13/11/2024 - 08:06

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Cải lương kể sử quê hương 

Tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, hai đơn vị láng giềng là Long An và Tiền Giang đều dàn dựng vở diễn với kịch bản mới, nội dung về lịch sử địa phương.

Cảnh trong vở "Cánh đồng bất khuất".

Cách đây hơn 61 năm, ngày 2-1-1963, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Ấp Bắc vang dội, lẫy lừng. Một trong những đóng góp quan trọng cho chiến công ấy là 3 Chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch (bí danh Công) và chiến sĩ Hùng (Lê Văn Toản), thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Các anh đã anh dũng ôm mìn chặn đánh xe tăng địch trong trận Ấp Bắc, tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, nay thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Từ đó, góp phần bẻ gãy chiến thuật "Trực thăng vận" và "Thiết xa vận" của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng Ấp Bắc.

Tham dự liên hoan, vở cải lương "Cánh đồng bất khuất" của đơn vị Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, kịch bản của soạn giả Huỳnh Anh, do nghệ sĩ Huỳnh Mơ làm đạo diễn, là bản hùng ca về câu chuyện lịch sử oai hùng ấy trên đất Tiền Giang. Trong đó, vở diễn khắc họa đậm nét nhân vật Đừng (nghệ sĩ Vương Hoài Phong thủ vai) và mối tình đẹp cùng cô Lài (nghệ sĩ Ngọc Lê thủ vai). Họ sẵn sàng gác hạnh phúc riêng khi Tổ quốc cần và dù chưa thành chồng vợ, nhưng Lài vẫn để tang cho Đừng khi hay tin anh hy sinh. Bên cạnh đó, nhân vật má Sáu do nghệ sĩ Huỳnh Mai thủ vai cũng khắc họa đậm nét một bà má Nam Bộ kiên trung, yêu nước. Chiến trận Ấp Bắc được tái hiện trong vở khá cuốn hút bằng sự kết hợp giữa đội múa và hình ảnh chiếu trên màn hình LED.

Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An thì dự thi với vở "Người con của rừng tràm", dựng mới hoàn toàn trong năm 2024. Chọn sự kiện lịch sử Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò, vở khắc họa nhân vật lịch sử Trương Văn Bang, một cán bộ cách mạng kỳ cựu, tiên phong trên đất Long An và Nam Bộ, từng giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò là một trong những chiến công hiển hách do ông Trương Văn Bang tham gia chỉ huy vào năm 1948.

"Người con của rừng tràm" do NSND Triệu Trung Kiên và NSND Hồ Ngọc Trinh làm đạo diễn, thể hiện một giai đoạn rực lửa nơi cánh rừng tràm bạt ngàn bên dòng Chợ Đệm. Vai diễn chính khá nặng, được NSƯT Vương Tuấn đảm nhận, toát lên sự gan dạ, mưu trí và bản lĩnh của nhà cách mạng. Một vai diễn khác cũng cốt yếu của vở diễn là vai bà Nguyễn Thị Một, vợ ông Trương Văn Bang, một cán bộ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Long An anh dũng, kiên cường. NSƯT Ngọc Đợi đảm nhận vai này và với tài năng, bản lĩnh sân khấu, cô đào xứ Bạc Liêu đã không làm khán giả thất vọng.

Thành công của hai vở diễn là chuyển tải câu chuyện lịch sử một cách nhẹ nhàng, khéo léo bằng ngôn ngữ cải lương, qua tình tiết, nhân vật… chứ không phải kiểu "minh họa lịch sử". Nhiều chi tiết đắt được khai thác để khắc họa tính cách nhân vật, xoáy sâu vào diễn biến tâm lý, những phân vân, dằn vặt… khiến vở diễn cảm xúc và kịch tính hơn. Thành công nữa là hai đơn vị nghệ thuật này đều sở hữu dàn diễn viên có nghề, phối hợp ăn ý.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

 

Chia sẻ bài viết