05/10/2015 - 19:53

Cảnh báo bệnh tay chân miệng “vào mùa”

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, đến ngày 29-9-2015, toàn thành phố có 572 ca tay chân miệng (TCM), giảm 230 ca so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, mùa tựu trường, bệnh TCM có nguy cơ lây lan và bùng phát...

* Bệnh dễ lây trong trường học

Bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở nhiều địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm: Từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khoa dành riêng tầng 2 cho bệnh nhi bị TCM để tránh nhiễm chéo với những bệnh khác. Bà của Nhựt Khang, 8,5 tháng tuổi, đang điều trị ở đây, cho biết: "Ban đầu cháu có vẻ khó chịu, quấy khóc, bú và ngủ ít. Qua ngày hôm sau thì nổi mụn (bóng nước - NV), tôi tưởng cháu nóng trong người nên nổi mụn, đưa ra trạm y tế cho thuốc hạ sốt và nói đưa đi bệnh viện. Ngày thứ ba, bóng nước lan ra toàn thân, cháu sốt, ói nhiều, bứt rứt không ngủ được, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám rồi nhập viện luôn". Nằm cùng phòng với Khang là bé Lê Ngọc Trâm Anh, 25 tháng tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long. Mẹ Trâm Anh kể: "Ban đầu bé bị sốt, họng nổi mụn. Gia đình không tự ý mua thuốc uống mà đưa bé đến phòng khám thì bác sĩ nói bé bị nổi mụn trong họng, nghi ngờ bị TCM. Gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương, bác sĩ chỉ cho thuốc hạ sốt. Bệnh bé ngày càng nhiều, sốt cao, gia đình sốt ruột đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bé đã bớt sốt. Lúc nhập viện, tôi tình cờ gặp một bé học cùng lớp con tôi cũng bị TCM, có lẽ con tôi lây bệnh từ bé này. Trước đây, con trai tôi học mẫu giáo cũng bị lây TCM từ bạn khác trong lớp". Một số trường hợp, 2-3 bé học chung lớp cùng nhập viện, có trường hợp 2 anh em nhập viện vì TCM. Theo thân nhân nuôi bệnh, do bệnh đông nên có tình trạng 2 bé bị TCM nằm chung một giường.

Điều dưỡng khoa Truyền nhiễm tư vấn cho phụ huynh chăm sóc trẻ bị bệnh TCM.

Theo Ths.Bác sĩ Thái Thanh Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm: "Bệnh TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt và phân của trẻ nhiễm bệnh. Trong thời gian ủ bệnh, chưa nổi bóng nước, trẻ mang mầm bệnh đã có thể lây cho trẻ khác. Vì thế, bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt ở các trường mầm non, mẫu giáo do trẻ sinh hoạt chung, chưa biết tự giữ gìn vệ sinh. Để tránh lây lan trong trường học, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 7 ngày (tính từ khi trẻ khởi phát bệnh); thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà (lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn). Gia đình tránh cho trẻ đến nơi tập trung đông trẻ, điều kiện vệ sinh không tốt để chơi vì rất dễ lây bệnh".

* Không kiêng cử

Theo thông tin từ Khoa Truyền nhiễm, 8 tháng đầu năm 2015, bệnh nhi bị TCM nhập viện tương đối ít nhưng bắt đầu tăng dần từ tháng 9. Đặc biệt 2 tuần nay, bệnh có dấu hiệu tăng khá nhanh. Trước đây chỉ khoảng 20 - 30 ca TCM/ngày, hiện nay, mỗi ngày khoa điều trị cho 40 - 50 trẻ. Lượng bệnh tăng, khoa chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực. Tuy nhiên, do khoa chật hẹp, chỉ kê được 70 giường, bệnh lại tăng nên một số bé phải nằm đôi. Hàng ngày, các trường hợp bệnh ổn định, đều cho xuất viện để giảm tải.

Bệnh TCM có thể gây ra các biến chứng. Nhưng phụ huynh không nên hốt hoảng khi phát hiện trẻ mắc bệnh. Nhiều người khi phát hiện trẻ bệnh thường bọc bé trong chăn kín, bắt ở nhà, không cho tiếp xúc với gió, ánh nắng mặt trời, vô tình làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Theo Ths.BS Thái Thanh Lâm: Tỷ lệ trẻ bị TCM gặp biến chứng suy hô hấp, tim mạch và thần kinh cũng tương đối nhiều do trẻ nhiễm phải chủng vi rút có độc lực mạnh, cơ địa, sức đề kháng của trẻ làm cho bệnh diễn tiến nặng. Có trường hợp trẻ bị nặng do gia đình nhẫm lẫn tưởng trẻ bị phát ban, viêm họng thông thường nên đưa đến bệnh viện trễ hoặc có trường hợp, trẻ chỉ nổi ít bóng nước trong miệng, gia đình không phát hiện. Khi trẻ có các biểu hiện: sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, bứt rứt, ói nhiều, run tay, chân, vã mồ hôi, giật mình, đi loạng choạng… có thể trẻ bị nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời. Trong trường hợp trẻ bị bệnh độ I (độ nhẹ) như loét miệng, sốt nhẹ… thì có thể khám, nhận thuốc uống và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người nhà cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu thực hiện vệ sinh tốt, khi bóng nước khô, bong ra, không để lại sẹo. Khi trẻ bị bệnh TCM, trẻ vẫn có thể bị lại.

Trẻ nhỏ tuổi, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng còn yếu, vì thế, theo các bác sĩ, gia đình cần theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bị nổi bóng nước ở miệng, tay, chân, mông, gối kèm theo sốt nhẹ, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám, điều trị kịp thời; tránh tình trạng tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết