18/06/2009 - 09:37

Đọc “Nhẫn thạch”

Cảm thương thân phận người phụ nữ thời chiến

“Nhẫn thạch” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam phối hợp xuất bản quý III-2009) là tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp đoạt giải Goncourt 2008 của nhà văn gốc Afghanistan - Atiq Rahimi. Qua bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc, độc giả cảm nhận gần như trọn vẹn tinh thần của tác phẩm! Đó là tiếng kêu đầy phẫn uất của người phụ nữ Hồi giáo khao khát một cuộc sống bình yên.

Bối cảnh của “Nhẫn thạch” chỉ gói gọn trong một căn phòng nhỏ ở một ngôi nhà nhỏ tại một thành phố nằm giữa hai làn đạn. Nơi đó, thời gian như cô đặc và ngưng đọng qua những miêu tả kiệm lời nhưng lại sắc nét và sống động: “Căn phòng nhỏ. Hình chữ nhật. Ngột ngạt dầu các bức tường màu xanh nhạt. Những tấm rèm có họa tiết chim di cư sững lại giữa đà bay trên một nền trời vàng và xanh dương” (trang 3). Giữa không gian dường như lơ lửng không thực đó, câu chuyện trong tiểu thuyết diễn ra với những tình huống đầy kịch tính. Gần như không có đối thoại. Từ đầu đến cuối chỉ là lời độc thoại và những hành động có khi lặng lẽ, có khi mất kiểm soát của người đàn bà trong căn phòng cùng người chồng nằm bất động bởi một viên đạn găm sâu sau gáy. Cả hai bị bỏ lại ngôi nhà giữa cuộc chiến bởi người chồng – vốn từng là một anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc – nhưng lại lãnh vết thương trí mạng chỉ vì một cuộc ẩu đả không đáng có với “người của phe mình”. Người chồng sống dở chết dở cùng người vợ không thể đi đâu.

Tình huống trớ trêu đã được tác giả tận dụng triệt để để kể câu chuyện của mình một cách đầy thu hút. Người vợ – người phụ nữ chưa bao giờ được phép thổ lộ tâm sự của mình với bất cứ ai đã xem người chồng là “Nhẫn thạch” – hòn đá kiên nhẫn trong truyền thuyết Ba Tư – để kể cho anh ta nghe sự sợ hãi, căm ghét, nguyền rủa và cả sự bất lực của cô trước cuộc chiến tranh – mà theo cô chỉ có ý nghĩa khi những người hùng như chồng cô chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, độc tài, diệt chủng. Thế nhưng, sau chiến thắng, cuộc nội chiến mà đất nước cô đang hứng chịu là hậu quả của sự ngạo mạn, ích kỷ, tranh giành quyền lợi của những kẻ “được gọi là người hùng”. Người đọc cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh qua những sự kiện đan xen cùng những tâm sự chồng chất của người đàn bà: những loạt đạn và pháo bất chừng không biết của phe nào và được bắn vì mục đích gì xuyên thủng ngôi nhà; những toán lính nhỏ đột ngột xuất hiện trong ngôi nhà, đá người chồng lăn lông lốc và khiến người vợ phải nói dối mình là gái điếm để được yên thân, nhưng rồi cũng không thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ đang cuồng say vì dục vọng; tiếng hát của bà già điên vì phải chứng kiến cả gia đình mình bị chặt đầu hành quyết; những ánh mắt sợ hãi sau khe cửa nhà hàng xóm và cuối cùng là sự tịch mịch của một thành phố chết.

Người đàn bà trong truyện thể hiện khát vọng được sống tự do, thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo, của tập tục ràng buộc người phụ nữ Trung Đông.

“Nhẫn thạch” chỉ dày 180 trang, nhưng lại có sức hấp dẫn khó cưỡng lại đối với người đọc. Tác phẩm đoạt giải Goncourt một phần vì tác giả Atiq Rahimi đem đến cho văn chương đương đại một câu chuyện vượt qua mọi rào cản. Thông qua câu chuyện đầy tính ẩn dụ của người đàn bà ở thế giới Hồi Giáo huyền bí và xa xăm, tác giả chuyển đến độc giả thông điệp: trên thế giới này, vẫn còn nhiều thân phận như thế giữa những cuộc chiến.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết