17/04/2024 - 07:50

Các nước Arab khó xử trước xung đột Iran - Israel 

Jordan đã trở thành tâm điểm chú ý cuối tuần qua khi vô tình trở thành đồng minh của Israel, bằng cách đánh chặn hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong không phận nước này mà Iran bắn vào Israel.

Người dân kiểm tra mảnh vỡ của tên lửa Iran rơi xuống lãnh thổ Jordan hôm 13-4. Ảnh: Getty Images

Jordan coi hành động chống lại Iran là động thái cần thiết để “đảm bảo” sự an toàn cho công dân Jordan, chứ không phải bảo vệ Israel.

Giới chức Israel ám chỉ rằng các quốc gia Arab khác cũng giúp đỡ, bằng cách mở không phận cho máy bay chiến đấu hoặc cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ phát hiện sớm. Một quan chức phương Tây cho biết Saudi Arabia đã hỗ trợ trong đêm Iran phóng hàng trăm tên lửa và UAV sang Israel.

Tuy nhiên, chỉ có Jordan công khai thừa nhận. “Đó không phải là ủng hộ Israel. Đó là một cách để ngăn chặn sự leo thang. Không ai được hưởng lợi, đặc biệt là Jordan, từ sự leo thang chiến sự bên ngoài Gaza”, Marwan Muasher, cựu Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Jordan, nói về hành động của nước này.

Đối với Jordan, cân bằng là việc làm đặc biệt khó khăn. Vương quốc này có chung đường biên giới với Israel và là bên quản lý nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem, nơi cần có sự hợp tác thường xuyên với giới chức của Nhà nước Do Thái. Amman cũng lo ngại rằng cuộc chiến chống Hamas của Tel Aviv lan qua biên giới nước này. Nhưng cách phản ứng của Jordan trước đòn tấn công của Iran vừa rồi đã bị chính người dân trong nước cực lực lên án, vì họ không chấp nhận việc Amman bảo vệ lợi ích của Israel. 

Hơn 2/3 dân số Jordan hiện nay là người gốc Palestine, với những người Palestine đầu tiên đến đây đã chạy trốn hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa sau khi Israel được thành lập vào năm 1948. Jordan đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel vào năm 1994.

Jordan cũng có quan hệ ngoại giao với Iran, mặc dù mối quan hệ này rất lạnh nhạt. Căng thẳng càng được nhấn mạnh khi Iran dọa rằng Jordan sẽ trở thành “mục tiêu tiếp theo” nếu nước này hợp tác với Israel.

Trong khi đó, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, hai cường quốc ở vùng Vịnh, đều dè chừng trước Iran. Hai nước này từ lâu coi Tehran là “tác nhân xấu” và thế lực thù địch ở sân sau của họ. Dù vậy, cả hai cũng muốn hạ nhiệt căng thẳng trên khắp khu vực trong những năm gần đây, bao gồm nỗ lực cải thiện quan hệ với Iran. Saudi Arabia đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian vào năm 2023.

Song song đó, UAE và Saudi Arabia cũng đang xích lại gần hơn với Israel. UAE đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 và Saudi Arabia đang tiệm cận một thỏa thuận tương tự do Mỹ hậu thuẫn trước khi xung đột nổ ra ở Gaza.

Tổng thống Mỹ khẳng định không muốn xung đột lan rộng ở Trung Đông

Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ muốn ngăn chặn xung đột ở Trung Đông lan rộng, nhưng cam kết sẽ bảo vệ Israel sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào đồng minh chủ chốt của Washington.

Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của Israel. Ông Biden cũng đề cập đến những người vẫn bị lực lượng Hamas ở Dải Gaza bắt giữ và khẳng định: “Chúng tôi cam kết thúc đẩy ngừng bắn để giải thoát các con tin và ngăn chặn xung đột lan rộng”. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhắc lại cam kết đảm bảo an toàn cho các nhân viên và đối tác của Washington trong khu vực, trong đó có Iraq.

HẠNH NGUYÊN (Theo Financial Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết