02/05/2015 - 16:09

Chờ nắng phương anh

Truyện ngắn: Thụy Minh

Ba mất trong một tai nạn giao thông khi tôi vừa lên tám, mẹ một mình bám trụ mảnh đất mà ba mẹ chắt chiu gầy dựng, nuôi ba anh em chúng tôi ăn học. Chúng tôi càng lớn, mẹ càng gầy bởi hằng ngày giật gấu vá vai để chúng tôi có những bữa no lòng và cùng được đến trường học.

Ngày anh Hai thi đậu đại học, giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy vết nám của mẹ. Nhà nghèo quá, chẳng có nổi vài chục ngàn cho anh Hai đi xe đò lên trường nói chi đến sự học còn cả một chặng dài. Tôi quyết làm một việc gì để có tiền giúp mẹ. Tối đó, ngồi bên mẹ tôi nói nhỏ:

- Mẹ à! Cậu mợ Đức cần người làm, cho con đi làm, tiếp mẹ một tay để các anh yên tâm học hành.

Mẹ nhìn tôi, ánh mắt có phần trân trối, rồi dịu đi, từ từ cúi xuống, tôi nói:

- Mẹ yên tâm, Út Sương của mẹ mười bảy tuổi rồi chứ bộ, với lại ở với cậu mợ Đức, mẹ lo gì.

Mẹ ôm lấy tôi nước mắt ràn rụa không nói nên lời.

***

Cậu mợ Đức sinh sống ở một làng quê ven biển. Cuộc sống nơi đây bình dị, êm ả, người dân đánh bắt cá bằng những phương tiện thô sơ. Công việc của tôi không mấy nặng nhọc. Sáng làm cá, phơi cá, chiều thu gom, được bao cơm, ngày công năm chục ngàn đồng. Tôi dành hết số tiền khiêm tốn đó đỡ đần cho mẹ.

 

Một năm trôi qua, những lúc nhìn lại cuốn nhật ký, nước mắt nhớ tiếc tuổi học trò nhỏ xuống, nhưng rồi tôi nhớ mẹ đang còng lưng gánh chè qua hàng trăm ngõ ngách tìm sự sống cho anh em chúng tôi. Tôi quên đi bao nỗi buồn tủi của mình, quên luôn mái tóc của tuổi 18 xác xơ vì gió muối.

Cho đến một chiều, tôi bơi xuồng chở lúa đi chà gạo giúp cậu mợ Đức. Mưa đầu mùa kèm gió và sấm chớp, xua làn nước đỏ ngầu từ rừng chảy ra biển. Tôi nhớ cậu mợ Đức nói từ xa xưa cho đến bây giờ cũng thế, nước đỏ từ rừng chảy ra là lúc nước ngọt giành lại đất, xua nước mặn trở về cội nguồn biển cả.

Xuồng lướt trên dòng kinh giữa mưa gió, tôi vừa chống sào vừa có chút xót xa nhìn những sinh linh bé nhỏ trong mùa cá đẻ đang chống chọi với dòng chảy. Bỗng chiếc tàu khách từ chợ chạy về, tốc độ cao, máy công suất lớn gây ra sóng cuộn làm xuồng tôi làm chòng chành. Chưa kịp trở tay, xuồng đã chìm giữa dòng kinh.

Tôi kinh hoàng hét lên cầu cứu. Hai, ba chiếc xuồng đi qua khập khựng chưa dứt khoát cứu giúp, một thanh niên vạm vỡ trên bờ kinh lao xuống, sấp mặt bơi xiết về phía tôi, kéo tôi lên bờ kinh cạn, rồi anh nhanh nhẹn kéo những bao lúa xếp gọn lên bờ kinh, quày ra lắc xuồng cho khô nước.

Tôi biết anh Thương từ đó. Anh có mái tóc bồng bềnh, mắt đen, nước da màu đồng đậm nét ngư dân. Gia đình anh sống nghề ngư phủ làm thuê cho các chủ ghe.

***

Cũng từ đó, những ngày anh ra khơi, tôi lơ ngơ trên bãi phơi cá. Những lúc anh đi, tôi muốn nói thật nhiều câu sâu lắng, nói rằng tôi thương, lo cho anh. Vậy mà lúc gần anh tôi chẳng nói được gì. Bởi anh không cho tôi tín hiệu nào, anh chỉ ngồi hằng giờ nhìn con sóng bạc đầu vỗ vào ghềnh đá và nói say sưa về biển, về hòn. Như hòn Củ Chon nhiều bãi. Mùa gió nam thì ở bãi Chệt, bãi Cỏ. Gió bấc ở bãi Ngự, bãi đất Đỏ. Gió chướng ở bãi Mến. Xung quanh hòn Củ Chon còn nhiều hòn như hòn Mấu, ba hòn Nồm, hòn Ông, hòn Tre, hòn Ngang... Tôi nghe anh kể, bên anh lòng tôi ấm nóng, rộn lên những cảm giác bâng khuâng và thấy mình được che chở. Có lần anh hỏi:

- Ba em mất bao lâu rồi?

Tôi chợt buồn tủi:

- Ba mất khi em vừa lên tám, bị người ta tông xe. Lúc còn sống, ba em làm việc không ngơi tay, gia đình em 5 người tuy không giàu nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Từ lúc ba mất, mẹ cực khổ cô đơn, em tha hương giúp mẹ…

Tôi cúi xuống thở dài, lạ lùng sao, cùng với tiếng thở dài với anh. Rồi anh chỉ im lặng nhìn tôi thật âu yếm, tôi cúi mặt, giọt nước mắt từ từ lăn xuống. Anh khe khẽ nắm bàn tay tôi siết chặt.

***

Một đêm sau mấy ngày Thương ra khơi, trời bỗng mưa to gió lớn, tôi thấp thỏm lo âu sợ sệt. Thằng Tân con cậu Đức tìm tôi hốt hoảng nói:

- Út Sương ơi! Người ta nói trong cơn bão đêm qua vùng kinh Hội mình ghe chìm và nhiều người chết lắm.

Tôi run rẩy cả người, cuống cuồng chạy thẳng ra lộ kinh Xáng. Cảnh hỗn lọan đập vào mắt, người chen lấn, xô đẩy giành nhau ra cửa biển nghe ngóng tin tức người thân. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, nhìn theo đoàn người hơ hải kéo nhau đi.

Hơn bốn giờ chiều, chiếc tàu cứu hộ đầu tiên ghé vào cửa biển. Mấy chục người được ủ ấm, chăm sóc, rồi thân nhân lần lượt đưa về nhà.

Trong số đó có hai anh em của Thương. Tôi như người chết đi sống lại, chạy như bay tới nhà của anh. Tôi đứng lấp ló ở ngoài nhìn vào. Mẹ và các em của Thương khóc không thành tiếng giữa tiếng thì thào của Thương đang nằm trên ván:

- Ba nói hai con còn trẻ, ráng sống thay ba nuôi em. Cái phao... cái phao nhỏ quá.

Nước mắt tôi đầm đìa, không còn e ấp, ngượng ngập gì nữa, tôi lách người chạy đến bên anh, cầm tay anh, tôi khóc ngất:

- Anh Thương... anh Thương!

Thương mở mắt, một chút ánh sáng lóe lên. Tay anh lại siết tay tôi thật chặt.

Đêm đó anh sốt cao, mê sảng, gia đình đưa anh đi bệnh viện tỉnh chữa trị. Tôi lui tới săn sóc anh trong thời gian nằm bệnh. Những lúc mê sảng, anh thường la lớn: “Ba ơi! Nấn ná chút nữa đi ba!”. Có khi anh lại la: “Tàu cứu hộ, ba ơi! Tàu cứu hộ!”. Những người xung quanh không ai cầm được nước mắt. Một hôm, vào giữa trưa tôi ngồi bên anh, lấy khăn lau mặt, lau tay cho anh, bỗng anh ngồi bật dậy nhảy xuống đất, đứng lên ngồi xuống, hai tay quờ quạng: “Ba ơi! Ba đâu rồi, ba ơi!”. Thì ra anh làm động tác lặn hụp tìm ba, tôi cố níu anh lại, nhưng anh hất tôi ra xa. Tôi chỉ còn biết nước mắt lăn dài nhìn anh trong cơn mê sảng. Tôi sợ anh từ từ xa rời thế giới thực, rời xa tình yêu của tôi. Nỗi sợ khiến tôi bất chấp, lại lao đến bên anh, mong nắm níu anh lại thế giới này.

***

Đến ngày cúng cơm tập thể lần thứ năm cho những người chết trong cơn bão, các ghe đậu dài, chủ ghe và ngư dân vén khéo các lễ vật trước giờ làm lễ.

Đám giỗ năm nay được tổ chức chu đáo. Nỗi đau đớn, tiếc thương, hụt hẫng vẫn đè nặng lên mỗi gia đình có thân nhân chết trong cơn bão và của bà con trong vạn chài.

Trong số những người đến dự đám giỗ, năm nay có anh Thương. Anh đã phục hồi sức khỏe và lại kể cho tôi nghe về biển, về các hòn. Tôi lại được nhận tình yêu mà tôi hằng lo sợ mất đi vĩnh viễn. Bây giờ, tôi không còn khổ sở khi một mình nhìn mặt trời mọc rồi lại lặn trong mấy năm đằng đẵng, không còn buồn bã nhìn dòng kinh nước đỏ cuồn cuộn chảy trong đợt mưa đầu mùa để rồi nhớ tiếc thuở ban đầu. Tôi đã lại có Thương sau 5 năm kiên nhẫn cùng gia đình anh dùng tình yêu, tình thân giúp anh đối diện với mất mát, để chấp nhận và sống tiếp vì những người còn lại.

Chia sẻ bài viết