30/09/2011 - 15:24

Chế độ ăn uống hợp lý cho người mắc bệnh đái tháo đường

Khám bệnh và tư vấn về bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại Trung tâm Y tế dự phòng
TP Cần Thơ. Ảnh: P. LONG

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý làm gia tăng lượng đường trong máu hơn mức bình thường. Hiện nay, số người mắc bệnh ĐTĐ ngày càng gia tăng. Trong quá trình điều trị bệnh ĐTĐ, bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả điều trị, sức khỏe của người bệnh.

Cần lưu ý là không phải trường hợp nào có đường trong nước tiểu cũng gọi là ĐTĐ; các trường hợp nước tiểu có loại đường fluctose (hoa quả, mật ong), đường lactose, galactose (sữa), pentose thì không gọi là tiểu đường; trường hợp có glucose niệu mà do ngưỡng đường của thận hạ thấp chứ không phải do đường máu tăng cao thì cũng không gọi là ĐTĐ.

ĐTĐ được chia thành ĐTĐ týp 1 (thể, loại 1), ĐTĐ týp 2 (thể, loại 2), ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ nguyên nhân khác như do ngộ độc, do chấn thương. ĐTĐ týp 1 chiếm khoảng 10%, thường gặp ở người trẻ và thường có đầy đủ triệu chứng của bệnh. Trong khi đó, ĐTĐ týp 2 chiếm tới 90% số người ĐTĐ, thường gặp ở người trên 30 tuổi và bệnh tiến triển âm thầm, triệu chứng ban đầu không nổi bật nên dễ làm ta chủ quan.

ĐTĐ týp 1 bắt buộc phải tiêm insulin hàng ngày, còn ĐTĐ týp 2 thường phải uống thuốc. Cùng với uống thuốc thì chế độ ăn uống và tập luyện cũng là một biện pháp điều trị. Việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý rất quan trọng, không để tạo ra sự dư thừa năng lượng. Bởi khi dư thừa năng lượng sẽ gây nên béo phì, rối loạn chuyển hóa chất mỡ làm bệnh ĐTĐ tăng lên. Chế độ ăn uống hợp lý sẽ duy trì được lượng đường trong máu phù hợp, không gây thừa đường, tạo tình trạng nhiễm độc đường hoặc không gây tình trạng hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng. Không thể có một chế độ ăn chung cho tất cả mọi người bị mắc ĐTĐ. Một chế độ ăn thích hợp phải đáp ứng được yêu cầu: đủ calo cho hoạt động hàng ngày; tỷ lệ chất đường, thịt, mỡ cân đối; đủ vi chất; chia bữa ăn cho phù hợp, phối hợp thuốc điều trị (nếu có).

Chất bột có trong gạo, khoai, bột... sau khi tiêu hóa sẽ tạo ra chất đường, cùng với đường ăn, đường từ trái cây, bánh kẹo... gộp chung gọi là chất đường. Chất đường phân ra hai loại: Loại hấp thu chậm gồm các thức ăn chứa tinh bột trong cơm, bánh từ bột gạo, bột mì, bún, mì, hủ tiếu, các loại củ như khoai lang, khoai mì, khoai môn...; Loại đường hấp thu nhanh gồm đường mía, mật ong, chè, mứt, bánh ngọt, kem, kẹo, nước ngọt, sữa đặc. Người ĐTĐ nên ăn những thức ăn có đường hấp thu chậm vì cơ thể cần thời gian để phân giải chất này thành đường, mục đích là không để đường trong máu tăng đột biến. Mỗi ngày, con người cần 55% chất đường trong tỷ lệ năng lượng cần cung cấp cho cơ thể. Cần biết 1g chất đường cung cấp 4kcalo (kí-lô calo = 1000calo), 1g chất đạm cung cấp 4kcalo, 1g chất béo cung cấp 9kcalo; nhu cầu năng lượng của nữ là 30calo (calo)/kg/ngày, của nam là 35calo/kg/ngày. Chất đạm hay protein, chất thịt, mỗi ngày cần 15% trong tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Chất đạm có trong thịt nạc, cá, trứng (lòng trắng), tàu hủ. Nếu ăn dư đạm thì phần dư sẽ chuyển thành chất béo. Nếu có suy thận thì phải giảm lượng đạm phân nửa, cụ thể là 0,8g chất thịt/kg trọng lượng cơ thể. Chất béo gồm mỡ, dầu thực vật, bơ. Dầu thực vật (trừ dầu dừa) tốt hơn mỡ. Mỗi ngày cần 30% năng lượng từ chất béo. Trong mỗi bữa ăn cần cân đối đủ thành phần như trên theo tỷ lệ, đồng thời phải thêm chất xơ có trong rau, trái cây, hạt; chất khoáng và vitamin nhất là vitamin nhóm B như thiamin, riboflavin, niacin có nhiều trong vỏ cám của gạo. Vì vậy không nên vo gạo quá kỹ khi nấu cơm. Vitamin nhóm B giúp ngăn ngừa tạo thành thể ceton. Cần chú ý hạn chế cholesterol dưới 300mg/ngày để tránh xơ vữa động mạch; không nên ăn mặn, nhất là ở người bị tăng huyết áp. Bệnh nhân ĐTĐ týp 1 nên chia nhiều bữa ăn trong ngày (3 bữa chính kèm 2 hoặc 3 bữa phụ) để không gây tăng đường trong máu quá nhiều. Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 ăn ngày 3 bữa. Người bệnh nên ăn đều đặn, đúng giờ; không bỏ bữa ngay cả khi không muốn ăn; không ăn bù vào bữa khác. Các bệnh nhân đang dùng insulin nếu phải ăn nhiều hơn bình thường như đi ăn tiệc, hoặc ăn ít hơn bình thường thì phải cân chỉnh lại liều insulin và các bữa ăn nên phù hợp với thời gian tác dụng tối đa của insulin để tránh sự hạ đường máu.

Bữa ăn có nhiều món ít năng lượng, nhiều chất xơ và vitamin như rau, nấm, dưa leo... sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Những thức ăn người mắc bệnh ĐTĐ nên chọn là: bánh mì không, gạo, mì sợi, gạo tấm; sữa không béo, sữa chua (yaourt), lòng trắng trứng, thịt nạc bê, bò, thịt gà (bỏ da), thịt chim, các loại cá (trừ cá béo). Những thức ăn cần hạn chế là: Bánh mì ngọt, gạo lứt, bánh ngọt, thịt dê, thịt cừu, bơ thực vật, rau quả đóng hộp, nước uống có đường đóng lon, chai, dầu thực vật, khoai tây, rau dưa muối, các loại quả nhiều đường, nước khoáng có đường, cà phê, trà (số lượng vừa phải), chất ngọt nhân tạo (đường saccarin dưới 12 viên mỗi ngày; đường sacharose dùng 3 muỗng cà phê mỗi ngày). Những thức ăn người bệnh ĐTĐ cần tránh: Đường, mật, mứt, bánh ngọt, nước ngọt, kẹo..., sữa, thịt nhiều mỡ như thịt heo, cừu, mỡ, gan, thận, phổi; các loại cá béo (cá tra, trê, basa), lòng đỏ trứng, thịt vịt, ngỗng, khoai tây chiên, bơ. Quả ngọt sấy khô, quả ngâm đường, bia, rượu có nồng độ từ 8% trở lên.

Một chế độ ăn cân đối, bình thường đã cung cấp đủ vi chất cho mọi người. Tuy nhiên, cần cân nhắc bổ sung thêm vitamin và muối khoáng cho các trường hợp sau: người ăn ít hơn 1200 calo/ngày, người ăn chay hoàn toàn, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người đang dùng thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thu vi chất, bệnh nhân bị loét bàn chân, bệnh nhân có thành mạch dễ vỡ.

Một số bệnh lý ĐTĐ đặc biệt như ĐTĐ có kèm suy thận, béo phì, tăng huyết áp... thì cần xây dựng kế hoạch quản lý dinh dưỡng (chế độ ăn). Nguyên tắc cơ bản của dinh dưỡng trị liệu là cá nhân hóa (xây dựng thực đơn tùy từng người), đơn giản hóa (thức ăn có sẵn ở địa phương, phù hợp túi tiền) và đa dạng (thay đổi để tránh nhàm chán). Việc kê thực đơn nên kèm theo lời giải thích và động viên, kết hợp thay đổi lối sống thụ động như giảm ngồi lâu xem ti-vi, tránh bia rượu, tránh thuốc lá, nên đi bộ nhanh, tập các môn thể thao nhẹ như bóng bàn, khiêu vũ.

Dinh dưỡng trị liệu thành công đòi hỏi phải có niềm tin để thay đổi hành vi, thói quen ăn uống đã có từ lâu. Bệnh nhân và gia đình cần phải hiểu rõ thức ăn mà họ đang dùng, có thể dùng tháp thực phẩm cho dễ hiểu. Người bệnh và thân nhân người bệnh có thể tham khảo thêm nhiều thực đơn cụ thể tại Phòng Tư vấn ĐTĐ - tăng huyết áp thành phố Cần Thơ vào sáng thứ tư hàng tuần; hoặc tư vấn chuyên viên dinh dưỡng trong bệnh viện hoặc bác sĩ điều trị.

Bs. DƯƠNG PHƯỚC LONG
(Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết