13/03/2012 - 22:16

DOANH NGHIỆP VẬN TẢI HÀNH KHÁCH TUYẾN CỐ ĐỊNH TẠI TP CẦN THƠ

Cân nhắc điều chỉnh tăng giá cước

Xăng dầu tăng giá nhưng nhiều DNVT đang giữ giá cước ổn định phục vụ hành khách.
Trong ảnh: Hành khách mua vé tại phòng vé xe khách Phương Trang ở Bến xe khách Cần Thơ.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ ngày 7-3 đã làm phát sinh thêm chi phí nhiên liệu đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải (DNVT). Đến ngày 13-3, các DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn đang cân nhắc chưa điều chỉnh tăng giá cước để bù đắp chi phí xăng dầu…

Đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, giá xăng A92 đã tăng thêm 2.100 đồng/lít và lên ở mức 22.900 đồng/lít, dầu diezel tăng thêm 1.000 đồng/lít và lên ở mức 21.400 đồng/lít. Theo các DNVT hoạt động trên các tuyến cố định ở TP Cần Thơ, chi phí xăng dầu thường chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động kinh doanh vận tải. Với mức tăng giá xăng dầu vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, đến ngày 13-3, các DNVT hành khách hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa điều chỉnh tăng giá cước. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: Giá xăng dầu tăng DNVT chịu ảnh hưởng trực tiếp nên gặp khó khăn, nhất là trong tình hình cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị vận tải hiện nay rất khó điều chỉnh tăng giá cước. Qua mấy ngày tăng giá xăng dầu, chưa có DNVT hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ và Bến tàu khách Cần Thơ điều chỉnh tăng giá cước và các DNVT vẫn đang duy trì hoạt động ổn định...

Theo nhiều DNVT hành khách đang hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ, việc chưa tăng giá cước do các doanh nghiệp còn đang thăm dò nhau về giá cước mới, chứ chưa dám đơn phương tự điều chỉnh tăng giá cước vận tải hành khách vì lo ngại mất khách và sau Tết Nguyên đán đến nay lượng hành khách đi lại giảm. Mặt khác, để áp dụng giá cước mới, các DNVT phải xây dựng mức giá cước mới và tiến hành kê khai đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước theo qui định, sau đó mới được áp dụng.

Tại đầu bến Cần Thơ, Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang (xe khách Phương Trang) hoạt động trên 4 tuyến là: TP Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ-Cà Mau, TP Cần Thơ-Rạch Giá và TP Cần Thơ-Long Xuyên-Châu Đốc. Ông Lương Tấn Đạt, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang, cho biết: “Hiện nay, tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, ngày cao điểm xe khách Phương Trang xuất bến khoảng 70 chuyến (đi và về), sau khi dầu tăng giá mỗi chuyến phát sinh thêm trên 80.000 đồng tiền dầu. Ngoài ra, tuyến này đã phát sinh thêm phí đường cao tốc 176.000 đồng/chuyến đi và về kể từ ngày 25-2. Xe trung chuyển của công ty hoạt động cũng tăng chi phí sau khi giá xăng tăng. Nếu tính cả 4 tuyến và xe trung chuyển, mỗi ngày đã phát sinh thêm 30 triệu đồng gồm: tiền xăng dầu sau khi giá xăng dầu tăng và phí đường cao tốc. Trước mắt, công ty cố gắng duy trì mức giá cước hiện tại để phục vụ người dân. Còn về lâu dài, công ty dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá cước ở mức phù hợp để bù đắp khoản chi phí giá dầu tăng...”.

Hợp tác xã (HTX) Vận tải Đường bộ TP Cần Thơ hiện có khoảng 100 xe khách hoạt động trên 32 tuyến cố định, 170 xe khách hoạt động thuê bao hợp đồng, 110 xe tải... Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm HTX Vận tải Đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Chi phí nhiên liệu đầu vào đã tăng nhưng nhiều DNVT chưa dám tăng giá đầu ra do áp lực cạnh tranh rất lớn. Xăng dầu tăng giá, nhiều xã viên HTX lo lắng. HTX đang nghiên cứu điều chỉnh tăng giá cước ở mức vừa phải và thời điểm áp dụng phù hợp, nếu giá cước tăng cao và áp dụng không đúng thời điểm sẽ dẫn đến nguy cơ mất khách. Thường sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 1-2 tháng mới điều chỉnh tăng giá cước là phù hợp nhất...”. Cũng theo ông Đoàn Công Hiếu, với xe tải vận chuyển thuê hàng hóa hợp đồng, xã viên HTX đang thương lượng với doanh nghiệp, chủ hàng hỗ trợ thêm một phần chi phí cho xã viên và phải 1-2 tháng sau thương lượng mới có thể điều chỉnh tăng giá được do xã viên đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp giá cước ổn định suốt năm. Đối với xe khách thuê bao hợp đồng, chủ xe và khách hàng sẽ thỏa thuận mức giá mới...

Trong tình hình cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DNVT, có thể giá cước vận tải hành khách tuyến cố định chỉ tăng ở mức vừa phải chứ không thể tăng quá cao, chủ yếu là để DNVT bù đắp lại chi phí nhiên liệu vừa tăng và đồng thời đảm bảo hoạt động có hiệu quả... Đó là nhận định chung của giới kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định ở TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Xăng dầu tăng giá nhưng nhiều DNVT đang giữ giá cước ổn định phục vụ hành khách. Trong ảnh: Hành khách mua vé t

Chia sẻ bài viết