10/08/2009 - 08:15

Chia sẻ nỗi đau da cam

Thành lập từ tháng 7- 2006 đến nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Cần Thơ (NNCĐDC) đã vận động khoảng 1,7 tỉ đồng, xây dựng 64 căn nhà tình thương, thăm hỏi và tặng trên 2.100 phần quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) trong các dịp lễ, Tết và Ngày vì NNCĐDC; giúp vốn cho 44 nạn nhân học nghề và gia đình chăn nuôi, mua bán nhỏ; trợ cấp hàng quí cho 28 nạn nhân... Qua những việc làm đầy nghĩa tình này đã góp phần chia sẻ nỗi đau với những gia đình NNCĐDC vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Vượt lên nỗi đau

Bà Nguyễn Thị Non, ở khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt rất vui mừng khi được Hội NNCĐDC/Dioxin TP Cần Thơ trao tặng nhà tình thương. 

Sau chiến tranh, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm CĐDC, trong đó có hơn 3 triệu người là NNCĐDC. Có hàng triệu nạn nhân và con cháu họ phải sống trong bệnh tật, nghèo khổ, chịu bất hạnh suốt đời và căn bệnh hiểm nghèo ấy đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người bất hạnh. Hiện nay, TP Cần Thơ còn 2.413 nạn nhân bị phơi nhiễm, trong đó có 506 trẻ em dưới 16 tuổi, 823 người dị tật nặng không tự sinh hoạt được, có 646 người bị nhiễm trực tiếp và 1.767 người bị nhiễm là con, cháu...

Ông Nguyễn Văn Quang, ngụ khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, là một trong những gia đình có đông người bị nhiễm CĐDC nhất TP Cần Thơ. Ông Quang có 7 người con, trong đó có 6 người bị nhiễm CĐDC và 2 đứa cháu ngoại cũng bị nhiễm bệnh. Ông Quang kể: “Lúc mới sinh, đứa nào cũng lành lặn, khỏe mạnh, nhưng khoảng 1-2 tuổi trở lên thì cơ thể bắt đầu biến dạng, thân hình rút lại (không phát triển chiều cao), tay chân thì cong queo. Trong 6 người bị nhiễm có Nguyễn Thị Bích Phượng nhiễm nặng nhất, vừa bị tật tay chân, toàn thân bị lang từng đốm trông giống bị phỏng nặng. Đặc biệt, con trai của nó cũng nhiễm bệnh”.

Ông Quang đã cố gắng vật lộn với cuộc sống lo các con từng miếng ăn, thang thuốc. Ban ngày ông đi làm thuê, khi màn đêm buông xuống quay về ông làm lụng trên đất nhà tới nửa đêm... để lo cái ăn hàng ngày cho 6 người bệnh còn chưa đủ, làm gì có tiền để chữa bệnh, nợ nần chồng chất. Dần dần 4 công ruộng của gia đình ông cũng mang đi cố cho người ta để lấy tiền lo cho các con. Sau đó, ông Quang thuê lại đất của mình để sản xuất, đong lúa lại cho chủ đang cầm cố đất của ông hàng năm. Căn nhà lá xiêu vẹo rách nát nhưng ông cũng không dám mơ sửa lại... Sau khi thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin TP Cần Thơ đã vận động Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương cho gia đình ông tránh mưa, tránh nắng; hỗ trợ 10 triệu đồng cho 2 người con của ông: Nguyễn Văn Nhân học nghề sửa điện tử và Nguyễn Thị Ngọc Bích học nghề sửa điện thoại.

Hiện nay, hai anh em Nhân, Bích đang mở tiệm tại Kênh Tư, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Hôm chúng tôi đến, trong căn nhà rộng chừng 15m2, được trang trí ngăn nắp, gọn gàng, Ngọc Bích đang cặm cụi bên chiếc bàn nhỏ sửa điện thoại di động của khách hàng, còn Nhân thì đi mua hàng về bán. Ngọc Bích cho biết: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Hội NNCĐDC mà anh em tôi có được cái nghề tự nuôi thân. Ngoài việc sửa chữa điện thoại và điện tử, tôi còn bán thêm điện thoại và các thiết bị điện tử để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình”.

Đồng cảnh ngộ với ông Quang, gia đình bà Trần Thị Chanh, ở ấp Phú A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, được hàng xóm rất quí mến về tinh thần giàu nghị lực. Suốt 30 năm vật lộn với cuộc sống, bà Chanh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền chăm sóc 2 đứa con bị nhiễm CĐDC. Năm 1972, bà sinh Trần Văn Sang (người con đầu lòng) sức khỏe bình thường. 6 tháng sau, Sang bị sốt cao kéo dài, mắt đỏ, gia đình đưa điều trị khắp nơi. Hết tây y, rồi lại đông y, tốn rất nhiều tiền nhưng bệnh tình không thuyên giảm, dần dần 2 mắt Sang không nhìn thấy. Bà Chanh kể: “Lúc mới phát bệnh, vợ chồng tôi đưa cháu đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh vẫn không giảm. Khi nghe bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh thông tin mắt cháu bị mù vĩnh viễn, vợ chồng tôi rất hụt hẫng...”. Đến năm 1975, bà Chanh sinh Trần Thị Sương (cũng mắc chứng bệnh như Sang, nhưng tay chân Sương rất yếu).

Em Nguyễn Thị Ngọc Bích (con ông Quang) đang sửa điện thoại di động cho khách hàng. 

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bà Chanh không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, gia nhập vào đoàn quân y đóng tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nhận nhiệm vụ hậu cần chăm sóc và phục vụ bệnh binh. Sau ngày thống nhất đất nước, mặc dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, hai người con bị bệnh tật (bị mù mắt do nhiễm CĐDC) không tự sinh hoạt được, nhưng bà Chanh vẫn sắp xếp công việc để tiếp tục tham gia công tác phụ nữ ấp. Từ năm 2004 đến nay, bà Chanh là đại biểu HĐND xã Trường Long, bà Chanh nói: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ cất nhà tình thương cùng nhiều chính sách ưu đãi khác, không chỉ riêng tôi mà nhiều gia đình NNCĐDC trên địa bàn có điều kiện chăm lo cho các con vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng và dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội ở địa phương”.

Những tấm lòng

Ngày 4-8-2009, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin TP Cần Thơ đến nghiệm thu và bàn giao 4 căn nhà tình thương cho gia đình NNCĐDC ở các phường: Tân Lộc, Trung Kiên và Thạnh Hòa (quận Nốt Nốt). Đa phần những gia đình được nhận nhà đợt này đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ có từ 1 đến 2 người con bị nhiễm CĐDC, không ruộng đất sản xuất phải đi làm thuê, làm mướn hoặc bán vé số kiếm sống...

Đầu tiên, đoàn đến khu vực Phúc Lộc 2, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, để bàn giao căn nhà tình thương cho gia đình bà Dương Thị Nhung, có con là Trương Thị Mỹ Kiều, NNCĐDC. Căn nhà rộng 36m2, nền lót gạch tàu, mái và vách bằng tôn, trị giá 10 triệu đồng, do Hội NNCĐDC/Dioxin TP Cần Thơ hỗ trợ. Năm nay Mỹ Kiều 16 tuổi nhưng không đi đứng được, nằm liệt một chỗ, thường bị co giật nên phải có người trực tiếp bên cạnh. Gia đình bà Nhung không ruộng đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê. Bà Nhung vừa chăm sóc Mỹ Kiều, lại phải đi làm thuê cùng chồng kiếm miếng ăn hàng ngày. Bà Nhung kể: “Lúc mới sinh, Mỹ Kiều khỏe mạnh bình thường. Khoảng 7 tuổi, nó bị sốt kéo dài, tôi đưa điều trị khắp nơi, hết tây y, rồi đông y (châm cứu) tốn rất nhiều tiền, nhưng bệnh tình không thuyên giảm”.

Tại khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, đoàn ghé vào nghiệm thu và bàn giao nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Non, có 2 người con bị nhiễm CĐDC rất đáng thương. Người con lớn Nguyễn Chấn Hưng, 2 chân không đi được; người con út Nguyễn Văn Đạt, 2 năm nay đôi chân cũng yếu dần... Vì chuyện này, chồng bà bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới. Bà Non một thân một mình tảo tần làm đủ nghề lo cho các con, ai thuê gì làm nấy, cố gắng kiếm tiền nuôi con. Bà Non xúc động nói: “Có được căn nhà tránh mưa, tránh nắng, mẹ con tôi rất vui. Trước đây, mỗi khi trời mưa cả nhà không có chỗ khô ráo, mùa lũ thì nước ngập. Giờ đây, gia đình tôi thoát khỏi cảnh tát nước mỗi khi lũ về... Tôi sẽ cố gắng lao động vượt mọi khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Cùng chia sẻ với các NNCĐDC và động viên gia đình vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, bà Ung Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin thành phố, cho biết: “Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài nước, Hội NNCĐDC/Dioxin TP Cần Thơ đã góp phần chăm lo trong khám chữa bệnh, hỗ trợ đời sống vật chất tinh thần cho các NNCĐDC... Tuy nhiên, công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, trong khi đa phần NNCĐDC thuộc diện hộ nghèo, đã hết sức cố gắng tìm cách mưu sinh, chống lại bệnh tật, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi phấn đấu xây dựng 21 căn nhà tình thương cho những NNCĐDC khó khăn về nhà ở. Tiếp tục trợ cấp hàng quí cho 20 trẻ em đặc biệt khó khăn... Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội cơ sở khẩn trương rà soát cuộc sống, hoàn cảnh gia đình của các NNCĐDC để phân loại và giúp họ có điều kiện lao động sản xuất, học hành, ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết