01/04/2019 - 11:16

Sản xuất lúa hè thu 2019

Cảnh giác nắng hạn, sâu bệnh 

Nông dân TP Cần Thơ, các tỉnh ÐBSCL đã và đang bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2019. Vụ lúa này, toàn vùng ÐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,603 triệu ha lúa. Ðể đảm bảo thắng lợi vụ lúa, nông dân cần chủ động ứng phó với thời tiết nắng nóng gay gắt và sâu bệnh…

Nông dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chăm sóc lúa hè thu 2019.

Nhiều yếu tố bất lợi 

 Đầu năm 2019 đến nay, nền nhiệt trên toàn khu vực Nam bộ duy trì ở mức khá cao và mưa ít. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, lượng mưa trong 3 tháng (2- 3- 4) sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, với xác suất dự báo 40-50%. Nền nhiệt trung bình trên toàn khu vực Nam bộ ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,5-10C. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ dự báo ở mức tương đương TBNN và cao hơn năm 2017-2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam bộ phổ biến xuất hiện trong tháng 3-2019, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau- Kiên Giang, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5-2019. Các địa phương cần chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, dù trong mùa khô nhưng vẫn cần đề phòng những cơn mưa trái mùa, có thể xuất hiện những trận mưa to đến rất to kèm giông, sét, gió giật; tháng 3, tháng 4 xuất hiện những trận mưa trái mùa nhiều hơn. 

Theo dự báo gần đây của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa thời kỳ tháng 3 đến tháng 5-2019 tại ĐBSCL phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 5 đến tháng 8-2019, tổng lượng mưa ở mức tương đương TBNN. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể xuất hiện giữa tháng 5-2019. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL có khả năng cao hơn TBNN từ 20-30% và tương đương năm 2017. Từ tháng 6 đến tháng 8-2019, tổng lượng dòng chảy so với TBNN cao hơn từ 10-20%, mực nước sông Cửu Long cao hơn TBNN từ 0,1-0,2m.

Sản xuất lúa vụ hè thu 2019 cũng được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn do nhiều đối tượng dịch hại và sâu bệnh. Đáng chú ý là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, chuột, bọ trĩ… Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục  Bảo vệ thực vật, từ tháng 3 đến tháng 4-2019, khả năng bọ trĩ phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, nhất là những vùng thiếu nước tưới thường bị nặng và rầy phấn trắng ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trổ. Tháng 4 đến tháng 5-2019, lúa tập trung giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, cần lưu ý bệnh đạo ôn hại lá và bệnh đạo ôn cổ bông trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm. Chuột cũng là đối tượng nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của lúa. Ngoài ra, cần lưu ý sự xuất hiện của ốc bươu vàng, bệnh cháy bìa lá…

Chủ động bảo vệ mùa màng

Để đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất hè thu 2019, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thực hiện tốt các khâu làm đất, chuẩn bị giống, chủ động nguồn nước và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng tránh các rủi ro do thiên tai, dịch hại và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, các địa phương phải hết sức cảnh giác với tình hình khô hạn, khả năng lũ về sớm và cần bố trí lịch thời vụ hợp lý để chủ động phòng tránh thiên tai và các loại dịch hại. Đồng thời, cần tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vụ hè thu 2019, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo trồng hơn 1,603 triệu ha lúa, giảm 1.575ha so với cùng kỳ. Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa vụ hè thu 2019 ước đạt 56,46 tạ/ha, sản lượng 9,051 triệu tấn, tăng 258.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ hè thu có tính toán đến sản xuất vụ thu đông và vụ mùa 2019, né tránh hạn, mặn và lũ, cũng như tiếp tục tuân thủ nguyên tắc xuống giống tập trung trong từng vùng, từng cánh đồng theo dự báo nguồn nước và dự báo rầy nâu di trú, rầy nâu tại chỗ của cơ quan bảo vệ thực vật. Xây dựng kế hoạch sản xuất và các giải pháp chỉ đạo cụ thể để chủ động phòng tránh và hạn chế sự bùng phát, lây lan của dịch hại lúa. Khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ bị hạn mặn. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cơ giới hóa trong thu hoạch, thu hồi rơm rạ tái sử dụng…

Trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ lúa gạo, tình hình xuất khẩu và khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống lúa vụ hè thu 2019, Cục Trồng trọt đề xuất cơ cấu giống lúa chính vụ hè thu 2019 gồm: nhóm lúa chất lượng cao OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM 4218 chiếm tỷ lệ 50-60%; nhóm giống thơm Jasmine 85, VD 20, ST 21, ST 24, RVT, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8… chiếm 20-25%; nhóm giống chất lượng trung bình IR50404, OM 576… có thể duy trì tỷ lệ 15% trong cơ cấu giống; nhóm nếp IR 4625, nếp bè… chiếm 5-7%; các giống lúa Japonica chiếm 5-7%.  Ngoài ra, còn có các giống lúa chịu phèn mặn, gồm các giống chịu mặn trung bình (khoảng 2%o): OM 6976, OM 5451, OM 9921, OM 6677 và  giống chịu mặn khá (3-4%o) là Một Bụi Đỏ, OM 2517, OM 9577, OM 9955, OM 5464, GKG1…

Cục Trồng trọt cũng đề xuất thời vụ sản xuất khá cụ thể cho các tiểu vùng sản xuất lúa. Theo đó, thời vụ xuống giống trong tháng 4 được  tập trung cho vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc quốc lộ 1 Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang… Xuống giống tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ 1 thuộc Vĩnh Long và các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Xuống giống khoảng giữa tháng 6 (khi có mưa) tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 70km thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2018-2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2019 tại Nam bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, vụ sản xuất lúa hè thu rất quan trọng, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo và tổ chức sản xuất để đảm bảo thắng lợi vụ lúa này. Với các dự báo về tình hình sản xuất có nhiều khó khăn, các địa phương không được chủ quan mà phải linh động tìm giải pháp chủ động ứng phó. Đặc biệt,  hết sức lưu ý tình hình sâu bệnh, rầy nâu. Tích cực hỗ trợ nông dân áp dụng mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết