15/03/2025 - 08:13

Chính quyền Trump trước bài toán khoáng sản CHDC Congo 

Trong lúc thỏa thuận khai thác khoáng sản với Ukraine vẫn đang tiếp được đàm phán, các quan chức Mỹ được cho sẽ sớm bắt đầu tiến trình giao dịch tương tự với Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo như là một nỗ lực chống lại lợi ích của Trung Quốc tại quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Khoáng sản được vận chuyển từ Mỏ Tenke Fungurume ở Ðông Nam CHDC Congo. Ảnh: AFP

Ðổi khoáng sản lấy an ninh?

Triển vọng thỏa thuận khoáng sản được Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi nêu ra lần đầu trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với tờ New York Times. Theo nhà lãnh đạo này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm giao dịch để đảm bảo dòng khoáng sản chiến lược trực tiếp từ CHDC Congo. Ðổi lại, Tổng thống Tshisekedi kỳ vọng hợp tác với Mỹ sẽ đem lại an ninh và ổn định cho quốc gia Trung Phi.

Hiện Kinshasa trông cậy rất nhiều vào hành động quốc tế, đặc biệt từ Mỹ và phương Tây nhằm gây áp lực lên nước láng giềng Rwanda vốn bị cáo buộc hỗ trợ phiến quân M23 nắm quyền kiểm soát miền Ðông Congo. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), M23 đánh thuế đáng kể hoạt động khai thác mỏ tại khu vực Rubaya ở Bắc Kivu, chỉ riêng thuế coltan đã đem về cho họ khoảng 800.000 USD/tháng. Kể từ tháng 1, nhóm vũ trang này mở đợt tấn công lớn ở Goma, thành phố nằm trong khu vực giàu tài nguyên khoáng sản. Theo LHQ, ít nhất 900 cá nhân đã thiệt mạng và 2.880 người bị thương trong các diễn biến bạo lực xung quanh Goma.

Các quốc gia thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án cuộc tấn công là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền của CHDC Congo. Tháng rồi, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua nghị quyết “lên án mạnh mẽ” cuộc tấn công của M23 tại CHDC Congo và hoạt động của lực lượng này ở các tỉnh Bắc và Nam Kivu với sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Rwanda (RDF).

Trang tin France 24 cho biết, trong nỗ lực tìm kiếm đồng minh, một công ty tư vấn của Mỹ được ủy quyền bởi thượng nghị sĩ CHDC Congo Pierre Kanda Kalambayi đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng nhiều quan chức khác của Nhà Trắng vào tháng 2. Nội dung thư đề xuất quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, kèm theo đó là lợi ích tiếp cận khoáng sản CHDC Congo, kiểm soát hoạt động của một cảng nước sâu để làm trung tâm xuất khẩu và lập kho dự trữ khoáng sản chiến lược chung. Ðổi lại, Mỹ sẽ huấn luyện và trang bị cho lực lượng vũ trang CHDC Congo để bảo vệ các tuyến đường cung cấp khoáng sản khỏi nhóm chiến binh được nước ngoài hậu thuẫn.

Theo 2 quan chức CHDC Congo, sáng kiến trên không đại diện cho chính phủ hoặc tổng thống nước này nhưng một số đề xuất đã và ​​đang được tiến hành. Tuần rồi, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận khởi động các cuộc thảo luận sơ bộ sau khi cho biết Washington sẵn sàng hợp tác khai thác mỏ tại quốc gia Trung Phi. Ngoài ra còn có tin Tổng thống Trump đang chuẩn bị bổ nhiệm đặc phái viên đến khu vực Ngũ Ðại Hồ (The Great Lakes), trong đó nhiệm vụ ưu tiên là nghiên cứu các thỏa thuận khoáng sản của CHDC Congo. Truyền thông tiết lộ thêm, người con rể thứ 2 của ông Trump, Massad Boulos được chọn đảm trách công việc này.

Nhiều xung đột lợi ích

Theo ước tính, CHDC Congo có nguồn tài nguyên chưa khai thác trị giá 24.000 tỉ USD. Ngoài các kim loại quý như vàng và đồng, nước này sở hữu lượng lớn cobalt - thành phần thiết yếu cho pin xe điện và trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, hàng không vũ trụ. Bên cạnh đó là các mỏ lithium, tantalum và uranium ứng dụng nhiều trong quân sự.

Hiện chuỗi cung ứng khoáng sản của CHDC Congo hầu hết do Trung Quốc kiểm soát, do đó việc chính quyền Tổng thống Tshisekedi tìm kiếm hợp tác với Mỹ và phương Tây phản ánh rạn nứt giữa Kinshasa và Bắc Kinh liên quan thỏa thuận khai thác mỏ lớn giữa CHDC Congo và một tập đoàn Trung Quốc.

Ðược mệnh danh là “hợp đồng thế kỷ”, thỏa thuận nói trên được ký lần đầu vào năm 2008 dưới thời Tổng thống Joseph Kabila nhưng lại dấy lên bất mãn ở người dân địa phương. Theo cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ và nhóm xã hội dân sự, Trung Quốc không tôn trọng cam kết liên quan đầu tư cơ sở hạ tầng khi loại bỏ sự tham gia của cộng đồng địa phương. Doanh nghiệp Trung Quốc còn bị tố không tôn trọng quyền của người lao động và môi trường.

Thực tế trên khiến nhiều người ở CHDC Congo kỳ vọng vào quan hệ hợp tác với Mỹ, nhưng chuyên gia Jean Pierre Okenda lo ngại tình trạng khẩn cấp về an ninh có thể dẫn tới các cuộc đàm phán không có lợi cho kinh tế Congo. Về vấn đề này, người phát ngôn Chính phủ CHDC Congo, Patrick Muyaya Katembwe tuyên bố chính quyền Tổng thống Tshisekedi chỉ đang tìm cách đa dạng hóa các đối tác, qua đó bác bỏ ý tưởng sẵn sàng trao đổi khoáng sản để lấy hỗ trợ an ninh.

Quan tâm các nguồn tài nguyên của CHDC Congo, Nhà Trắng từ thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ tích cực Hành lang Lobito, dự án đường sắt được thiết kế kết nối các mỏ ở phía Bắc Zambia và Ðông Nam CHDC Congo với cảng Lobito của Angola, nhằm tăng cường nguồn cung cấp của Mỹ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề với thỏa thuận khoáng sản tiềm năng là hiện không có công ty khai khoáng nào của Mỹ hoạt động tại CHDC Congo, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Washington cạnh tranh nghiêm túc hoặc thay thế Trung Quốc. Quy mô hợp tác càng bị thu hẹp khi hầu hết các hợp đồng khai thác đã được chuyển giao cho các công ty tư nhân ở khu vực Ðông Nam giàu quặng đồng, cobalt và lithium. Ðàm phán với Washington trở nên mong manh hơn khi triển khai lực lượng Mỹ trên bộ đi ngược lại cam kết của Tổng thống Trump về việc đưa quân đội về nước.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết