04/05/2010 - 09:03

Cảnh giác với thực phẩm nhiễm virus

Nhiều người biết ngộ độc thực phẩm do thực phẩm nhiễm hóa chất hoặc vi khuẩn, nhưng cũng có ít người biết virus là tác nhân nguy hiểm hay nhiễm vào thực phẩm gây hội chứng ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, việc xét nghiệm, phát hiện virus ở nước ta còn hạn chế nên việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

Người ăn phải thực phẩm bị nhiễm virus có thể mắc bệnh đường ruột hoặc xuất hiện hội chứng ngộ độc thực phẩm. Biểu hiện của hội chứng ngộ độc thực phẩm do virus tương tự với ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn hay hóa chất như: nôn mửa, tiêu chảy ào ạt, đau quặn bụng, mất nước và điện giải, suy nhược toàn thân... Trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Sau đây là một số loại virus thường gây hội chứng ngộ độc thực phẩm:Norovirus (Norwalk virus): Thuộc họ Caliciviridae, thường gây ngộ độc thực phẩm, nhưng ít khi được định bệnh một cách chính xác. Virus này có thể sống rất lâu trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Norovirus có thể sống nhiều tháng trong môi trường đông lạnh. Ở nhiệt độ nóng 600C, chúng có thể sống trong vài giờ. Khi ăn uống hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm virus, khoảng 1 - 2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc: ói mửa, đau bụng, sốt nhẹ, nhức đầu, đau cơ... Bệnh thường khởi phát thình lình và chấm dứt sau 2-3 ngày. Virus được tìm thấy trong chất nôn và phân người bệnh. Norovirus thường lây truyền từ người này sang người khác qua việc sờ mó vào đồ vật bị nhiễm virus. Điều kiện vệ sinh nơi chế biến kém cũng là yếu tố nguy cơ để virus nhiễm vào thực phẩm.Rotavirus: Thuộc họ Reoviridae, lây lan theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Chúng có thể tồn tại hằng tháng ở nhiệt độ 40C hay ở điều kiện pH: 3 - 3,5. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ước lượng hằng năm toàn thế giới có khoảng 600.000 trẻ em chết vì Rotavirus. Sau khi nhiễm virus từ 24 giờ - 48 giờ, bệnh sẽ khởi phát với các triệu chứng sốt cao (1 số ít trường hợp không sốt), nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước. Bệnh nhân có thể bị rối loạn nước và điện giải rất nhanh, triệu chứng kéo dài từ 3 đến 8 ngày. Virus hepatite A (VHA): Xâm nhập vào cơ thể, qua đường phân - miệng. Người sử dụng thực phẩm, nước uống không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ bị virus xâm nhập qua đường ruột và phát triển ở tế bào biểu mô rồi đi vào máu. Triệu chứng thường thấy là sốt, nôn mửa, mất cảm giác đói bụng, mệt mỏi, nước tiểu vàng, vàng da... Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, dẫn đến viêm gan. Virus VHA có thể tồn tại trong nguồn nước (ở nhiệt độ bình thường) từ 3 đến 6 tháng. Virus bị hủy diệt bằng chiếu xạ, trong điều kiện nhiệt độ 560C với khoảng thời gian 30 phút hoặc 850C trong 1 phút.

Hiện nay, phần lớn các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, điều kiện xét nghiệm, phát hiện các loại virus này, đặc biệt là Norovirus còn rất hạn chế. Vì vậy, phòng ngừa là biện pháp chủ động tốt nhất để tránh nhiễm phải loại virus nguy hiểm này. Để phòng nhiễm virus cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:

- Giữ vệ sinh cá nhân thật tốt.
- Rửa tay kỹ trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách: sắp đặt thực phẩm riêng biệt, điều chỉnh độ lạnh phù hợp, vệ sinh thường xuyên ngăn chứa thực phẩm, thịt, cá rã đông không dự trữ trở lại.
- Nên ăn thực phẩm được nấu chín kỹ, che đậy cẩn thận.
- Sử dụng nguồn nước uống, nước đá hợp vệ sinh.
- Không nên ăn hải sản chưa nấu kỹ.
- Không nên ăn thực phẩm ở các hàng quán không được che đậy, bảo quản tốt.

CN ĐÀM HỒNG HẢI

(Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết