14/03/2020 - 20:53

Dịch COVID-19

Châu Âu là “trung tâm” của đại dịch toàn cầu 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng châu Âu hiện là “trung tâm” của đại dịch COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm 13-3, ông Ghebreyesus cho biết số người nhiễm bệnh và các ca tử vong được báo cáo mỗi ngày ở châu Âu nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, và châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19. Ông nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và “đây là một cột mốc bi thảm”.

Trong bối cảnh các quốc gia ở châu Âu và thế giới đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bao gồm đóng cửa trường học và thắt chặt biên giới, Tổng Giám đốc WHO cho rằng các biện pháp này có thể hữu ích, nhưng các quốc gia cần thực hiện một cách tiếp cận toàn diện. Theo ông, cần thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly, không nên thực hiện từng biện pháp riêng lẻ. 

Theo Tổng giám đốc WHO, bất kỳ quốc gia nào có suy nghĩ “dịch bệnh sẽ không xảy ra với chúng tôi” là đang phạm phải sai lầm “chết người”.

Bảo tàng nghệ thuật vắng bóng khách tạI Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Tây Ban Nha sẽ “nối gót” Ý

Nếu châu Âu (ngoại trừ Trung Quốc) được coi là “trung” của đại dịch toàn cầu thì Ý và mới nhất là Tây Ban Nha đang là “trung tâm” của dịch tại lục địa già. Sau thời gian lưỡng lự, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 15 ngày, bắt đầu từ ngày 14-3, qua đó cho phép chính phủ huy động mọi nguồn lực và quyền hạn để chống dịch, kể cả khả năng “nối gót” Ý phong tỏa toàn bộ đất nước. Chỉ trong ngày 13-3, số ca nhiễm virus Corona chủng mới tại Tây Ban Nha tăng thêm 1.000, lên 4.231 trường hợp. Số ca tử vong tăng từ 71 lên 120 trường hợp. Như vậy, Tây Ban Nha có số lượng nhiễm virus Corona lớn thứ hai châu Âu, sau Ý. Thủ tướng Sánchez cảnh báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 có thể tăng 10.000 trong tuần tới. 

Hiện một số vùng quan trọng của Tây Ban Nha, bao gồm Madrid, đã có những hành động quyết liệt. Madrid, vùng giàu nhất nước, nơi chiếm phân nửa số ca nhiễm SARS-CoV-2 và khoảng 2/3 ca tử vong do dịch COVID-19, đã cho đóng cửa tất cả cơ sở giáo dục, quán bar, nhà hàng, cửa hàng, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm, trạm xăng dầu và các nơi cung cấp hàng thiết yếu khác. Catalonia quyết định phong tỏa 4 thị trấn phía Bắc gần thành phố Barcelona. Các phòng tập gym, hộp đêm, trung tâm mua sắm, ngoại trừ trung tâm bán thực phẩm, đều bị đóng cửa. Đây là hành động chưa từng có đối với vùng giàu thứ hai Tây Ban Nha. 

Trong khi đó tại Ý, Cơ quan Bảo vệ Dân sự thông báo tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này đến hết ngày 13-3 đã lên đến 17.660 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 12-3; số ca tử vong là 1.266, tăng 250 ca. Tại Đức, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong  ngày 12 và 13-3 tăng 50%, nâng số ca dương tính với virus Corona 3.675 trường hợp, trong đó có 8 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo nước này đã ghi nhận thêm 18 ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 13-3, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp lên thành 79 người. Hiện có 154 người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên thành 3.661 người, tăng mạnh từ mức 2.876 vào tối 12-3.

Trước diễn biến phức tạp của dịch CODIV-19 tại nhiều nước lớn châu Âu, chính phủ các nước như Đan Mạch, Ukraine, Ba Lan, CH Cyprus đã thông báo lệnh tạm đóng cửa biên giới và không cho người nước ngoài nhập cảnh. 

Campuchia, Singapore cấm nhập cảnh đối với du khách nhiều nước

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, sáng 14-3, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới gây dịch COVID-19 tại nước này tăng thêm 107 ca ngày 13-3, lên thành 8.086 ca. Hàn Quốc ghi nhận thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại đây lên thành 73 người.  Ngày 14-3, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo nước này ghi nhận thêm 11 ca mới nhiễm SARS-CoV-2 và 13 ca tử vong. Trong số ca nhiễm mới, chỉ có 4 ca được xác nhận ở tâm dịch Hồ Bắc, 7 trường hợp còn lại đều là những người từ nước ngoài vào. Tại Iran, trong ngày 13-3 có tới 85 ca nhiễm COVID-19 tử vong và 1.289 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Tối 13-3, Bộ Y tế Campuchia đã họp báo xác nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên con số 7. Kể từ ngày 17-3, Campuchia cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ trong vòng 30 ngày để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Các du khách mới đến từ Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Đức cũng sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Singapore từ ngày 15-3. Trước đó, lệnh cấm đối với du khách đến từ Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc đã được áp dụng. 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu các nhân viên của tổ chức này làm việc trực tuyến từ ngày 16-3 đến ngày 12-4 để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến cáo các nhân viên tại Washington làm việc tại nhà. Hãng thể thao Nike hay nhà mạng AT&T là những doanh nghiệp mới nhất đưa ra thông báo yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Một số tập đoàn công nghệ của Mỹ như Microsoft, Google, Twitter, Amazon hay Apple cũng đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.

P.V (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết