25/11/2011 - 14:19

Chế độ dinh dưỡng cho người thừa cân

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp chị em giữ được thân hình cân đối.
Ảnh: HỒNG VÂN

Hiện nay, tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng ở các nước phát triển và đang phát triển, trong đó Việt Nam. Nỗi lo béo phì đặt ra vấn đề dinh dưỡng đáng báo động. “Chế độ dinh dưỡng như thế nào để có được một thân hình cân đối, khỏe mạnh ?” - Đó là vấn đề nhiều người quan tâm, nhất là phụ nữ.

Chị N.T.L. (Ninh Kiều) chia sẻ: “ Sau khi sinh con, thân hình tôi béo lên thấy rõ. Do bận rộn với công việc buôn bán, khi về đến nhà lại phải chăm con nhỏ nên ít có thời gian tập thể dục. Vì vậy, tôi chọn giải pháp giảm cân bằng việc ăn kiêng. Vào buổi sáng, tôi ít khi ăn sáng... nhưng đến nay, tình trạng vẫn chưa được cải thiện”. Tương tự như trường hợp chị L., chị Â.T.N.T. (Ninh Kiều) cũng đang khổ tâm với vóc dáng của mình. Tiết lộ một “chiêu giảm cân” mà chị sắp thực hiện, chị cho biết: “Tôi đang có dự định uống giấm để giảm cân. Nghe nhiều người khen hay nhưng cũng có nhiều người ngăn cản. Tôi rất lo lắng”.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Kim Phụng, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Để đánh giá mức độ thừa cân, béo phì ở người từ 18 tuổi trở lên dựa vào BMI (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể). Cách tính như sau: BMI= cân nặng(kg)/(chiều cao)²(cm). Bạn có thể tự đánh giá chỉ số BMI của bản thân qua các chỉ tiêu sau đây: BMI từ 18,5 - 25: bình thường; BMI từ 25 - 30: béo phì độ 1; BMI từ 30-35: béo phì độ 2; BMI từ 35-40: béo phì độ 3 và trường hợp BMI > 40: béo phì độ 4. Béo phì gây nhiều nguy cơ cho thể chất, tâm lý, cụ thể như: tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, sỏi thận, sỏi mật, rối loạn chuyển hóa lipide, quá cân cũng gây ảnh hưởng lên các khớp gây đau nhức, nếu trẻ béo phì bị bạn bè trêu chọc sẽ trở nên tự ti, không thích tham gia vào các hoạt động tập thể... Qua đó cho thấy việc giảm cân ở người thừa cân, béo phì là rất cần thiết. Tuy nhiên tốc độ giảm cân phải từ từ, không giảm cân quá nhanh >1 kg trong 1 tuần và cần theo dõi cân nặng mỗi tuần”.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Phụng, để đạt được mục tiêu giảm cân, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm của khẩu phần ăn hàng ngày như sau: Năng lượng cung cấp tùy vào hoạt động của từng người: 800-1.000 kcalo ở người lao động nhẹ; 1.200-1.400 kcalo ở người hoạt động mức độ trung bình; 1.600-1.800 kcalo ở người lao động nặng (hay giảm khoảng 500 kcalo mỗi ngày so với nhu cầu ăn uống thường ngày của họ); nên giảm các loại đường hấp thu nhanh: bánh ngọt, nước ngọt, kẹo... ; ăn đủ protein, sinh tố và khoáng chất: thịt cá, tôm cua, rau, trái cây...; giảm các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng, nhiều dầu mỡ: thịt mỡ, da, lòng và thức ăn chế biến sẵn như: xúc xích, patê... Cần hạn chế các món chiên, quay, xào, thay vào đó là tăng cường các loại thức ăn “nghèo” năng lượng để đảm bảo về mặt số lượng của bữa ăn như: ăn rau, trái cây ít ngọt... Ăn chủ yếu vào buổi sáng, hạn chế vào lúc chiều, ăn bữa cuối trong ngày trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ. Bên cạnh đó, sữa là loại thực phẩm rất tốt cho người thừa cân béo phì vì đạm và chất khoáng trong sữa giúp phát triển chiều cao (nếu là trẻ em), giúp xương rắn chắc (nếu là người lớn). Tuy nhiên, đối với những trường hợp thừa cân, béo phì cần lưu ý chọn sữa ít béo.

Song song với một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc tập luyện thể dục thể thao, tăng cường hoạt động thể lực đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị thừa cân, béo phì. Việc chọn loại hình tập luyện tùy thuộc vào hoạt động thể lực và sức khỏe của mỗi người. Nên tập luyện thường xuyên (tối thiểu 3-4 lần/tuần), mỗi buổi tập từ 20-30 phút. Nếu tập thể dục với cường độ thấp, không thường xuyên thì không đạt được mục tiêu giảm cân mà chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh và ăn uống dễ hấp thu hơn. Hiện nay, nhiều người tìm đến các loại thuốc giảm cân như một biện pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc dùng thuốc để giảm cân và cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết