15/06/2011 - 10:24

Phòng, chống sốt xuất huyết mùa mưa

Cả cộng đồng cùng hợp sức

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2011, cả nước có trên 13.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bệnh hiện đang diễn biến phức tạp, không theo quy luật và gia tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam. Riêng tại TP Cần Thơ, theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, tính đến ngày 9-6-2011, toàn thành phố ghi nhận 238 ca mắc SXH, so với cùng kỳ năm 2010 chỉ giảm 23 ca và xếp thứ 17 trong 20 tỉnh, thành phía Nam. Trong số 238 ca SXH, có khoảng 30% ca nặng độ III, độ IV.

* Tỷ lệ sốc do SXH tăng

 Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Những quận, huyện trên địa bàn thành phố có số ca mắc SXH nhiều nhất hiện nay là Ninh Kiều, Ô Môn, Thới Lai va Bình Thủy. Đến thời điểm này chưa có ca tử vong do SXH, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo, vào mùa mưa do độ ẩm cao, muỗi sinh sôi phát triển nhiều, từ đó bệnh SXH cũng có nguy cơ bùng phát. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể trở nặng bất ngờ, nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Năm 2010, trong số 975 ca mắc SXH đã có 4 trường hợp tử vong.

Theo TS.BS Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, 5 tháng đầu 2011, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị 286 trường hợp trẻ em mắc SXH. Dù tỷ lệ bệnh nhi mắc SXH năm nay đã giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ sốc vẫn còn ở mức cao (chiếm hơn 38%), tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2010. Lý giải vì sao mức độ nặng của bệnh gia tăng, TS.BS Lê Hoàng Sơn cho biết: “Ngoài nguyên nhân có thể do gần đây xuất hiện cùng lúc nhiều type virus SXH (trong SXH, người ta phân lập được 4 type virus Dengue gây bệnh đó là Dengue 1, 2, 3, 4, khi mắc bệnh do một type nào đó của virus Dengue sẽ miễn dịch suốt đời với type Dengue đó nhưng không miễn dịch với các type Dengue khác). Vì vậy, một người có thể bị mắc SXH vài lần và có thể bị nặng hơn lần trước; hoặc do người dân chủ quan, ít quan tâm đến phòng bệnh, tự ý điều trị tại nhà không đúng cách, không biết theo dõi những dấu hiệu tiền sốc dẫn đến phát hiện bệnh trễ,...”.

* Phòng bệnh từ những việc đơn giản

Ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ trong vài tuần gần đây cho thấy số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng, điển hình là tuần thứ 2 trong tháng 5, từ 4 ca đã tăng vọt lên 12 ca trong tuần cuối của tháng. Trước tình hình bệnh SXH có chiều hướng diễn biến phức tạp và khả năng tăng nhanh trong mùa mưa, TS.BS Lê Hoàng Sơn khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao quá 1-2 ngày nên nghĩ ngay đến bệnh SXH và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, làm những xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh sớm.

Những trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú, thường các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc Paracetamol để hạ sốt, liều lượng 10-15mg/kg/lần. Ngoài ra, dùng nước ấm lau mình trẻ cũng giúp giảm sốt, tránh để sốt cao co giật. Khi sốt cao, trẻ thường dễ bị mất nước, vì vậy, cha mẹ nên chú ý cho trẻ uống dung dịch bù nước (như nước sôi để nguội, nước cam, chanh, nước dừa, sữa), khuyến khích ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu của bệnh, nếu trẻ hết sốt nhưng lại có biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, tay chân lạnh, đau bụng, bứt rứt, ói mửa nhiều hoặc xuất huyết bất thường như ói ra máu, tiêu tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... thì đây là những dấu hiệu trẻ rơi vào tình trạng bệnh nặng, sắp sốc, trụy tim mạch, cần phải đưa trẻ nhập viện ngay để được theo dõi, điều trị tích cực. Sai lầm của một số phụ huynh là thường hay chủ quan, lơ là khi thấy trẻ hết sốt, hoặc tự ý điều trị bằng những phương pháp dân gian nguy hiểm như cạo gió, cắt lể, điều này có thể gây xuất huyết nhiễm trùng cho trẻ. Nếu để trẻ nhập viện quá trễ, tình trạng sốc nặng sẽ khó cứu chữa, và nguy cơ tử vong đối với trẻ rất cao.

Hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ mắc SXH, biện pháp tốt nhất vẫn là phòng bệnh bắt đầu từ những việc đơn giản như: diệt muỗi, diệt lăng quăng, giảm mật độ muỗi để muỗi không có cơ hội sinh sản nhiều và truyền bệnh. Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các hộ dân cần tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, thường xuyên cọ rửa lu khạp, diệt muỗi và lăng quăng, nước sử dụng hàng ngày trong lu nên đậy kín nắp, thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước để cá ăn lăng quăng, dẹp bỏ các vật dụng đọng nước xung quanh nhà, tránh để trẻ bị muỗi đốt bằng cách cho trẻ ngủ mùng cả đêm lẫn ngày, mặc áo dài tay... Bên cạnh đó, khi phát hiện ổ dịch SXH cần báo ngay cho cơ quan chức năng, trạm y tế xuống xử lý và hướng dẫn người dân cách phòng ngừa.

Để công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của ngành y tế mà cần có sự phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền, đoàn thể, trong đó quan trọng nhất là sự chung tay của cả cộng đồng, mọi người, mọi nhà cùng tham gia.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết