực tư tưởng chính trị. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và xu hướng toàn cầu hóa thâm nhập, phá hoại, tác động, chuyển hóa từ bên trong, tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh về tư tưởng chính trị.

Trước những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị càng trở nên quan trọng. Bảo vệ an ninh về tư tưởng chính trị là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp và của toàn xã hội, cần được tổ chức, phối kết hợp thống nhất nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ vững chắc an ninh về tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tá, TS TRẦN XUÂN ĐÁN

Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Quốc phòng

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Chia sẻ bài viết