13/07/2017 - 15:17

Cần tiếp tục nạo vét của biển Định An cho tàu có trọng tải lớn ra - vào sông Hậu

Tại hội thảo: “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An giai đoạn 2008-2015” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học, nhà quản lý đã kiến nghị nhiều giải pháp khơi thông luồng Định An đưa tàu biển có tải trọng lớn ra-vào sông Hậu.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL:

NẠO VÉT CĂN CƠ LUỒNG ĐỊNH AN THÌ TÀU BIỂN CÓ TẢI TRỌNG LỚN DỄ RA-VÀO SÔNG HẬU

 

 

Tôi ủng hộ rất cao việc Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, trong đó có cả ý tưởng đào kênh tắt qua kênh Quan Chánh Bố. Hiện tại, cũng có người cho rằng phải chọn giải pháp đào kênh tắt qua kênh Quan Chánh Bố vì cửa Định An không còn “xài” được. Tôi cho rằng ý kiến trên không có tính khoa học. Bởi vì, trong thời gian đào kênh Quan Chánh Bố (7-8 năm), việc xuất-nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL bằng đường nào nhằm giảm thời gian, chi phí để trung chuyển về TP Hồ Chí Minh? Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần phải nêu rõ quan điểm về việc nạo vét cửa Định An trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Thực trạng công tác nạo vét luồng Định An trong thời gian qua và các tài liệu khác cho thấy, nếu luồng Định An được nạo vét một cách căn cơ thì chúng ta sẽ có được một luồng ổn định cho tàu biển có tải trọng lớn ra- vào sông Hậu. Tuy nhiên, chuyện nạo vét cửa Định An trong thời gian qua được thực hiện mỗi năm một ít như kiểu “cọp ăn bù mắt”, nên cửa biển Định An tiếp tục bị cạn sau khi được nạo vét 1 hoặc 2 tháng.

Chúng ta có đủ khả năng buộc luồng Định An tự nuôi luồng Định An bằng cách huy động nhiều nguồn vốn: ngân sách Nhà nước, kêu gọi liên doanh hoặc kêu gọi đầu tư BOT. Đặc biệt, dù đầu tư ở hình thức nào các nhà đầu tư nên ưu tiên trang bị một tàu hút bùn để vét luồng Định An và các cửa sông, cửa biển khác ở ĐBSCL, thay vì phải tốn hàng tỉ đồng để điều tàu từ phía Bắc vào nạo vét cửa biển Định An. Trong quá trình nạo vét cửa biển Định An, chúng ta còn tận thu được nguồn cát để tôn nền những nơi được dự báo sẽ ngập nước trước hiện tượng biển dâng hoặc xuất bán cho nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp trên, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Bộ Giao thông Vận tải, các nhà khoa học, các doanh nghiệp phải có tiếng nói chung.

Trung tướng Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:

KHAI THÔNG LUỒNG ĐỊNH AN GẮN VỚI KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TAM GIÁC CẦN THƠ-PHNOM PENH (CAMPUCHIA) -
TP HỒ CHÍ MINH

 

 

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất và cung cấp nông sản xuất khẩu của cả nước. Nhu cầu nhập khẩu vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị công nghệ... ở ĐBSCL đang tăng nhanh theo đà tăng trưởng kinh tế của vùng. Tuy nhiên, do luồng tàu vào sông Hậu ở khu vực cửa biển Định An chưa được khai thông, nên hầu hết sản lượng hàng hóa xuất-nhập khẩu ở ĐBSCL đều phải mất nhiều thời gian, chi phí trung chuyển về TP Hồ Chí Minh.

Chuyện nạo vét cửa Định An để cho tàu biển có tải trọng lớn ra - vào sông Hậu nhằm đáp ứng nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL đã và đang là nhu cầu bức xúc nên không thể chờ kênh tắt Quan Chánh Bố. Tuy nhiên, chuyện nạo vét của biển Định An phải đáp ứng nhu cầu phát triển hàng hải lâu dài và gắn với Chiến lược kinh tế biển của vùng ĐBSCL. Mặt khác, việc đầu tư nạo vét cửa biển Định An phải gắn với không gian phát triển kinh tế của tam giác Cần Thơ (vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của đất nước) - Phnom Penh (Campuchia) - TP Hồ Chí Minh trong khu vực tiểu vùng hạ lưu sông Mê Công. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phải song song thực hiện dự án đào kênh tắt Quan Chánh Bố và nạo vét cửa biển Định An nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL.

Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Cần Thơ:

KÊNH TẮT QUAN CHÁNH BỐ SẼ QUÁ TẢI KHI ĐƯA VÀO KHAI THÁC

 

 

Luồng sông Hậu đổ ra cửa biển Định An hiện có 15 bến cảng cho tàu có trọng tải từ 1.000 tấn đến 23.000 tấn; 13 bến phao cho tàu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 25.000 tấn đang hoạt động và một số cảng chuyên dụng khác. Luồng từ cửa Định An vào đến Cần Thơ qua địa phận Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ dài khoảng 65 hải lý, sông rộng khoảng 1.500 mét, độ sâu trung bình trên 10 mét. Riêng đoạn giáp nước ở cửa biển Định An dài khoảng 5 km bị bồi lắng nhanh, hiện tại độ sâu là -2,5 mét nên tàu 5.000 tấn không ra-vào được. Trong 11 năm qua (1997-2008), Cục Hàng hải Việt Nam có đầu tư nạo vét ở khu vực cửa biển Định An. Tuy nhiên, việc nạo vét chỉ dao động trong độ sâu thiết kế từ -3,2m đến - 4,2m, nên việc duy trì độ sâu của luồng là chưa đến 2 tháng.

Do đó, việc nạo vét cửa Định An cho tàu biển có trọng tải lớn ra -vào sông Hậu giai đoạn hiện tại và duy tu để sử dụng lâu dài là rất cần thiết, vì khi dự án đào kênh Quan Chánh Bố làm xong (dự kiến năm 2015) cũng không đáp ứng được nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa đang tăng mạnh ở ĐBSCL.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam tại TP Cần Thơ:

NÊN TIẾP TỤC NẠO VÉT CỬA ĐỊNH AN ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA CỦA VÙNG ĐBSCL

 

 

Luồng Định An là cửa ngõ hàng hải quan trọng bậc nhất trong việc giao thương giữa ĐBSCL với các vùng miền trong nước và quốc tế. Đây còn là cửa ngõ giao thương chính từ Campuchia ra biển Đông. Tuy nhiên, do khu vực cửa biển Định An thường xuyên bị bồi lấp ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất-nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng hải của vùng ĐBSCL, làm quá tải trong lưu thông đường bộ. Khi cửa Định An bị tắc nghẽn do bồi lấp, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, tăng chi phí (170 USD/ container) trung chuyển hàng hóa về TP Hồ Chí Minh xuất khẩu. Trong thời gian tới, nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng ở ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng nhanh theo đà tăng trưởng kinh tế-xã hội của vùng. Do đó, nếu cửa biển Định An tiếp tục bị nghẽn, tàu biển trọng tải lớn không ra -vào sông Hậu được thì những thiệt hại về kinh tế trong khâu vận chuyển hàng hóa ở ĐBSCL sẽ tăng nhanh.

Do đó, việc nạo vét luồng Định An cho tàu có tải trọng lớn ra-vào sông Hậu trong giai đoạn 2008-2015 cần được tiếp tục.

ANH THƯ (lược ghi)

Ngày 26-12-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trong phần kế hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn đến năm 2010, Quyết định trên nêu rõ: “Luồng Định An: cải tạo luồng Định An cho tàu 10.000 DWT-20.000DWT, hoàn thành trước năm 2010. Trước mắt tiến hành nạo vét duy tu hàng năm với mức độ chạy tàu hạn chế có lợi dụng thủy triều cho tàu đến 5.000 tấn - 10.000 tấn, xây dựng luồng tàu mới qua kênh Quan Chánh Bố để các tàu có trọng tải tới 20.000 DWT ra vào sông Hậu...

Trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã có nguồn vốn để sớm đưa vào khai thác sử dụng, nhất là các dự án trọng điểm. Sử dụng ngân sách nhà nước, ODA, trái phiếu Chính phủ, BOT, thu phí hoàn vốn, nhượng bán quyền thu phí...”.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Định An