04/07/2025 - 19:03

Cần Thơ bàn giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố 

(CT) - Ngày 4-7, ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp về tình trạng ngập nước cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đại diện Sở Xây dựng báo cáo chung về tình trạng ngập nước cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Xây dựng, dữ liệu ngập đo được sơ bộ trên địa bàn quận Ninh Kiều (cũ) có khoảng 20 tuyến đường chính, khu dân cư xảy ra tình trạng ngập, nghẹt; độ sâu ngập trung bình khoảng 0,1-0,3m; thời gian ngập trung bình từ 2-4 giờ. Một số tuyến đường ngập sâu như đường Hùng Vương (0,2m-0,3m), đường Cách mạng Tháng 8 (0,2m-0,3m), đường Trần Việt Châu (0,2m-0,3m), đường Nguyễn Văn Cừ (0,2m-0,3m), Khu dân cư 91B đường Nguyễn Văn Linh (0,2m-0,3m)... Ngoài ra, tại một số thời điểm trong năm từ tháng 8 đến tháng 12, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra các trận ngập sâu, trên diện rộng đều trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất vào tháng 9, 10, 11 hằng năm. Tình trạng ngập lụt tại TP Cần Thơ diễn biến khá phức tạp, gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh doanh buôn bán, giao thông, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố.

Thời gian qua, UBND quận, huyện (cũ) thực hiện việc nâng cấp các tuyến hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp mặt đường các tuyến đường có cao độ thấp, nguy cơ ngập cao, góp phần giảm ngập, hạn chế các ảnh hưởng do ngập gây ra, như tuyến đường 30 tháng 4, Trần Văn Hoài, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Thông, nút giao thông IC3... Bên cạnh đó, TP Cần Thơ triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. 

Theo các sở ngành, địa phương, nguyên nhân ngập lụt tại TP Cần Thơ gồm nhiều yếu tố như vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với lưu lượng lớn, quá trình đô thị hóa, lún đất... Do đó, cần có giải pháp khắc phục như nắm chắc diễn biến các đợt triều cường, mưa lũ để chủ động phòng chống; bố trí phương tiện, nhân sự trực ứng cứu khi có mưa lớn, triều cường dâng cao; thường xuyên duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, xử lý nước thải...

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Lâu, nhấn mạnh: Trước mắt, để hạn chế ngập do triều cường, các bên có liên quan phối hợp vận hành cống ngăn triều nhịp nhàng, tăng cường cảnh báo, thông tin kịp thời để người dân nắm và chủ động ứng phó. Sở Xây dựng phối hợp địa phương khảo sát hiện trạng thoát nước tại các tuyến đường, xác định rõ hệ thống thoát nước nào không đảm bảo, bố trí hố ga không phù hợp, đấu nối xung đột… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế có thể đề xuất đầu tư thêm hệ thống xử lý nước, đảm bảo an toàn cho môi trường; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người tránh xả rác, nước thải bừa bãi, xây dựng sai phép làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Về lâu dài, Sở Xây dựng rà soát lại quy hoạch không chỉ ngay trung tâm thành phố mà cả các đô thị Hậu Giang, Sóc Trăng cũ, qua đó đề xuất các dự án đầu tư: cống, âu thuyền, nhà máy xử lý nước thải… hướng tới mục tiêu không chỉ để giải quyết vấn đề ngập nghẹt cục bộ trước mắt mà cả các vấn đề liên quan đến môi trường cho thế hệ mai sau.

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết