15/09/2011 - 09:12

Châu Âu hối hả chống vỡ nợ

Chủ tịch EC Rompuy (bìa trái) được lãnh đạo của Pháp và Đức kỳ vọng có thể đứng đầu hội đồng quản trị kinh tế Eurozone.
Ảnh: euronesw.net
 

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu những ngày qua gia tăng đến mức “báo động cấp quốc tế”, buộc giới cầm quyền Mỹ phải lên tiếng hối thúc các nhà lãnh đạo khu vực này nhanh chóng tìm giải pháp ngăn chặn, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Hôm qua 14-9, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã có cuộc trao đổi trực tuyến về các biện pháp cứu trợ cho Athens, giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phá sản. Mặc dù giới lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đồng ý gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp cũng như nâng gói cứu trợ tài chính chung của khu vực lên 440 tỉ euro hồi tháng 7, nhưng đến nay chưa thể triển khai vì còn phải chờ cơ quan lập pháp của tất cả 17 nước thành viên thông qua. Đức, nền kinh tế lớn nhất và cam kết đóng góp nhiều nhất cho Eurozone, cũng chưa phê chuẩn. Tại cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Phần Lan Kyrki Katainen ngày 13-9, bà Merkel cho biết Quốc hội Đức có thể phê chuẩn gói cứu trợ đó trong tháng này và mong các nước khác sẽ hành động tương tự.

Trước đó tại Pháp tối 13-9, Tổng thống Sarkozy cũng đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy, để thảo luận vấn đề khủng hoảng tài chính của Eurozone. Mục đích của Pháp và cả Đức là thuyết phục ông Rompuy kiêm nhiệm ghế chủ tịch hội đồng quản trị kinh tế của Eurozone do Pháp và Đức đề xuất, nhằm giúp các nước thành viên khu vực này có tiếng nói chung trên những vấn đề cấp bách cần giải quyết, dù đề xuất này vẫn còn nhiều tranh cãi trong nội bộ khối.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama ngày 13-9 cũng đã tổ chức một cuộc họp báo để công khai quan điểm của Washington về vấn đề tài chính của châu Âu. Ông chủ Nhà Trắng giục các nhà lãnh đạo Eurozone thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng nợ công, cần sớm đưa ra những quyết sách nhằm phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài chính hiệu quả hơn nhằm tránh để châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Báo chí Mỹ cho hay Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã được lệnh sang châu Âu tham dự Hội nghị bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 16 và 17-9 tại thành phố Wroclaw của Ba Lan, nước đang giữ chế chủ tịch luân phiên EU. Đây là lần đầu tiên Mỹ nhận lời tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính riêng của EU, điều này chứng tỏ Washington rất quan ngại tình hình hiện nay của EU.

Hồi tuần trước, ông Geithner cũng đã sang Pháp dự cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7), mà tại đó ông tuyên bố tin vào khả năng kiểm soát cuộc khủng hoảng tài chính của các nhà lãnh đạo châu Âu. Khi ấy, ông chỉ gợi ý EU cần có thời gian để tiến hành cải cách chính sách tiền tệ và sử dụng sức mạnh tài chính một cách dứt khoát. Lần này, theo giới quan sát, ông Geithner có lẽ cũng sẽ đưa ra thông điệp tương tự nhưng với khuyến nghị khẩn cấp hơn. Bởi vì không chỉ có Hy Lạp, các nền kinh tế lớn trong EU như Ý và Tây Ban Nha cũng đang bên bờ vực sụp đổ, tiềm ẩn những tác động khôn lường trên quy mô toàn cầu.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Chủ tịch EC Rompuy (bìa trái) được lãnh đạo của Pháp và Đức kỳ vọng có thể đứng đầu hội đN

Chia sẻ bài viết