22/08/2009 - 21:28

Đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu:

Cần tạo một thế hệ tài năng và khán giả mới cho cải lương

 

Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu đang dàn dựng vở mới “Mẹ của chúng con” cho Đoàn cải lương Tây Đô để chuẩn bị tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 10-2009 tại TP Hồ Chí Minh. Phóng viên Báo Cần Thơ đã gặp và trò chuyện với đạo diễn nhiều tâm huyết với sân khấu cải lương Cần Thơ này…

* Thưa đạo diễn, đã khá lâu rồi ông mới trở lại làm việc với Đoàn cải lương Tây Đô nhân Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp, ông có cảm nghĩ thế nào?

- Năm năm Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc mới diễn ra một lần và là ngày hội lớn được tất cả các đoàn cải lương và giới nghệ sĩ mong chờ. Thông qua hội diễn, các đoàn nghệ thuật có cơ hội được quan tâm của các ngành các cấp liên quan, nghệ sĩ mới có cơ hội được làm nghề thực sự. Những ngày qua, ở Đoàn cải lương Tây Đô có không khí lao động nghệ thuật khẩn trương nghiêm túc, đáp lại sự quan tâm đầu tư về mọi phương diện của thành phố. Đoàn có một kịch bản tốt là “Mẹ của chúng con” của tác giả Lê Thu Hạnh. Ngoài tôi làm đạo diễn, còn có sự giúp sức của NSND - họa sĩ Phan Phan về cảnh trí. Bốn diễn viên chính trong vở diễn là NSƯT Thảo Vân, Lam Tuyền, Hoàng Khanh và Quỳnh Khôi đã đạt đến độ chín. Dàn diễn viên đã đủ sức toát lên thần thái của từng vai diễn và giúp vở diễn bộc lộ trọn vẹn chủ đề tư tưởng.

Đó là kết quả của một quá trình theo đuổi và trui rèn nghề nghiệp bền bĩ của tập thể đoàn, giúp Đoàn cải lương Tây Đô vẫn tồn tại và giữ vững chất lượng hoạt động của mình trong bối cảnh sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn.

* Theo đạo diễn, có phải tình trạng thoái trào của cải lương chỉ diễn ra ở các đoàn nhỏ như Tây Đô và các tỉnh ĐBSCL, bởi được biết TP Hồ Chí Minh có nhiều đêm diễn khán giả phải “ngồi ghế súp”?

- TP Hồ Chí Minh có những chương trình tập hợp hàng loạt ngôi sao hàng đầu nên thu hút đông khán giả. Nhưng các chương trình lại đều chỉ diễn được một đến ba đêm. Ngay cả “Sân khấu vàng” diễn lại những vở kinh điển cũng được 10-15 suất là hết khán giả. Thực tế là khán giả của sân khấu cải lương đang ngày càng bị thu hẹp. Ở các đoàn nghệ thuật ở tỉnh hoặc TP nhỏ như Cần Thơ, dĩ nhiên phải khó khăn hơn. Hầu hết các đoàn đều diễn cho đủ chỉ tiêu trên giao - thường từ 80 đến 120 suất một năm, mỗi suất có chừng 100-200 khán giả đã là quý. Một số đoàn cải lương đang lâm vào tình cảnh bị xem như là “gánh nặng” với địa phương. Mỗi khi đầu tư vở diễn mới các đoàn phải chạy xin kinh phí, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố đó làm nảy sinh tâm lý chờ Hội diễn để được đầu tư đàng hoàng.

* Vậy, theo đạo diễn, những đoàn cải lương địa phương như Tây Đô cần gì để vượt qua khủng hoảng?

- Những yêu cầu, kiến nghị bảo tồn sân khấu dân tộc, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại đã được nêu lên nhiều năm qua, nhưng chưa có một chương trình, hành động cụ thể mang tầm quốc gia từ phía ngành Văn hóa và các ngành các cấp liên quan. Trong lúc chờ những kế hoạch vĩ mô, tôi nghĩ rằng các địa phương đang sở hữu các đoàn cải lương, trong đó có TP Cần Thơ, hãy xem đoàn cải lương của mình là một đơn vị dịch vụ văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thuê – chứ không phải là “rót” kinh phí cho họ, để biểu diễn phục vụ một bộ phận công chúng yêu thích cải lương và bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Với tư duy như vậy, các đoàn cải lương như Tây Đô mới có sự đầu tư ổn định và có hy vọng vươn lên.

Lãnh đạo Đoàn cải lương Tây Đô có thể chủ động đề xuất với thành phố để tạo ra một thế hệ khán giả mới cho cải lương thông qua mô hình “Sân khấu học đường”. Người ta cứ nghĩ “Sân khấu học đường” là đem cải lương đến trường học biểu diễn. Không đúng vậy, ý nghĩa thực sự của mô hình này là giúp các em nhỏ hiểu về nghệ thuật sân khấu qua các lớp dạy cổ nhạc, hay năng khiếu ca diễn như một hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Anh chị em nghệ sĩ trong đoàn cũng nên “nghề truyền nghề” cho con em mình, đồng thời thu hút thêm nhiều em là bạn bè của con em nghệ sĩ. Hy vọng, thông qua các mô hình này, sân khấu sẽ có những tài năng trẻ – vốn cũng là một trong những nguồn lực đang dần cạn kiệt, và một lớp khán giả mới cho sân khấu cải lương.

* Xin cảm ơn đạo diễn.

Xuân Viên (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết