06/12/2019 - 19:22

Châu Âu với bài toán xử lý rác vũ trụ 

Rác vũ trụ ngày càng trở thành vấn đề  nhức nhối, bởi chúng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ va chạm và gây hư hại các vệ tinh đang hoạt động, mà còn đặt ra hiểm họa lớn đối với Trái đất.

Tại cuộc họp hồi tháng rồi, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã nhất trí rót 412 triệu euro vào các chương trình an toàn vũ trụ trong 5 năm tới, bao gồm xử lý rác. Một trong những sứ mệnh của ESA sẽ là sử dụng các cánh tay cơ học giống như xúc tu để tóm các vệ tinh chết và loại chúng khỏi quỹ đạo. Người đứng dầu văn phòng rác vũ trụ thuộc ESA- Holger Krag cho rằng nghiên cứu về sứ mệnh dọn rác sẽ bắt đầu với mục tiêu là thiết kế thiết bị có thể tái sử dụng. Hoạt động dọn rác sẽ diễn ra thường xuyên hơn, vì thế thiết bị phải có chi phí thấp. Do vậy, nhiều khả năng ESA sẽ sử dụng cánh tay “xúc tu” nói trên.

Hình ảnh mô phỏng rác ngoài vũ trụ. Ảnh: E&T

ESA hiện có phi đội 20 tàu vũ trụ và đối với những phi thuyền này, mỗi ngày họ nhận được hàng trăm cảnh báo va chạm. Tuy nhiên, phần lớn những cảnh báo này đều sai do bị hạn chế về mức độ chính xác của dữ liệu. Các chuyên gia hành động dựa trên xác suất. Vì thế, bất kể khi nào xác suất va chạm cao hơn 1/10.000, thì ESA đều phải can thiệp. Thế nhưng thao tác này lại làm hao tốn nhiên liệu và gián đoạn các sứ mệnh. “Nếu bạn đang thực hiện một nhiệm vụ khoa học rất tốn kém và phải ngưng dữ liệu trong một giờ để xử lý, thì có đến 1.000 nhà khoa học ngồi chờ dữ liệu đó. Thiệt hại kinh tế thậm chí không thể tính bằng những con số cụ thể”- ông Krag giải thích.

Ngoài ra, ESA cũng đang xem xét nhiều phương án khác để dọn rác vũ trụ, bao gồm quăng lưới, phóng lao móc và sử dụng vệ tinh gắn thêm cánh tay robot. Các công cụ này cho phép tàu vũ trụ dọn rác tóm lấy vệ tinh chết và kéo trở về bầu khí quyển của Trái đất để nó bốc cháy.

Cũng trong nỗ lực trên, hồi năm ngoái vệ tinh RemoveDebris được phóng ra ngoài vũ trụ để thực hiện một loạt thí nghiệm nhằm chứng minh những công nghệ hiệu quả có thể giúp giám sát và thu gom rác. Trong đó, một chiếc lưới rộng 5m của RemoveDebris đã tóm được những mẫu rác đầu tiên hồi tháng 9 vừa rồi. Sắp tới, vệ tinh này sẽ sử dụng các hệ thống định vị và máy quét đặc biệt để phát hiện rác vũ trụ. Đây là dự án được dẫn đầu bởi Trung tâm Vũ trụ Surrey thuộc Đại học Surrey (Anh).

Những biện pháp dọn rác truyền thống ngoài vũ trụ không hiệu quả, chẳng hạn các giác hút không hoạt động được trong chân không và nhiệt độ quá lạnh để sử dụng những chất như băng dán hoặc keo vào mục đích hốt rác. Các loại kìm sử dụng nam châm cũng vô dụng do phần lớn rác bay quanh Trái đất không có từ tính.

Được biết, trong gần 4.500 vệ tinh trên quỹ đạo hiện nay, chỉ có 1.500 chiếc hoạt động. Ước tính hiện có 170 triệu mẫu rác vũ trụ, vốn bị bỏ lại sau các sứ mệnh phóng rốc-két hoặc là do lớp sơn bong tróc. Nhưng chỉ có 22.000 mẫu rác được theo dõi, trong có những vật thể có thể di chuyển với tốc độ trên 27.000km/h. Do vậy, ngay cả những vật bé xíu cũng có thể phá hủy hoặc gây hư hại nặng các vệ tinh.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra hai sự cố làm trầm trọng vấn đề rác thải vũ trụ. Đầu tiên là “tai nạn” giữa vệ tinh của công ty viễn thông Iridium và vệ tinh quân sự Nga Kosmos-2251 hồi tháng 2-2009. Sự cố thứ hai là khi Trung Quốc thử nghiệm một loại vũ khí chống vệ tinh đối với vệ tinh dự báo thời tiết cũ Phong Vân hồi năm 2007.

Rác vũ trụ dự báo sẽ còn tăng do số lượng vệ tinh được phóng hàng năm ngày càng cao. Giáo sư Hugh Lewis tại Đại học Southampton lo ngại nếu mức độ tắc nghẽn trên quỹ đạo tiếp tục tăng như hiện nay, với khoảng 20 vệ tinh được đưa lên mỗi năm, thì cứ nửa thế kỷ sẽ xảy ra một vụ va đụng vệ tinh.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết