06/11/2011 - 20:57

Cần nhanh chóng thành lập câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm

Đoàn viên, thanh niên Khối Cơ quan Dân Chánh Đảng xét nghiệm máu trước khi hiến máu.

Theo ước tính, có khoảng 0,04%-0,07% người dân Việt Nam có nhóm máu hiếm Rh (-) chiếm. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới ghi nhận được khoảng 2.000 người có nhóm máu hiếm Rh (-). Nhiều trường hợp chỉ khi vào bệnh viện điều trị, người dân mới biết mình có nhóm máu hiếm. Vì vậy, trong quá trình cấp cứu, cần đến máu mà kho dự trữ không còn, nếu không tìm được người cho máu khẩn cấp, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao.

Lo lắng vì có nhóm máu hiếm

Theo Trung tâm Huyết học-Truyền máu (HH-TM) Cần Thơ, qua công tác lấy máu, xét nghiệm ở người hiến máu tình nguyện (HMTN), Trung tâm phát hiện 78 người có nhóm máu hiếm Rh (-). Trong đó, ở TP Cần Thơ 42 người, còn lại ở các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm HH-TM Cần Thơ, cho biết: “Ở TP Cần Thơ có trường hợp bệnh nhân nhóm máu hiếm nhập viện cần truyền máu nhưng trung tâm không có máu cung cấp, đành phải chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, có thể trong cộng đồng còn nhiều người có nhóm máu hiếm nhưng do họ không hiến máu, không đến cơ sở y tế điều trị nên chúng tôi không quản lý được. Chẳng may khi bệnh, họ vào bệnh viện cần truyền máu thì mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm”. Một sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Cần Thơ có nhóm máu hiếm Rh (-) cho biết: “Tôi đã đi hiến máu 2 lần nhưng không biết mình thuộc nhóm máu hiếm. Hôm được mời dự hội thảo phát triển người có nhóm máu hiếm tại TP Cần Thơ, tôi mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm Rh (-). Nhóm máu ít người có nên chẳng may bệnh, tai nạn cần truyền máu thì càng khó tìm máu để truyền”.

Tình trạng này không riêng ở TP Cần Thơ, các tỉnh, thành khác trong cả nước, bệnh nhân có nhóm máu hiếm cũng gặp khó khăn tương tự khi cần truyền máu. Theo Viện HH-TM Trung ương, việc dự trữ nhóm máu Rh (-) rất cần thiết cho người bệnh để khi bệnh nhân cần là có máu truyền ngay. Tuy nhiên, để có nguồn máu dự trữ là việc làm không đơn giản. Hiện tại, với những trường hợp cần nhóm máu Rh(-) cấp cứu, điều trị, chủ yếu Viện vẫn phải kêu gọi người hiến máu Rh (-) nhắc lại của các năm trước, song vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Máu Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm ở Hà Nội, kể trường hợp một bệnh nhân bị ung thư máu thuộc nhóm máu hiếm. Gia đình bệnh nhân chỉ có ước nguyện có máu để truyền cho chị ăn Tết Nguyên đán. Để duy trì sự sống cho chị, CLB nhóm máu hiếm ở Hà Nội đã huy động 20 người có nhóm máu hiếm ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc mới đủ máu truyền cho chị chống chọi qua cái Tết.

Ngoài nỗi lo không có máu để truyền, người có nhóm máu hiếm Rh (-) còn mang nhiều mặc cảm khác. Chị T.T.H.L, ở tỉnh Vĩnh Long bùi ngùi kể: “Là cán bộ y tế, ngay từ khi chưa lập gia đình, tôi đã nói với người yêu là mình thuộc nhóm máu hiếm Rh (-), trong khi anh thuộc nhóm Rh (+) nên có thể chỉ có 1 đứa con hoặc có thể không có con, nhưng người yêu tôi chấp nhận và chúng tôi cưới nhau. Sau khi cưới, tôi đến nhiều bệnh viện lớn chuyên về phụ sản, trung tâm chuyên về huyết học ở TP Hồ Chí Minh khám nhưng các bác sĩ hầu như không tư vấn gì về nhóm máu, chỉ khám qua loa. Tôi rất lo lắng nhưng không biết làm sao nên đành về. Sau đó, tôi mang thai nhưng thai chỉ được gần 2 tháng thì bị xảy. Tôi cũng không biết do tôi thuộc nhóm máu hiếm nên xảy ra tình trạng này hay do một nguyên nhân khác. Tôi rất buồn, tại sao mọi người đều có những nhóm máu bình thường mà mình lại thuộc máu hiếm. Nhiều lúc tôi chán nản muốn ly hôn, để chồng mình đi tìm một phụ nữ khác, có thể dễ dàng sinh con cho anh”.

Với những tâm trạng nặng nề như trên nên rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ khi phát hiện mình thuộc nhóm máu hiếm rất lo lắng, băn khoăn. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Nhiều người có nhóm máu hiếm nói họ “bị” nhóm máu hiếm. Nhưng thực chất người có nhóm máu hiếm sở hữu trong cơ thể một dòng máu đặc biệt, một tài nguyên vô giá. Theo tôi, người có nhóm máu hiếm nên tham gia hội, câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm để họ gặp gỡ chia sẻ với nhau những thông tin về nhóm máu này. Đồng thời, cũng để khi có bệnh nhân hoặc chính bản thân mình cần truyền máu thì những thành viên trong CLB chia sẻ với mình. Những người tham gia CLB có nhóm máu hiếm cần để điện thoại thường xuyên để khi có bệnh nhân cần, nhân viên y tế có thể liên hệ ngay”.

Nên thành lập câu lạc bộ người nhóm máu hiếm

Theo báo cáo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hiện nay ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ... đã hình thành CLB những người có nhóm máu hiếm. Tuy nhiên ở khu vực ĐBSCL hầu như chưa có CLB những người máu hiếm. Một số tỉnh, thành hiểu nhầm nhóm máu AB là nhóm máu hiếm nên thành lập những CLB toàn người có nhóm máu AB rồi gọi là CLB máu hiếm. Theo quy định, nếu tỷ lệ người có nhóm máu đó trong cộng đồng dưới 1‰ thì mới gọi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó ở Việt Nam, nhóm máu AB chiếm 5%. Vì vậy, người mang nhóm máu này chưa phải là nhóm máu hiếm. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần nhanh chóng thành lập đội hoặc CLB những người có nhóm máu hiếm. Trung ương Hội Chữ thập đỏ cũng đang xúc tiến thành lập Trung tâm dữ liệu người có nhóm máu hiếm. Những người có nhóm máu hiếm cần quan tâm đến sức khỏe bản thân, thông báo nhóm máu Rh (-)với cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi cần truyền máu và chăm sóc thai nghén. Người phụ nữ có Rh (-) vẫn có khả năng sinh con bình thường chứ không phải vô sinh. Nếu phụ nữ có nhóm máu Rh (-) mà lấy chồng có nhóm máu Rh (-) thì sinh con bình thường, không cần điều trị gì cả. Nếu chồng Rh (-) lấy vợ có nhóm máu hiếm Rh (-) hay Rh (+) đều không ảnh hưởng gì đến con. Ngược lại, với người phụ nữ khi có thai cần được thử máu để xác định nhóm máu và yếu tố Rh. Nếu là Rh (-) âm tính, người mẹ cần được theo dõi và trị liệu đúng cách thì người mẹ và con đều an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay do người có nhóm máu hiếm không nhiều nên theo tôi biết ở phía Nam chỉ có Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là có theo dõi, điều trị cho phụ nữ mang thai có Rh (-)”.

Chỉ những người có nhóm máu Rh (-) mới có thể truyền máu cho nhau. Do đó, việc tập hợp những người có nhóm máu hiếm Rh (-) thành một CLB để có thể chia sẻ những giọt máu cho nhau khi ốm đau, tai nạn cần truyền máu là hết sức cấp thiết. Ông Huỳnh Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, cho biết: “Hội đang tích cực phối hợp với Trung tâm HH-TM Cần Thơ để thành lập câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm Rh (-)”. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm HH-TM Cần Thơ, cho biết: “Với những người có nhóm máu hiếm nếu muốn đưa gia đình, người thân đến xét nghiệm xem thuộc nhóm máu nào, Trung tâm sẵn sàng xét nghiệm miễn phí. Việc làm này góp phần phát hiện thêm những người có nhóm máu hiếm trong cộng đồng”.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết