01/07/2011 - 15:30

Cẩn trọng với bệnh nấm da

Nấm da là một trong những bệnh về da khá phổ biến ở nước ta, bệnh biểu hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau, thường gặp nhất là hắc lào, lang ben và nấm kẽ chân. Người mắc bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và việc gãi thường xuyên có thể khiến bệnh phát triển trầm trọng hơn. Để bạn đọc có thêm thông tin về bệnh nấm da, bác sĩ Lý Hồng Khiêm, Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ, đưa ra khuyến cáo sau:

Bệnh nhân bị mắc bệnh nấm da. Ảnh: CTV 

Bệnh ngoài da do vi nấm là bệnh thường gặp ở Việt Nam. Tác nhân gây bệnh thường do 3 loại: Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum. Bệnh có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như thời gian mắc bệnh, thuốc đã sử dụng, có bội nhiễm hay không... mà được chia ra 2 dạng chính như sau:

- Nấm da đơn thuần: biểu hiện da là mảng hồng ban, ngoài rìa có mụn nước (diễn tiến ly tâm), ở giữa thường nhăn nheo hay bình thường, bề mặt có ít vẩy, lâu ngày sẽ lan ra mảng lớn hơn. Bệnh nhân ngứa nhiều khi đổ mồ hôi hay trời nóng.

- Nấm chàm hóa (hoặc bội nhiễm): biểu hiện da thường có chảy nước, có mụn mủ hay sưng lên, diễn tiến ly tâm không còn, bề mặt tổn thương da dầy hơn, thường do gãi nhiều và bôi thuốc không đúng kéo dài, cảm giác ngứa nhiều hơn và tăng lên khi trời nóng.

Bệnh nấm da là một bệnh thường gặp và do vi nấm dermatophytes gây nên. Thông thường nhiều sợi nấm liên kết với nhau tạo thành búi nấm. Khi sợi nấm đã già hoặc hết chất dinh dưỡng thì búi nấm sẽ hình thành bào tử. Trên da người, nấm sẽ phát triển ở vùng da nào ẩm ướt, có nhiều mồ hôi như ở bẹn, bìu, kẽ các ngón chân, tay, xung quanh thắt lưng, nếp dưới vú, nách, cổ và ngay cả da vùng đầu. Trong quá trình sống, sợi nấm phát triển và tiết ra độc tố kích thích da gây ngứa. Ngứa là dấu hiệu đầu tiên làm cho bệnh nhân rất khó chịu, gãi làm lây lan mầm bệnh, đồng thời làm nhiễm trùng da gây mưng mủ, lở loét... Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam nhiều hơn nữ, ở những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi, bơi lội, vệ sinh kém.

Nấm da rất dễ lây lan sang các vị trí khác trên cơ thể người bệnh và cho người khác. Phương thức lây truyền chủ yếu là lây trực tiếp, gồm các hình thức sau: do tiếp xúc với bào tử nấm có trong thiên nhiên, tiếp xúc với một số động vật nuôi trong nhà mà các động vật đó bị nấm da, người bệnh lây sang người lành do nằm chung giường, dùng chung quần áo, khăn mặt, khăn tắm,... Bệnh được chẩn đoán dễ dàng dựa vào xét nghiệm soi trực tiếp.

Điều trị nấm da có rất nhiều loại thuốc. Trong dân gian thường dùng lá muồng, ô môi, xương rồng,... Khi bôi cũng có tác dụng nhưng có thể gây biến chứng nhiễm trùng, viêm tấy. Nhiều loại thuốc bôi cổ điển được pha chế sẵn như Antimycose, SA, ASA, BSI... cũng có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, để lại màu trên da như sạm da hoặc gây biến chứng tương tự thuốc dân gian. Để điều trị các bệnh nấm da thông thường, có thể dùng các thuốc bôi hoặc uống. Nếu số lượng sang thương da ít và kích thước còn nhỏ, thường chỉ dùng thuốc bôi là đủ. Trường hợp sang thương lan rộng, số lượng nhiều cần phải kết hợp thuốc uống với thuốc bôi. Thuốc thường được sử dụng thuộc nhóm Imidazole. Thường có 3 nhóm thuốc: thuốc chống nấm đơn thuần; thuốc chống nấm + corticoides; thuốc chống nấm + corticoides + kháng sinh. Nếu sử dụng thuốc chống nấm đơn thuần, một số ít trường hợp xảy ra dị ứng gây ngứa nhiều lên hoặc là tổn thương đỏ và lan rộng. Cần lưu ý các loại thuốc có chứa corticoides ngoài tác dụng chống viêm (giảm sưng, giảm ngứa) thì còn có nhiều tác dụng phụ khác không có lợi như giảm miễn dịch (dễ bội nhiễm vi khuẩn hay vi nấm khác), chống phân bào (teo da, giảm sắc tố), giãn mạch, phải cẩn thận khi dùng vào các vị trí da non như: bẹn, đùi, nếp gấp hoặc trên mặt.

Khi bị mắc các bệnh nấm da, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, làm các xét nghiệm cần thiết và chỉ định điều trị đúng bệnh, dùng đúng thuốc. Cần lưu ý: vi nấm ẩn nấp dưới da gây ngứa, khó chịu, nếu bạn không chữa trị tận gốc thì sẽ tái phát rất nhanh, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp bệnh mau khỏi hơn là để lây lan nhiều rồi mới điều trị.

Để đề phòng bệnh nấm da cần vệ sinh da sạch sẽ để da luôn được thoáng mát; tránh mặc quần áo lót quá chặt, hoặc bằng ni lon; giữ khô các nếp kẽ sau khi tắm; không dùng chung quần áo, khăn mặt, khăn tắm, chăn, gối,... với người đang bị bệnh nấm da.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết