18/03/2018 - 07:59

Chủ động kiểm soát hội chứng ruột kích thích 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn thường gặp liên quan đến ruột già, ảnh hưởng đến khoảng 10-15% dân số, với triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy/ hoặc táo bón/ hoặc cả hai. Tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, làm lỡ dở công việc, học hành và nếu kéo dài có thể gây mệt mỏi, khó ngủ thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người bệnh nên kiểm soát và giảm thiểu tác động của IBS càng sớm càng tốt, bằng những giải pháp đã được chứng minh có hiệu quả như sau:

Xác định loại bệnh để dùng thuốc phù hợp. Hãy gặp bác sĩ khám bệnh để biết chính xác dạng IBS đang mắc phải (IBS-D, IBS-C, IBS-M hay IBS-U) và có phương án điều trị thích hợp. Ví dụ, nếu bị IBS dạng táo bón (IBS-C), có thể được kê đơn dùng thuốc nhuận tràng, còn nếu bị IBS dạng tiêu chảy (IBS-D), có thể dùng các loại thuốc làm giảm nhu động ruột để kiểm soát triệu chứng.

Bổ sung lợi khuẩn probiotic. Nghiên cứu cho thấy mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể gây ra IBS do làm tăng tình trạng viêm và thay đổi hoạt động tiêu hóa. Đối với một số người, bổ sung lợi khuẩn probiotic (từ sản phẩm sữa lên men) có thể cải thiện sức khỏe nhờ ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong ruột, làm giảm nhu động ruột và chống viêm.

Chuyển sang chế độ ăn giàu chất xơ. Nếu bị IBS-C hoặc IBS-D, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, ăn nhiều trái cây, rau củ, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Theo các chuyên gia, chế độ ăn giàu chất béo sẽ gây ra hàng loạt vấn đề khi nó làm tăng tần suất co thắt ruột già, có thể dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.

Tập thể dục điều độ là một trong những cách giúp kiểm soát IBS. Ảnh: Guardian
Tập thể dục điều độ là một trong những cách giúp kiểm soát IBS. Ảnh: Guardian

Tập thể dục. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục cường độ trung bình (như đi bộ với tốc độ vừa phải) 30 phút và 5 ngày/tuần có thể giúp giảm bớt các triệu chứng IBS thông thường như táo bón hay đau bụng. Cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp nhưng cố gắng duy trì thói quen tập luyện vào cùng một thời điểm mỗi ngày và tránh tập trong khoảng thời gian 1 giờ trước và sau bữa ăn.

Xứ lý stress. Căng thẳng tinh thần (stress) được cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh do giữa não và ruột có sự kết nối thần kinh. Theo các chuyên gia, IBS cũng có thể là một bệnh tự miễn nên tình trạng stress cũng tác động nghiêm trọng đến chức năng miễn dịch. Do đó để kiểm soát IBS, cần dành thời gian để thư giãn bằng những hình thức mà mình yêu thích như tập yoga, ngồi thiền hoặc đọc sách, nghe nhạc...

Dùng dầu bạc hà. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dầu bạc hà có thể có hiệu quả trong việc làm giảm tình trạng co thắt cơ bụng, đau bụng, đầy hơi cũng như xoa dịu cảm giác đau khi đi tiêu, đặc biệt ở bệnh nhân IBS-D.

Những điều cần lưu ý. Mỗi bệnh nhân IBS có thể có các triệu chứng khác nhau, vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên ghi nhật ký tất cả các loại thức ăn và đồ uống kích hoạt những triệu chứng khó chịu. Đây là cơ sở để điểu chỉnh chế độ ăn có lợi. Ví dụ, người hay chướng bụng nên loại bỏ các loại thực phẩm gây đầy hơi như tinh bột đề kháng (có trong khoai tây, bánh mì), đậu, bắp cải và thức uống có ga. Bệnh nhân thường tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng thì tránh tiêu thụ đường fructose có nhiều trong rau củ và trái cây ngọt. Caffeine cũng có thể khiến bệnh nhân IBS-D tiêu chảy nặng hơn, do đó cần hạn chế uống cà phê và trà. Ngoài ra, do có đến 10% bệnh nhân IBS không dung nạp lactose - loại đường có trong sữa động vật, nên người bệnh cũng hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. 

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết