19/02/2022 - 10:31

Cánh cửa hôn nhân 

ÐỒNG TÂM

Trong giai đoạn yêu đương, các cặp đôi thường đắm chìm trong cảm xúc tình yêu nồng nàn và ước mơ về hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, khi về chung một nhà, nhiều người nhận ra có quá nhiều gian nan trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Với nhiều người, thử thách càng thêm khẳng định tình yêu; ngược lại, một số người chọn “buông tay” vì không chịu nổi áp lực...

Nhiều gian nan, thử thách

Anh Ð và vợ đều ở tỉnh đến TP Cần Thơ lập nghiệp. Cả hai yêu nhau hơn 2 năm thì tiến tới hôn nhân. Ban đầu, gia đình chị D không hài lòng với cuộc hôn nhân này vì gia cảnh anh Ð so với vợ có phần thua sút. Ðến khi bàn bạc chuyện cưới xin, hai bên lại không thống nhất được việc vợ chồng anh Ð sẽ "định cư" ở đâu. Nhà chị D muốn anh Ð về sống bên vợ ở Vĩnh Long, gia đình sẽ hỗ trợ vốn làm ăn. Trong khi đó, gia đình anh Ð khăng khăng quan điểm, anh phải sống gần nhà vì là con trai út. Anh Ð bày tỏ: “Thời điểm đó, vợ chồng tôi tuy có công việc ổn định ở Cần Thơ nhưng tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt cũng tiêu tốn hết, hầu như không có dư. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định "trụ" lại Cần Thơ mà không về quê vợ hay chồng để hai bên gia đình không mất lòng nhau”.

Cưới nhau hơn 1 năm thì chị D cấn thai. Do sức khỏe yếu, chị phải nghỉ làm, ở nhà dưỡng sức. Sau mọi nỗ lực, cuối cùng chị D vẫn không giữ được đứa bé trong bụng. Chị D chia sẻ: “Việc này là ngoài ý muốn, tuy vậy, mẹ tôi không vui, có ý trách móc chồng tôi không chăm sóc vợ chu đáo. Nghe mẹ trách móc chồng, tôi càng thêm áp lực, buồn tủi”. Sau khi chị D xuất viện, mẹ chị dứt khoát rước con gái về quê tịnh dưỡng. Theo chị D, đây là giai đoạn thật sự khó khăn của gia đình. Thậm chí, đã có lúc "người thứ ba" xuất hiện trong cuộc sống của họ, suýt nữa khiến anh chị “đường ai nấy đi”.

Chị C và anh M ở quận Cái Răng, cũng trải qua nhiều vất vả, khó khăn khi đến với nhau bởi anh chị thuộc tuýp “chồng thấp, vợ cao”. Chị C hơn chồng về ngoại hình, học vấn và cả điều kiện kinh tế. Chị C kể: “Ban đầu, gia đình tôi cật lực phản đối vì sợ tôi lấy chồng thua kém nhiều mặt sẽ khổ. Thêm nữa, cha mẹ lo con mình phải vất vả kiếm tiền, gánh vác gia đình vì chồng tôi đông anh em, trong khi đó ảnh là con trai lớn, cha mẹ đã có tuổi... Phải qua thời gian dài, cha mẹ tôi thấy anh M hiền lành, sống tình cảm nên dần chấp nhận”.

Chị Ng và anh N ở Tiền Giang, yêu nhau hơn 4 năm và trải qua nhiều thử thách mới tiến tới hôn nhân. Chị Ng có nhan sắc nổi bật, nhiều “mối” lân la xin cưới. Qua mai mối, mẹ chị nhận “sính lễ” của một Việt Kiều hơn chị Ng gần 20 tuổi. Chị Ng cương quyết từ chối, làm áp lực với gia đình. Ðến nước này, mẹ chị Ng phải nhường bước để chị và anh N cưới nhau. Những tưởng cả hai sẽ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, nhưng khi chung sống lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Chị Ng quen tính tiểu thư, về chung sống với nhà chồng nhưng không làm đụng móng tay. Gia đình ở chợ mua bán nhưng chị vẫn ngủ đến trưa, mọi việc phó thác cho chồng. Khi việc làm ăn của anh N thất bại, lâm cảnh nợ nần, lại có quan hệ “ngoài luồng”, chị Ng giận dữ lên mạng xã hội "đấu tố" nhà chồng. Họ hàng đều bị kéo vào “cuộc chiến” của vợ chồng chị. Mới đây, cả hai chính thức ly hôn sau 5 năm chung sống. 

Ðể hôn nhân vững bền

Anh Ð chia sẻ, mất con, anh cũng buồn nhưng mọi người chỉ biết chỉ trích anh thiếu trách nhiệm. Mặt khác, anh không vui vì mẹ vợ tác động, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của hai vợ chồng anh. “Rất may những suy nghĩ này, anh Ð biết cách lựa thời điểm thích hợp nhỏ nhẹ tâm sự để tôi hiểu nỗi lòng của chồng. Kể cả việc có người bạn học cũ thầm mến anh ngày trước, lúc anh buồn chuyện gia đình hay mời anh đi cà phê. Nhờ vậy, mà tôi nhận ra hôn nhân của mình đang có vấn đề, bản thân có nhiều thiếu sót, vẫn còn tính ỷ lại vào mẹ. Vợ chồng tôi quyết định về quê chồng lập nghiệp để hàn gắn tình cảm” - chị D kể. Hiện tại, sau 4 năm mở cơ sở mua bán, anh chị đã có cơ ngơi khang trang, cất được nhà tường kiên cố, đồng thời đón thêm thành viên nhí kháu khỉnh. 

Cuộc sống vợ chồng chị C những ngày sau hôn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong gia đình, chị là trụ cột kinh tế, còn anh M, trải qua năm bảy công việc nhưng không nghề nào anh gắn bó dài lâu. Anh lại cả tin, hay nhiệt tình giúp đỡ mọi người, nên trở thành nạn nhân trong một số vụ việc. Ðỉnh điểm, anh M bị người quen lừa đứng ra mượn tiền làm ăn, để rồi gánh số nợ cả trăm triệu đồng. Thời điểm đó, chị C vừa sinh con mà phải ôm thêm số nợ “khủng” khiến chị trầm cảm, nhiều lúc đã muốn “buông tay”… Tuy nhiên, qua khuyên giải của cha mẹ ruột, sự nhận lỗi của chồng, chị dần nguôi ngoai. Ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, chị C và chồng làm thêm rất nhiều công việc để trả nợ. Hai năm gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh chị đã kịp chuyển hướng mở cơ sở mua bán online và có nguồn thu nhập khá, nợ cũ cũng đã giải quyết xong. Bước vào năm mới, chị C cùng chồng lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Theo chia sẻ của các cặp đôi hạnh phúc, để duy trì hôn nhân bền vững, khi phát sinh mâu thuẫn, gút mắc, vợ chồng cần phải bình tâm, thẳng thắn trao đổi để điều chỉnh, giải quyết vấn đề. Tình yêu thương, sự tôn trọng, sẻ chia và đồng lòng của vợ chồng sẽ là chìa khóa để các cặp đôi mở cánh cửa hôn nhân hạnh phúc.

Chia sẻ bài viết