26/05/2011 - 09:05

Cá tra và tôm sú Việt Nam ra thế giới như thế nào?

HUỲNH KIM (thực hiện)

 

Tại hội thảo “Hiện trạng sản xuất cá tra và tôm sú ở ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Stirling (Scotland) tổ chức ở Cần Thơ ngày 20-5, chúng tôi đã phỏng vấn GS.TS DAVID LITTLE ở Viện Thủy sản Đại học Stirling – Chủ nhiệm dự án SEAT (Sustaining Ethical Aquaculture Trade – Nuôi trồng thủy sản bền vững theo chuẩn thương mại), xoay quanh việc SEAT được thực hiện tại Việt Nam...

Mục tiêu của SEAT là gì, thưa Giáo sư?

- Mục tiêu cụ thể là giúp nâng cao sản xuất và thương mại của nghề nuôi thủy sản ở Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam đối với tôm càng xanh, tôm sú, cá tra, cá rô phi. Mục tiêu lâu dài là để duy trì sự phát triển của nghề nuôi thủy sản ở bốn nước này đồng thời bảo đảm tính hài hòa của thị trường này giữa châu Á và châu Âu trong sự phát triển bền vững.

* Dự án nhìn nhận sản xuất cá tra và tôm sú ở ĐBSCL hiện đang ra sao?

- Dự án đã đi được nửa chặng đường về mặt thời gian (2009 - 2013) còn công việc của chúng tôi thì chưa được phân nửa. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu một cách tổng quát về 4 đối tượng này ở 4 quốc gia, riêng Việt Nam thì tập trung ở hai con là tôm sú và cá tra thông qua việc chọn mẫu điều tra để đánh giá. Hiện nay, chúng tôi đã thu thập xong số liệu và đang tập trung phân tích để có đánh giá chính xác về thực trạng của nghề nuôi cá tra và tôm sú ở ĐBSCL. Đây là nghề có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhiều người dân ở ĐBSCL.

Cá tra phát triển rất nhanh, tôm sú phát triển chậm hơn. Hiện nay cá tra đang có thị trường rất lớn trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Cá tra đang được nuôi ở một số vùng ở ĐBSCL, tức là diện tích không rộng như nuôi tôm sú và nghề nuôi cá tra đang thay đổi rất đáng ghi nhận. Vấn đề đặt ra là cá tra đang được nuôi với nhiều qui mô khác nhau, từ nhỏ tới lớn. Tình hình cho thấy những người nuôi nhỏ, đặc biệt dưới 0,5 ha đang gặp nhiều khó khăn và nhiều người đã ngừng sản xuất. Họ gặp khó về vay vốn, giá cả biến động, nhiều lúc thấp và vật tư đầu vào ngày càng tăng. Họ chưa biết phải làm gì, có thể sẽ nuôi cá khác hoặc sẽ làm thuê cho các chủ nuôi cá tra lớn. Nếu tới đây có thay đổi về thị trường, về kỹ thuật nuôi thì có thể nhóm này sẽ quay lại nuôi cá tra.

GS David Little tại hội thảo ngày 20-5-2011.  Ảnh: THẾ DIỄN 

Với tôm thì có khác. Tôm đang được nuôi với nhiều cách, từ quảng canh đến thâm canh. Vấn đề lớn nhất xảy là từ năm ngoái đến nay là dịch bệnh, đang trở thành một thách thức lớn đối với người nuôi tôm. Hội thảo này là để ghi nhận ý kiến của người nuôi và nhiều đối tượng khác trong chuỗi sản xuất xem họ cần gì để qua đó chúng tôi có thể hoạch định hướng phát triển cho nghề nuôi tôm. Chúng tôi cần 2-3 tháng nữa để xử lý hết số liệu thu thập. Chúng tôi sẽ tích cực làm việc tiếp với Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ để có thể đưa ra những thông tin chính xác làm cơ sở cho những khuyến nghị của chúng tôi.

* Tại hội thảo, ban tổ chức đã chiếu phim điều tra của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) - cho rằng nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa bảo đảm môi trường. Giáo sư có bình luận gì về phim này?

- Qua phim chiếu trên đài truyền hình Đức về nghề cá tra của Việt Nam cách đây khoảng hai tháng do các điều tra viên của WWF thực hiện mà chúng tôi cũng vừa chiếu trong hội thảo này, cũng như qua thông tin mà chúng tôi trình bày tại hội thảo, tôi nghĩ rằng người nông dân Việt Nam cần phải hiểu người tiêu dùng châu Âu họ nhìn nhận về sản phẩm thủy sản của Việt Nam như thế nào, đặc biệt là đối với cá tra. Trong phim có nhiều hình ảnh không trung thực, nhưng tôi nghĩ trong cuộc sống thường có những vấn đề như thế, có những ý kiến ngược lại với những cái mà người Việt Nam đang làm. Cho nên chúng tôi phải tìm cách để có thể chứng minh cho những điều không đúng ấy bằng cách dựa vào những số liệu điều tra của mình để đưa ra những nhận xét chính xác hơn, những số liệu đó phải có cơ sở khoa học hơn.

* Nhưng rồi họ cũng đã từng thông báo rằng WWF loại cá tra ra khỏi danh sách tiêu dùng ở châu Âu dù sau đó đã rút lại ý kiến này?

- Vấn đề là do cách điều hành của WWF. Trước đây tôi cũng có tham gia với WWF của Mỹ và WWF Việt Nam, tổ chức một chương trình đối thoại về cá tra ở Việt Nam. Chúng tôi đã có khoảng ba năm để thảo luận về vấn đề nuôi cá tra. Tuy nhiên WWF của châu Âu thì lại có cách làm rất lạ và khác thường, không dựa vào cơ sở đó và đã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách cấm tiêu dùng ở châu Âu. Đây là cách làm khác nhau giữa các nhóm WWF này với nhóm khác vì mục đích khác nhau.

* Giáo sư thấy cá tra và tôm sú Việt Nam đang như thế nào ở thị trường châu Âu?

- Cá tra vào thị trường châu Âu đang ổn định trong 3 năm qua, khoảng 220.000 tấn/năm. Riêng Việt Nam thì thị trường đa dạng vì đang mở thêm nhiều thị trường mới. Người tiêu dùng châu Âu đang tiêu thụ mạnh sản phẩm cá tra Việt Nam so với cá tuyết truyền thống của họ. Với tôm thì Việt Nam vẫn giữ nghề nuôi tôm sú xuất khẩu là chính trong khi các nước đang chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng cho nên áp lực về cạnh tranh giá đang xảy ra. Người khá giả mới ăn tôm sú vì giá khá cao. Tôi dự đoán khả năng thị trường châu Âu sẽ giảm tiêu thụ tôm sú mà tăng tiêu thụ cá tra.

* Trở lại với SEAT, làm sao để đạt được mục tiêu hài hòa giữa hai thị trường Á- Âu trong thương mại thủy sản?

- Dự án có 14 thành viên thuộc các quốc gia châu Á và châu Âu. Chúng tôi đóng góp vào mục tiêu hài hòa này bằng hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm. Hiện nay có nhiều hệ thống chứng nhận và mỗi nhóm có yêu cầu khác nhau. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc tối đa để làm sao hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm của mình đạt được. Qua kết quả nghiên cứu của dự án SEAT ở ĐBSCL, chúng tôi sẽ đề xuất được những điều chỉnh, những chỉ số hay những tiêu chí phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Từ đó góp phần vào sự hài hòa thương mại Á – Âu trong nghề này.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ bài viết