04/06/2021 - 08:00

Ca mổ thay đổi số phận! 

Một tuần sau ca mổ, chị Nguyễn Thị Chúc Ly (38 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã tập những bước chân đầu tiên trên đôi chân của mình với sự trợ lực của xe tập đi. Theo BS CKII Trần Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng, Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ (phẫu thuật viên chính đã thực hiện ca mổ), nếu bệnh nhân kiên trì tập luyện từng bước, trong vòng 3-6 tháng, có thể đi lại bình thường.

Chị Chúc Ly tập đi những bước chân đầu tiên sau hơn 30 năm tật nguyền.

Chị Chúc Ly kể với bác sĩ về tai nạn gặp phải ở tuổi ấu thơ và nỗi mặc cảm, tự ti hơn 30 năm qua. Lúc 3 tuổi, trong lần theo cha mẹ đi bán khoai lang, nước mắm dọc các kênh rạch miền Tây. Sợ con gái nhỏ bò loay hoay rớt xuống sông, cha mẹ lấy dây buộc một chân Ly vào cột chèo. Không may đêm về chân Ly sưng đỏ, viêm đau. Gia cảnh khó khăn, cha mẹ Ly chỉ bế con đến các thầy bó thuốc nam. Ngày càng lớn, chân Chúc Ly biến dạng, bên chân phải đầu xương đùi nhô ra như cù chỏ, khiến bước đi lệch lạc, dáng người nghiêng ngả. Cuộc mưu sinh khó nhọc, Ly tự nhủ, số phận của đời mình đã định. Khó khăn trong sinh hoạt, ngồi xuống đứng lên và cả những cơn đau âm ỉ, thường xuyên bộc phát từ vết thương cũ khiến chị đau đớn, nhiều đêm mất ngủ. Những lúc đau, chị ước ao phải chi đừng mang bệnh tật!

Mặc dù tật nguyền nhưng Ly luôn cố gắng chăm chỉ làm việc. Chị học nghề uốn tóc, làm móng, mở cửa tiệm nhỏ trước nhà. Khoảng 3 năm trước, trong lúc đang cắt tóc cho khách, Ly nghe chuyện một người bạn hàng xóm cũng tàn tật như mình, được BS Trần Anh Dũng ở BV Ða khoa TP Cần Thơ mổ và đã đi lại được. Ly nhờ mẹ chở đi Cần Thơ tìm BS Dũng. Qua thăm khám, BS Dũng tư vấn chân Ly có thể mổ, với chi phí dự trù khoảng 30 triệu đồng.  

Ly kể, tấm phim chụp xương chân với dặn dò của bác sĩ, “thu xếp trở lại nhập viện mổ thay khớp háng” là ngọn lửa thắp lên niềm tin trong Ly, về một ngày sẽ đi lại vững chải trên đôi chân của mình, thoát đời tật nguyền. Hy vọng đó đã tiếp thêm nghị lực cho Ly. Sau một ngày nỗ lực làm việc, Ly lại nhẩm tính số tiền mình kiếm được và mong sớm đến ngày trở lại Cần Thơ. Hỏi Ly sao không vay mượn để có viện phí đi mổ trước rồi về làm trả sau, Ly thiệt thà: “Nghe bác sĩ nói nôn lắm, cũng tính mượn tiền. Nhưng nghĩ lại, nhà mình nghèo, cha mẹ già, con nhỏ. Mình mượn nợ đi mổ, có khi thành công, có khi thất bại, như bác sĩ đã tư vấn. Thành công thì hạnh phúc nào bằng, nhưng lỡ có gì, vừa bệnh tật, vừa nợ nần, khổ lắm!”...

Suốt 3 năm qua, Chúc Ly chăm chỉ làm việc để mong đủ tiền được mổ chân. Ðến giữa tháng 5-2021, có trong tay gần 40 triệu đồng, Ly cùng người thân đến BV Ða khoa TP Cần Thơ, tìm BS Anh Dũng. Khi nghe Chúc Ly kể lại câu chuyện đời mình và niềm ước mơ ấp ủ hơn 1.000 ngày qua, BS Anh Dũng thổ lộ: “Tôi không biết mình đã gieo niềm tin cho cô ấy về cơ hội đổi thay số phận sau khi khám và tư vấn phương pháp điều trị cách nay 3 năm. Tôi bất ngờ khi cô trở lại tìm và mong muốn tôi mổ cho cô. Sự chân thành và kiên quyết của bệnh nhân khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, vì tiên lượng đây là một ca mổ rất khó, khả năng xảy ra biến chứng rất cao. Cuối cùng, may là ca mổ đã thành công tốt đẹp. Hy vọng với sự kiên trì tập luyện, cô ấy sẽ sớm đi vững vàng trên đôi chân của chính mình. Ðó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao trong nghề làm bác sĩ”.

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đã được các bác sĩ BV Ða khoa TP Cần Thơ triển khai từ lâu. Tuy nhiên, đối với chị Ly, tình trạng gãy khớp rất phức tạp, khiến BS Anh Dũng rất trăn trở, cân nhắc trước khi thực hiện ca mổ. BS Dũng cho biết: Bệnh nhân có bệnh sử gãy khớp háng hơn 30 năm, các mốc giải phẫu đều thay đổi. Hướng phát triển của xương bị lệch, khớp háng không đảm nhiệm được chức năng chính. Ổ xương gãy trên 6 tháng không liền xương sẽ tạo thành khớp giả làm người bệnh đau đớn và không đi lại bình thường. Việc điều trị gãy xương nhằm phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy, từ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy, không để lại các di chứng.

BS Anh Dũng và đồng nghiệp phân tích các yếu tố trên, thấy rằng phẫu thuật viên không thể áp dụng kỹ thuật thay khớp như đối với bệnh nhân thông thường. Mỗi động tác kỹ thuật mổ phải thật cẩn thận. Bác sĩ mổ phải cân nhắc từng yếu tố hướng xoay trục khớp, nắn lại xương, tái tạo khớp, bóc tách cân bằng các bó cơ để đưa khớp về vị trí ban đầu. Mỗi tính toán bị lệch đều ảnh hưởng đến kết quả hồi phục sau này của bệnh nhân. Thêm vào đó, sau phẫu thuật bệnh nhân cần nhiều thời gian tự luyện tập để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Ca mổ thay khớp háng cho chị Chúc Ly thành công không chỉ chữa lành khiếm khuyết của cơ thể tật nguyền, mà còn góp phần đổi thay số phận một đời người. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG    

Chia sẻ bài viết