28/07/2019 - 17:43

Căng thẳng Mỹ-Thổ, ai được lợi? 

Sau khi Washington quyết định loại Ankara khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ tối tân F-35 để trừng phạt việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Mát-xcơ-va, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa lên tiếng cảnh báo sẽ tìm nguồn cung khác, mà như báo chí gần đây loan tin thì rất có thể đó là "sát thủ bầu trời" Su-35 của Nga. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không loại trừ khả năng xem xét lại hợp đồng mua 100 máy bay trị giá 10 tỉ USD từ tập đoàn Boeing của Mỹ.

Lô hàng S-400 đầu tiên vừa được Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 4 năm tới. Ảnh: TASS

Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25-7 ký sắc lệnh hủy bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Ankara từ đầu năm 2016 để trả đũa vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại Syria hồi tháng 11-2015; trong khi Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết Mát-xcơ-va và Ankara đang thảo luận việc tổ chức sản xuất các chi tiết của S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, chẳng những bán "Rồng lửa" mà Nga còn chuyển giao một phần công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ- thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những diễn biến như vậy cho thấy dường như Mỹ đang vô tình đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của Nga. Nhưng thực ra còn có những quốc gia khác hưởng lợi từ căng thẳng hiện nay giữa Washington và Ankara.

Các chuyên gia an ninh quốc gia Israel cuối tuần rồi lên tiếng cảnh báo việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 có thể khiến nước này tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và điều đó sẽ gây bất lợi cho Washington trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Trong động thái xuống thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-7 nói ông không phê phán việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, cho rằng tình huống hiện nay xuất phát từ việc người tiền nhiệm Barack Obama từ chối bán tên lửa phòng không Patriot cho Ankara.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc ấm lên thời gian gần đây và trong chuyến công du Bắc Kinh hồi đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố ông là người ủng hộ nhiệt thành sáng kiến "Vành đai, con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn có bài bình luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo làm mát dạ nước chủ nhà khi nhấn mạnh quan điểm cần phải thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực (thật ra không chỉ Trung Quốc mà bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm vị thế lớn hơn trên trường quốc tế). Ông cũng cho biết có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hiện có các thành viên là Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á. Thế nên cũng dễ hiểu khi cụm từ "Hợp tác chiến lược" được báo chí Trung Quốc nhắc đi nhắc lại khi đề cập cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Erdogan.

Trong chương trình F-35, Ankara đăng ký mua 100 chiếc trị giá 9 tỉ USD và 8 công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất hơn 900 bộ phận cho dòng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm này, theo Lầu Năm Góc. Do đó, các nguồn tin Israel cho rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách liên hệ với các công ty trên để thu thập thông tin về F-35. "Trung Quốc là bậc thầy trong lĩnh vực này. Họ sẽ cố gắng có được công nghệ từ bất kỳ nguồn nào", một nguồn tin nhận định, đồng thời nhắc lại nghi vấn chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc được dựa trên nguyên mẫu máy bay IAI Lavi của Israel.

Nhưng đâu chỉ Nga và Trung Quốc, Israel cũng  "có phần" từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ của Mỹ. Số là nước này ký hợp đồng mua 50 chiếc F-35 và đang cân nhắc mua thêm 25 chiếc nữa, nên Tel Aviv hy vọng số máy bay dự tính giao cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được chuyển sang cho họ.

QUỐC KHÁNH (Theo Breaking Defense, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết