13/10/2018 - 17:24

Bộ trưởng Tài chính Mỹ:

Căng thẳng thương mại với Trung Quốc không đe dọa kinh tế toàn cầu 

Ngày 13-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng những biện pháp thuế quan gây sức ép để Trung Quốc mở cửa hơn sẽ có lợi cho thế giới.

Ông Mnuchin đưa ra phát biểu trên với báo giới tại Indonesia, trong bối cảnh nhiều ý kiến cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa kinh tế thế giới. Theo ông, Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc để khuyến khích nước này thực hiện những qui tắc thương mại công bằng hơn. Ông Mnuchin cho rằng nếu nỗ lực này của Washington thành công thì đó sẽ là điều tốt cho các công ty Mỹ, người lao động Mỹ, người dân châu Âu, Nhật Bản cũng như tất cả các đồng minh khác của Mỹ và cũng tốt cả cho Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên IMF và WB (Ngân hàng Thế giới) chụp hình lưu niệm ngày 13-10. Ảnh: AP

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần qua đã cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo IMF hạ mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2018 và 2019 xuống 3,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Ông Mnuchin cho rằng cảnh báo này của IMF cũng là một chất xúc tác để khuyến khích Trung Quốc cùng Mỹ tháo gỡ tình hình.

Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. Giới quan sát hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 tổ chức tại Argentina trong tháng tới và đạt được một số thỏa thuận nhằm tháo gỡ tình hình. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết hiện chưa có quyết định nào về cuộc gặp kể trên.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hôm 12-10, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông không lo lắng về khả năng Trung Quốc bán số trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ trị giá hơn 1.000 tỉ USD.  Ông Mnuchin khẳng định nếu Trung Quốc quyết định bán trái phiếu Mỹ, sẽ có những người khác mua vào và điều này chắc chắn sẽ gây tổn thất cho Bắc Kinh. Ông Mnuchin nhấn mạnh không có gì khiến ông phải lo lắng.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dự đoán rằng thay vì trả đũa gói thuế quan trị giá 200 tỉ USD của Mỹ bằng biện pháp thuế quan tương tự, Trung Quốc có thể tấn công Mỹ theo cách khác, đó là bán số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 1.170 tỉ USD.

Cũng liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung, trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 12-10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố chính quyền Trump sẽ tăng cường thêm nữa cách tiếp cận cứng rắn  đối với Trung Quốc, bởi “hành vi của Bắc Kinh cần được điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự và chính trị”. Theo cố vấn Bolton, Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng trật tự quốc tế quá lâu và Mỹ đã đương đầu với điều đó chưa đủ. Tuy nhiên, ông Bolton cho rằng cách tiếp cận không khoan nhượng của ông Trump đối với Trung Quốc thời gian qua đã khiến Bắc Kinh “bối rối”. Bên cạnh đó, ông Bolton cáo buộc Trung Quốc vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về thương mại và kinh doanh, điều đã cho phép nước này đạt được sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể. Ông tiết lộ Washington đã chuẩn bị hành động nhiều hơn để hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao có tính nhạy cảm sang Trung Quốc.

Dấu hiệu nồng ấm mới trong quan hệ Nhật-Trung

Giữa lúc Mỹ tăng sức ép thương mại lên cả Trung Quốc và Nhật Bản, việc Thủ tướng Shinzo Abe sắp sang thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 27-10 được cho là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ đang ấm dần lên giữa hai cường quốc châu Á. Được biết, đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nhật kể từ năm 2011.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ông Abe sẽ sang thăm nước này nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa hai nước, ký kết vào ngày 23-10-1978. “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng Abe có thể giúp củng cố và nâng cao lòng tin lẫn nhau, tăng cường hợp tác thiết thực và thúc đẩy những phát triển mới trong quan hệ hai nước” - ông Lục phát biểu tại Bắc Kinh hôm 12-10. Cũng theo vị này, Bắc Kinh hoan nghênh sự đầu tư từ các công ty Nhật, coi việc tăng cường thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á giúp ích cho thế giới.

Thật ra, ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vài năm gần đây đã nhiều lần gặp mặt nhau bên lề các hội nghị quốc tế. Nhưng đã không có thủ tướng Nhật nào thăm chính thức Trung Quốc từ năm 2011 và Chủ tịch Trung Quốc cũng không sang thăm Nhật kể từ năm 2010. Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi từ năm 2012 vì cuộc tranh cãi lãnh thổ xung quanh một số đảo nhỏ mà Nhật Bản tuyên bố kiểm soát ở biển Hoa Đông. Lúc quay lại nắm quyền vào năm 2012, ông Abe cũng giữ vững lập trường về chủ quyền của Nhật đối với chuỗi đảo trên, làm xấu thêm căng thẳng với Bắc Kinh.

Theo Reuters, bất chấp những cuộc tranh cãi âm ỉ, quan hệ Nhật-Trung gần đây trở nên ổn định trong bối cảnh Washington đưa ra các hành động thương mại nhằm vào cả hai nước. Đơn cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump  bày tỏ rõ việc ông không hài lòng với mức thặng dư thương mại 69 tỉ USD của Nhật với Mỹ, đồng thời mong muốn đạt được một thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề này với đồng minh  châu Á. 

ĐÔNG PHONG (Theo TTXVN, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết