12/02/2017 - 17:01

Chủ động phòng, ngừa vi rút Zika

Theo Bộ Y tế, đến 30-12-2016, cả nước ghi nhận 191 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại 9 tỉnh, thành. Trong đó, phát hiện trẻ mắc chứng đầu nhỏ nhiều khả năng liên quan vi rút Zika. Số ca tập trung chủ yếu ở TPHCM với 169 trường hợp mắc... Riêng tại TP Cần Thơ, tháng 1-2017, phát hiện 1 ca nhiễm vi rút Zika. Bộ Y tế nhận định năm 2017, dịch bệnh do vi rút Zika sẽ tăng số ca bệnh và địa phương có bệnh lưu hành.

Cần Thơ phát hiện ca đầu tiên nhiễm vi-rút Zika

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, thực hiện giám sát trọng điểm, tháng 3 và 4-2016, Trung tâm lấy hơn 170 mẫu máu những trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai, với các biểu hiện: sốt, phát ban, viêm kết mạc... Mẫu được chuyển về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính. Sau đó, cuối tháng 11 và tháng 12-2016, TTYTDP TP Cần Thơ tiếp tục lấy 60 mẫu máu bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn có các biểu hiện nghi nhiễm Zika gởi xét nghiệm. Qua đó, phát hiện 1 trường hợp ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, dương tính với vi rút Zika.

Cán bộ TTYTDP TP Cần Thơ kiểm tra lăng quăng trong lu, khạp tại nhà dân ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc - xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: "Sau khi có kết quả, Trung tâm phối hợp với TTYTDP quận, chính quyền địa phương điều tra ca bệnh. Qua khai thác, bệnh nhân này là nội trợ, không có tiền sử đến vùng dịch trước đó. Các đơn vị y tế phát tờ rơi tuyên truyền người dân khu vực có ca bệnh sinh sống; diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi 2 đợt". Không chỉ ở TP Cần Thơ, theo ghi nhận của Bộ Y tế, các trường hợp dương tính với Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Qua đó cho thấy, Việt Nam có lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng.

Thời gian tới, số ca mắc vi rút Zika khu vực phía Nam có thể sẽ gia tăng, vì vi rút Zika lây truyền qua đường chính do muỗi vằn (Aedes) đốt. Loài muỗi Aedes đang lưu hành và gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), đặc biệt khu vực phía Nam. Thêm vào đó, người dân không có miễn dịch với vi rút Zika, chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, gần 82% người mang vi rút Zika không có triệu chứng bệnh. Ngoài ra, Zika lây truyền qua các đường: truyền máu/dịch, tình dục, từ mẹ sang con (thời kỳ mang thai).

Năm 2016, với kinh phí từ UBND TP Cần Thơ, TTYTDP TP Cần Thơ tổ chức 19 lớp tập huấn cho hệ dự phòng và điều trị về công tác giám sát, điều trị, tư vấn... bệnh Zika; in băng rôn, tờ rơi, trang bị máy phun, hóa chất... diệt muỗi. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai; hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika; triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại Việt Nam cho cán bộ trạm y tế, khoa sản, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn thành phố.

Thai phụ cần lưu ý

Thời gian ủ bệnh Zika từ 2-12 ngày, với các triệu chứng: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau đầu. Bệnh thường biểu hiện nhẹ và tự khỏi từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng, khoảng 1% - 10% phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu nhiễm vi rút Zika, có thể sinh con dị tật đầu nhỏ. Vì vậy, cần chủ động phòng bệnh và theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế.

TTYTDP TP Cần Thơ phun thuốc diệt muỗi bằng xe cơ giới tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Muỗi mang mầm bệnh Zika cũng là muỗi truyền SXH. Phòng muỗi đốt có tác dụng kép vừa phòng Zika vừa phòng bệnh SXH. Loài muỗi này lại sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật dụng chứa nước sạch. Do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là thai phụ, phòng, chống muỗi đốt (ngủ mùng kể cả ban ngày), diệt muỗi và lăng quăng. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ khuyên thai phụ khám thai định kỳ hằng tháng ở cơ sở y tế, thực hiện sàng lọc trước sinh (tại các bệnh viện chuyên khoa sản). Thai phụ tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và không nên đi đến vùng đang có dịch. Khi người dân, đặc biệt là thai phụ có các biểu hiện: sốt, viêm kết mạc, đau cơ, khớp... nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, theo dõi quản lý thai. Hiện Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ có đầy đủ phương tiện để tầm soát dị tật đầu nhỏ thai nhi ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết