29/07/2020 - 07:28

Chẩn đoán và điều trị tác động thần kinh do COVID-19 

Khi số bệnh nhân COVID-19 ngày một gia tăng, các nhà nghiên cứu đang phân tích kỹ lưỡng các nguồn dữ liệu nhằm hiểu rõ hơn về chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) và dự báo nguy cơ của chúng trong tương lai. Các chuyên gia sức khỏe nhận định virus này không chỉ khó diệt mà còn có thể để lại nhiều di chứng lâu dài.

Bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng rối loạn thần kinh

Đo điện não đồ có thể giúp đánh giá chức năng thần kinh nhận thức của bệnh nhân COVID-19. Ảnh: The Conversation

Ngoài hậu quả gây ra với hệ hô hấp và cơ xương, gần đây, tác động của SARS-CoV-2 lên hệ thần kinh và thần kinh nhận thức đã trở thành mối quan tâm chính. Các triệu chứng thần kinh liên quan đến virus bao gồm mê sảng, giảm trí nhớ do tổn thương vùng đồi thị và vỏ não, giảm khả năng tập trung và học hỏi, ở cả người lớn và trẻ em.

Những triệu chứng trên xuất hiện với tỷ lệ đáng kể ở bệnh nhân COVID-19. Cụ thể, một nghiên cứu hồi tháng 3 cho thấy 36,4% bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng thần kinh, bao gồm đau đầu, rối loạn ý thức và có cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở các bộ phận cơ thể như tay, chân và bàn chân. Những bệnh nhân nặng phát triển các triệu chứng thần kinh nhiều hơn bệnh nhân mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tương tự, Tạp chí Y học New England số tháng 6 công bố một báo cáo cho biết 84% bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng thần kinh. Ngoài ra, Tạp chí y khoa uy tín The Lancet gần đây công bố kết quả khám nghiệm tử thi những bệnh nhân nặng cũng ghi nhận chứng phù não (tình trạng đe dọa đến tính mạng khi chất lỏng gia tăng trong não, gây áp lực trong hộp sọ) và thoái hóa tế bào thần kinh (tế bào thần kinh bị hỏng, mất kết nối và ảnh hưởng đến chức năng não).

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng thần kinh khác nhau rất nhiều giữa các nghiên cứu, do các phương pháp đánh giá không nhất quán. Ví dụ, phương pháp đánh giá hành vi - dựa trên phản ứng thị giác, chức năng vận động và giao tiếp của bệnh nhân - thường không chính xác. Do đó, các chuyên gia cần một quy trình đánh giá thần kinh nhận thức đáng tin cậy để biết chính xác khả năng nhận thức của bệnh nhân lúc đang bệnh và sau khi hết bệnh.

Đánh giá khách quan về chức năng não cũng có thể giúp xác định khi nào các triệu chứng rối loạn thần kinh nhận thức bắt đầu xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19, nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ cao hơn, tác động thần kinh kéo dài bao lâu và phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất.

Đánh giá chức năng thần kinh nhận thức dựa vào EEG

Hiện tại, Phòng thí nghiệm của Đại học McMaster tại Canada tiên phong trong việc đo trực tiếp chức năng não theo thời gian thực dựa vào điện não đồ (EEG) để đánh giá chức năng thần kinh nhận thức.

Nhờ dữ liệu sẵn có và thuật toán học máy, họ có thể quan sát hoạt động của não với độ phân giải cao hơn bằng cách phân tích kết quả EEG dựa trên dữ liệu thu được từ 2 đến 3 phút thay vì 20 đến 30 phút. Điều đó có nghĩa các chuyên gia có thể thấy rõ những thay đổi nhanh chóng xảy ra đối với chức năng não của bệnh nhân, giúp tránh trường hợp chẩn đoán sai đồng thời đưa ra phương pháp điều trị thích hợp – hai yếu tố rất quan trọng tác động đến kết quả điều trị. Nói cách khác, đo lường một cách khách quan mức độ các phản ứng của não và thời điểm xảy ra các phản ứng bất lợi với độ chính xác cao sẽ giúp các bác sĩ có thể điều chỉnh và phục hồi chức năng theo nhu cầu từng bệnh nhân.

Phương pháp đánh giá chức năng thần kinh mới đặc biệt thích hợp dùng cho các bệnh nhân dễ bị tổn thương. Lý do, nó ghi nhận phản ứng điện sinh lý của bệnh nhân mà không xâm lấn (không cần tiêm hoặc hít bất kỳ chất nào), cho phép kiểm tra tình trạng bệnh nhân ngay tại giường, trong phòng chăm sóc đặc biệt hoặc thậm chí ở nhà của họ và công nghệ này tương thích với các thiết bị y tế khác như máy tạo nhịp tim. Hiện phòng thí nghiệm McMaster đang hợp tác với Công ty công nghệ thần kinh VoxNeuro, cũng thuộc Đại học McMaster, cung cấp phương pháp mới cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đánh giá sức khỏe bệnh nhân COVID-19 hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng khi có nhiều bệnh nhân hồi phục hơn, chúng ta cần tiếp tục theo dõi họ trong cuộc sống hàng ngày để biết họ có sinh hoạt bình thường như trước khi nhiễm virus, có gặp khó khăn khi trở lại làm việc, nhất là khả năng duy trì sự tập trung… từ đó phát hiện các di chứng tiềm ẩn và chủ động điều trị. Nếu các di chứng thần kinh nhận thức không được điều trị kịp thời, chúng có thể tiến triển thành các biến chứng tồi tệ và khó chữa hơn.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Inverse, The Conversation) 

Chia sẻ bài viết