18/01/2020 - 15:05

Chính thức mở phiên tòa luận tội ông Trump 

Ngày 16-1, các thượng nghị sĩ Mỹ đã tuyên thệ cương vị bồi thẩm tại phiên luận tội Tổng thống Donald Trump. Tại lễ tuyên thệ trước Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts, người sẽ chủ trì phiên luận tội tại thượng viện, các thượng nghị sĩ cam kết sẽ “xét xử công bằng”.  

Biểu tình bên trong tòa nhà Thượng viện Mỹ kêu gọi loại bỏ Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội trong lịch sử nước này. Hai người trước là Andrew Johnson và Bill Clinton nhưng họ đều không bị phế truất. Phiên tòa xét xử ông Trump sẽ mở vào ngày 21-1, gần 4 tháng sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho tiến hành cuộc điều tra chính thức đối với cáo buộc Tổng thống Trump gây áp lực nhằm ép Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden-ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Tại thượng viện, các thủ tục tố tụng được mở màn khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đọc hai điều khoản luận tội ông Trump chuyển đến từ hạ viện. Ông Schiff là một trong 7 nghị sĩ được chỉ định đóng vai trò công tố viên đưa ra cáo buộc chống lại tổng thống tại phiên tòa luận tội. 

Trong những tuần tới, các nhà lập pháp sẽ quyết định liệu ông Trump có nên bị truất phế dựa trên cáo buộc của hạ viện hay không. Hôm 16-1, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump không làm điều gì sai trái và hy vọng sẽ được tha bổng hoàn toàn. Về phần mình, ông Trump chỉ trích tiến trình luận tội “mang tính đảng phái” đồng thời nói rằng phiên tòa sắp tới sẽ diễn ra “rất nhanh chóng”. Washington Post dẫn lời một quan chức chính quyền dự đoán tiến trình xét xử kéo dài không quá 2 tuần. Đây có thể là tín hiệu cho thấy khả năng đảng Cộng hòa sẽ tận dụng thế đa số để ngăn việc triệu tập nhân chứng và nhanh chóng tiến hành bỏ phiếu đối với các cáo buộc. Theo quy định, để kết tội và phế truất tổng thống thì cần ít nhất 2/3 số phiếu đồng thuận ở thượng viện. Khả năng này gần như không xảy ra khi phe Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát thượng viện.

Phát biểu sau các thủ tục tố tụng, ông Schiff cho biết nước Mỹ chưa từng có tổng thống nào tìm cách cản trở một cuộc điều tra luận tội đến như vậy. Lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Chuck Schumer thì kêu gọi việc triệu tập nhân chứng và bổ sung tài liệu mới. Hai trong 4 nhân vật quan trọng mà đảng Dân chủ muốn gởi trát mời là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Tuy việc bị phế truất là gần như không có khả năng, nhưng phiên tòa sắp tới có thể trở thành mối nguy chính trị đối với ông Trump khi một nhóm đảng viên Cộng hòa ôn hòa gần đây có ý muốn nghe lời khai từ nhân chứng và cân nhắc các cáo buộc chống lại tổng thống.

Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ vừa công bố kết luận ông Trump vi phạm luật khi trì hoãn gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Hành vi nói trên không gây ra rủi ro pháp lý và tổng thống cũng không bị buộc tội ở thời điểm hiện tại, nhưng diễn biến này có thể tạo thêm gánh nặng cho đảng Cộng hòa trong nỗ lực bảo vệ chủ nhân Nhà Trắng. Trước đó, đảng Dân chủ cho biết họ có “các bằng chứng mới”, bao gồm bức thư viết tay từ cộng sự của ông Trump có liên quan Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Biden.

Thời cơ cho ông Biden?

Theo BBC, phiên tòa luận tội có thể kéo dài đến tháng 2 - thời điểm cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ tìm ứng viên tranh cử tổng thống bước vào giai đoạn then chốt. Với vai trò thượng nghị sĩ, 2 trong số các ứng viên Dân chủ hàng đầu hiện nay là Bernie Sanders và Elizabeth Warren sẽ phải giảm quy mô chiến dịch tranh cử để tham dự phiên tòa luận tội. Trong bối cảnh này, giới quan sát cho rằng cựu Phó Tổng thống Biden có thể tận dụng thời cơ để tiến hành vận động chớp nhoáng trong vài ngày trước cuộc bỏ phiếu quyết định. Trong các cuộc thăm dò gần đây, ông Biden đều đứng đầu trong số các ứng viên Dân chủ.

MAI QUYÊN (Washington Post, Guardian)

 

Chia sẻ bài viết