07/09/2009 - 20:23

Chỉ số giá tiêu dùng đang "hạ nhiệt"

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2009 của thành phố dương và tăng 3,52% so với tháng 12-2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường tăng so với cùng kỳ, nền kinh tế thành phố đã và đang phục hồi, cùng với chủ trương kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Diễn biến tăng của CPI đang có xu hướng chậm lại, biên độ tăng không lớn. Các chuyên gia dự báo, mức tăng CPI các tháng cuối năm sẽ không có đột biến lớn, do nguồn cung hàng hóa hiện khá dồi dào và chủ trương kích cầu tiêu dùng nội địa đang triển khai rộng khắp cả nước sẽ góp phần kiềm giá hàng hóa trên thị trường.

Giá cả các mặt hàng ổn định

Tháng 8-2009 CPI tăng 0,14% so với tháng trước, nhưng lại giảm 0,09% so cùng kỳ. Trong 4 tháng gần đây, dù giá mặt hàng xăng dầu tăng mạnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến giá cả các mặt hàng trong nước, do nguồn hàng tại thị trường nội địa đang dồi dào. Một số nhóm hàng thực phẩm, lương thực, dược phẩm... giá cả đã lắng dịu lại do chính sách kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả cao. Do vậy, tính chung CPI vẫn tăng chậm trong các tháng gần đây, đồng thời các chuyên gia cho rằng lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ. Tính chung 4 tháng qua (tháng 5 đến tháng 8-2009), CPI của thành phố chỉ tăng 1,65%; trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,12% (nhóm thực phẩm tăng 2%, nhóm lương thực tăng 1,05%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có chỉ số tăng mạnh nhất trong rổ tính CPI trong thời gian dài, nhưng gần đây, nhóm hàng này có mức tăng dưới 1%.

Cụ thể, trong tháng 8-2009, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,03% so với tháng trước; do nguồn cung trên thị trường dồi dào, giá gạo giảm nên lương thực giảm 0,29% (chỉ bằng 99,71% tháng trước), thực phẩm tăng 0,02%. Nhóm hàng hóa tăng mạnh nhất trong tháng thuộc về nhóm giao thông, bưu chính viễn thông với 1,76% so với tháng 7-2009 do tác động của giá xăng dầu tăng; nhóm kế tiếp là thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; văn hóa- thể thao- giải trí tăng 0,18%; nhà ở- vật liệu xây dựng tăng 0,15%...

Người tiêu dùng TP Cần Thơ chọn mua các loại thực phẩm công nghệ.
Ảnh: ANH KHOA 

Bà Huỳnh Cẩm Nhung, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: “Nhóm thực phẩm như: gạo, thịt, cá, rau quả... chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI. Nên giá của các mặt hàng này tăng thì CPI tăng, cộng thêm chi phí vận tải và việc điều chỉnh mức lương cơ bản cũng tạo nên tâm lý bán hàng làm cho người bán hàng, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán”. Bà Nhung cho rằng, CPI dương nhưng chỉ tăng nhẹ và người dân bắt đầu dè xẻn trong chi tiêu gia đình. Việc chi tiêu chủ yếu tập trung cho nhóm thực phẩm, hàng thiết yếu, còn thiết bị, máy móc nhu cầu không nhiều và có khi đến 5-7 năm người dân mới thay đổi.

Trong tháng qua, giá một số loại rau cải nhìn chung bình giá và tăng chậm lại, mức tăng thêm 500-1.000 đồng/kg so với tháng trước; giá đường cát tăng 8-12%. Thêm vào đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chỉ đạo các thành viên thu mua ngay 400.000 tấn gạo dự trữ trong tháng 8, giá lúa hè thu đã tạm thời bình ổn và dao động ở mức 3.800-4.300 đồng/kg (tùy loại). CPI tăng còn do nhu cầu mua sắm mùa tựu trường (sách vở, quần áo, dụng cụ học sinh...).

Nguồn cung dồi dào

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI, sự chi phối lớn về quyền số trong CPI này cùng với mức giảm giá của lương thực, thực phẩm đã khiến giá cả trên thị trường được điều chỉnh mạnh. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng khác cũng ổn định, dù giá xăng vẫn được ghi nhận là có tác động mạnh nhưng đã không đủ sức để đẩy CPI lên quá cao. CPI của thành phố trong các tháng gần đây có mức tăng dưới 1% là tín hiệu khá tích cực từ công tác điều hành, phát triển nền kinh tế thành phố. Theo dự đoán, nguồn cung lương thực tiếp tục dồi dào, giá dầu thế giới ổn định, lượng hàng hóa trong nước phong phú; đồng thời doanh nghiệp trong nước đang vào mùa khuyến mãi cuối năm, nên giá cả sẽ ổn định hơn.

Cùng với chủ trương kích cầu của Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp từ nguồn vốn này đã vượt qua khó khăn và phát triển ổn định. Từ đó, nguồn cung hàng hóa trên thị trường khá dồi dào, với chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đang phục hồi, nhưng sức cầu trên thị trường vẫn chưa thực sự mạnh để làm nên “cú hích” mạnh mẽ, vực dậy sức mua. Thêm vào đó, suy giảm kinh tế thế giới, sức cầu trên thị trường thế giới đã giảm đáng kể, doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều tác động trực tiếp. Người dân và doanh nghiệp là 2 đối tượng chính tạo nên cán cân cung- cầu trên thị trường, trong khi đó cả hai đều cân đối túi tiền của mình, tiết kiệm những khoản chi tiêu chưa thực sự cần thiết.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, lượng hàng hóa bán ra trong tháng 8-2009 đạt 3.396 tỉ đồng, giảm 2,97% so với tháng 7-2009 và giảm 7,86% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ 1.623 tỉ đồng, tăng 4,9% so tháng trước và giảm 5,97% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, hàng hóa bán ra 26.709 tỉ đồng, đạt 49,46% kế hoạch năm và giảm 7,8% so cùng kỳ; trong đó, bán lẻ 14.088 tỉ đồng (đạt 56,35% kế hoạch năm) và tăng 5,7% so cùng kỳ. Rõ ràng, mức bán lẻ hàng hóa từng tháng trồi sụt khác nhau và phụ thuộc vào thị hiếu tiêu dùng trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, mức bán lẻ có tăng so với năm trước, nhưng mức tăng này không nhiều và nếu so về mặt bằng giá thì mức tăng này không đáng kể. Thống kê của ngành công thương trong tháng 8-2009, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống (như: thịt heo, gà ta, cá...) giảm, thịt bò bình ổn, các mặt hàng thực phẩm công nghệ tương đối ổn định, riêng đường cát tăng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Hừng cho rằng: “Thị trường tại TP Cần Thơ không phân cách đô thị và nông thôn mà liên thông với nhau. Gần đây, doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, giá cả tăng nhưng không nhiều, do nguồn cung dồi dào”. Theo ông Hừng, sản xuất của doanh nghiệp đang dần ổn định và tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động... những yếu tố này sẽ kích cầu sức tiêu dùng trên thị trường.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết