17/12/2019 - 14:09

Cáp ngầm Internet- “mặt trận mới” của Mỹ-Trung 

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tranh giành sự thống trị về cơ sở hạ tầng công nghệ của thế giới, một trận chiến mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh cũng đang diễn ra dưới đáy Thái Bình Dương.

 

Ảnh: Washington Post

Giữa lúc Mỹ đang gây sức ép lên các đồng minh, yêu cầu không sử dụng thiết bị của các hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE trong mạng 5G vì những lo ngại về an ninh, giới chuyên gia cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể thách thức sự thống trị lâu nay của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đối với lưu lượng dữ liệu toàn cầu thông qua đầu tư vào cáp Internet dưới đáy biển. Hiện gần như mọi sự truyền dẫn dữ liệu trên toàn cầu đều phụ thuộc vào các tuyến cáp dưới đại dương, chỉ 1% truyền bằng vệ tinh. Điều này cho thấy cáp ngầm là một trong những cơ sở hạ tầng liên lạc cần thiết nhất của thế giới.

Trong số 378 tuyến cáp viễn thông đang hoạt động trên toàn cầu, có 23 cáp nằm phía dưới Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bất chấp lượng dữ liệu chảy dưới đáy Thái Bình Dương, chỉ có 500.000 trong 11 triệu người dân sống trên các đảo quốc tại đây và Papua New Guinea tiếp cận với kết nối Internet có dây và chỉ 1,5 triệu người kết nối di động (so với 53% người dân ở Thái Lan và 60% ở Philippines), theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh trên, các công ty công nghệ Trung Quốc đang chú trọng vào việc kết nối các đảo quốc tại Thái Bình Dương-một trong những khu vực gần như hẻo lánh nhất trên thế giới. Những “gã công nghệ khổng lồ” của Trung Quốc như Huawei thậm chí thành lập cả bộ phận chuyên trách về kết nối dưới đáy biển và đã triển khai hàng ngàn km dây cáp viễn thông.

Tại Papua New Guinea, nơi mạng di động hiện phủ sóng chưa đến 1/3 dân số, sự hợp tác giữa công ty viễn thông địa phương GoPNG và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ 200 triệu USD cho hệ thống cáp Kumul nội địa mới do Huawei xây dựng và đi vào hoạt động trong năm nay. Trong khi đó, Hệ thống Southern Cross Next, thuộc sở hữu của nhóm cổ đông Spark, Verizon, Singtel Optus và Telstra, dự kiến vận hành trong năm 2022 và sẽ kết nối trực tiếp với các nước Fiji, Samoa, Kiribati và Tokelau. Đây cũng là nhóm cổ đông vận hành bộ đôi cáp dài 30.500km, kết nối Mỹ với Úc và New Zealand (được gọi là Southern Cross).

Được biết, các công ty viễn thông quốc doanh Trung Quốc như China Unicom có quyền tiếp cận nhiều tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương hiện hành. Chẳng hạn, China Unicom tính các cáp Southern Cross hiện nay nằm trong hạ tầng mạng của mình, tức họ có khả năng truy cập vào cáp này thông qua hợp đồng cho thuê với một trong những công ty viễn thông khác sử dụng cáp, theo Viện nghiên cứu chính sách chiến lược của Úc. Ngoài ra, China Unicom và China Telecom cũng liệt Hệ thống Cổng cáp Á Mỹ vào hạ tầng mạng của họ. Cáp dài 20.000km này hòa mạng hồi năm 2009, kết nối Mỹ, đảo Guam, Hong Kong, Brunei, Philippines, Singapore, Malaysia…Các tuyến cáp trị giá hơn 4 tỉ USD sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2021, tiếp tục xu hướng mỗi năm có 2 tỉ USD cáp hòa mạng kể từ năm 2016. 6 trong số chúng sẽ kết nối với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc kết nối các đảo quốc Thái Bình Dương với thế hệ cơ sở hạ tầng Internet mới nhất đang bị “soi kỹ” bởi Mỹ và các nước đồng minh như Úc. Một ủy ban do Bộ Tư pháp Mỹ dẫn đầu thậm chí đã hoãn một dự án cáp xuyên Thái Bình Dương (gần như đã hoàn chỉnh) do lo ngại về nhà đầu tư Trung Quốc-Tập đoàn Truyền thông & Viễn thông Dr Peng có trụ sở tại Bắc Kinh.

Dự án Mạng cáp quang Thái Bình Dương có thể là hệ thống cáp đầu tiên bị ủy ban này từ chối vì lý do an ninh quốc gia dù được hỗ trợ bởi “những ông lớn công nghệ” Mỹ là Google và Facebook. Bước đi này tạo tiền lệ cho quan điểm cứng rắn hơn của Washington về sự dính dáng của Bắc Kinh vào cáp ngầm. Trước đó, những lo ngại tương tự đã khiến một tuyến cáp được Huawei hỗ trợ nối Vanuatu với Papua New Guinea phải ngừng hoạt động hồi năm ngoái sau khi Úc nhảy vào tài trợ tuyến cáp riêng của mình. 

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết