24/04/2018 - 21:15

Chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp 

Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện khá tốt công tác thủy lợi nhằm chủ động nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều công trình thủy lợi, kênh mương dẫn nước tạo nguồn được Nhà nước đầu tư nạo vét kịp thời, người dân tại nhiều địa phương đã tích cực góp công, góp sức để làm giao thông, thủy lợi nội đồng, đảm bảo nguồn nước sản xuất và thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa…

Nạo vét kênh mương thủy lợi bằng máy móc cơ giới tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Chủ động tưới tiêu

Ông Phan Văn To, ngụ ấp Phước Lộc xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Chủ động nước tưới tiêu có ý nghĩa rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp cả trong mùa khô và mùa nắng. Hằng năm, gia đình tôi và các hộ dân quan tâm làm thủy lợi nội đồng, gia cố các bờ bao, đê bao theo khuyến cáo của ngành chức năng  để sản xuất tốt 3 vụ lúa trong năm. Nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được đảm bảo do các kênh mương thủy lợi tạo nguồn được Nhà nước đầu tư nạo vét, rất thuận tiện đường thủy". Dù nhiều lúc phải đối mặt với tình trạng nắng hạn gay gắt nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các địa phương ở TP Cần Thơ vẫn được duy trì và phát triển khá tốt nhờ nguồn nước được đảm bảo. Ông Lê Hoàng Thêm, ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: "Hiện đang là cao điểm mùa khô 2018 nhưng nông dân huyện Thới Lai không phải lo thiếu nước sản xuất, các tuyến kênh tạo nguồn trên địa bàn được nạo vét thuận tiện dẫn nước vào nội đồng".

 Hiện nay, nhiều hộ nông dân quan tâm chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả và đất gò cao có nguy cơ thiếu nước sang trồng cây ăn quả và các loại cây trồng chịu hạn để sử dụng nước tiết kiệm và giảm chi phí bơm tưới nước. Theo ông Đái Vinh Quang, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại xã đều đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu. Chuyển lên trồng cây ăn trái nhu cầu sử dụng nước tưới ít so với trồng lúa nhưng bà con vẫn thực hiện thủy lợi nội đồng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gia cố, đắp đập trữ nước và nạo vét, dọn cỏ các kênh mương dẫn nước vào mương vườn để khi cần là có nước tưới ngay cho cây.

Cộng đồng cùng tham gia

Các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực khuyến khích, vận động người dân tham gia làm công tác thủy lợi, góp phần nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng thủy lợi trong điều kiện các nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước còn hạn chế.

Hằng năm, ngành nông nghiệp thành phố và chính quyền các địa phương đều phát động ra quân làm công tác thủy lợi mùa khô. Một số địa phương còn gắn phong trào ra quân thực hiện chiến dịch thủy lợi với công tác giao thông, xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường. Theo UBND huyện Phong Điền, Chiến dịch giao thông - thủy lợi - môi trường - nâng chất tiêu chí nông thôn mới được triển khai trên địa bàn huyện những năm qua mang lại kết quả, từng bước góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hành động và phát huy mọi nguồn lực trong đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn. Năm 2018, Chiến dịch giao thông - thủy lợi - môi trường - nâng chất tiêu chí nông thôn mới được huyện Phong Điền triển khai thực hiện từ tháng 2 đến tháng 7-2018 và tổng kết chiến dịch trong tháng 8-2018. Huyện dự kiến huy động nhân dân đóng góp hơn 11,793 tỉ đồng và hơn 13.000 ngày công lao động để thực hiện các công trình thủy lợi, giao thông, vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường. Trong đó, về thủy lợi, huyện quan tâm nâng chất hệ thống đê bao, thủy lợi và đẩy mạnh khai thông dòng chảy, đảm bảo các tuyến kênh rạch được thông thoáng, đáp ứng tốt việc bơm, tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Trạm thủy lợi huyện Phong Điền, các xã, thị trấn đăng ký thực hiện kè mé, xây dựng gia cố đê bao với tổng chiều dài hơn 11,36km; đắp đập và gia cố chống sạt lở  86 cái đập, chiều dài 917km; dọn cỏ, khai thông dòng chảy, với tổng chiều dài 75,7km.

Huyện Thới Lai cũng rất quan tâm công tác thủy lợi và hằng năm đã gắn hoạt động này với xây dựng giao thông nông thôn, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Theo UBND huyện Thới Lai, trong năm 2017 huyện đã vận động người dân thực hiện nạo vét 12 công trình thủy lợi nội đồng, với tổng chiều dài hơn 9,8 km, khối lượng đào đắp đất hơn 39.250m3, phục vụ cho hơn 385 ha sản xuất nông nghiệp, kinh phí 445 triệu đồng. Năm 2018, huyện Thới Lai tiếp tục  vận động nhân dân thực hiện nạo vét 9 công trình, với tổng chiều dài hơn 6,5 km, tổng khối lượng 27.200 m3, phục vụ 322 ha đất sản xuất nông nghiệp, kinh phí khoảng 259 triệu đồng. Huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nạo vét các kênh mương tạo nguồn theo kế hoạch đảm bảo nước tưới tiêu năm 2018 và các năm tiếp theo. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng không đủ nước phục vụ sản xuất .

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ,  nhờ đẩy mạnh thực hiện công tác thủy lợi, nạo vét kịp thời các kênh mương tạo nguồn và thủy lợi nội đồng mà các tuyến kênh mương  trên địa bàn huyện đã khá hoàn thiện, đảm bảo việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Các địa phương trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục quan tâm thực huyện công tác thủy lợi mùa khô, chủ động rà soát các kênh mương thủy lợi nội đồng có nguy cơ bị bồi lắng để vận động người dân nạo vét kịp thời. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, năm nay các tuyến kênh thủy lợi trên một số phường của quận như phường Thốt Nốt cũng đã hoàn thiện, đảm bảo nước cho sản xuất. Các phường trên địa bàn quận như: Thới Thuận, Thuận An, Trung Nhứt, Thạnh Hòa, Trung Kiên, Thuận Hưng và Tân Lộc cũng đã rà soát, đăng ký vận động nhân thực hiện nạo vét 11 tuyến kênh mương nội đồng, với tổng chiều dài hơn 3km, phục vụ cho hơn 170 ha đất sản xuất nông nghiệp...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm nay các quận, huyện đã đăng ký kế hoạch thủy lợi mùa khô (chỉ riêng thủy lợi) năm 2018 với tổng khối lượng đất đào đắp 120.000 m3 với tổng kinh phí thực hiện khối lượng công việc trên là hơn 2,5 tỉ đồng và hơn 1.500 ngày công do người dân đóng góp.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết