13/03/2013 - 21:02

Thị trường phân bón

Bước vào vụ sản xuất, giá lại tăng

Người dân mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng,
TP Cần Thơ.
 

Sau một thời gian bình ổn, hiện giá một số loại phân bón có dấu hiệu nhích lên khi nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2013. Tuy nhiên, nguồn cung các loại phân bón trên thị trường đang khá dồi  dào, nhiều khả năng cho thấy giá phân bón sẽ khó tăng mạnh thêm...

Phân bón có dấu hiệu bị “làm giá”

Hiện giá hầu hết các loại phân đạm (Urê) đã nhích giá lên bình quân khoảng 10.000-15.000 đồng/bao 50kg so với cách nay 1 tháng. Trong khi đó, giá bán lẻ phân nhiều loại phân bón khác như: DAP, NPK và Kali tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng tăng nhưng chỉ tăng nhẹ khoảng 5.000-10.000 đồng/bao 50kg so với trước. Cụ thể, giá phân Urê Phú Mỹ bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ từ mức 480.000 đồng/bao nay đã tăng lên 490.000-495.000 đồng/bao (tiền mặt); Đạm Cà Mau và nhiều loại phân Urê Trung Quốc giá từ 470.000 đồng/bao, nay tăng lên 480.000-485.000 đồng/bao. Giá phân bón DAP Philippines tại nhiều cửa hàng đang ở mức: 820.000 đồng/bao (tiền mặt); DAP Mỹ (loại hạt đen): 705.000-710.000 đồng/bao; các loại DAP Trung Quốc giá dao động từ 700.000-725.000 đồng/bao; giá nhiều loại phân NPK ở mức 720.000-760.000 đồng/bao… Bên cạnh giá nguyên liệu nhập khẩu và các chi phí sản xuất đầu vào tăng, thì nhu cầu tiêu thụ phân bón tại nhiều địa phương đang tăng làm cho giá phân bón trong nước nhích lên. Tuy nhiên, giá phân bón tăng dường như còn do bị “làm giá”, nhất là sự tăng giá của phân Urê ngay khi mới bước vào đầu vụ.

Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán 2013 khi nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL mới chuẩn bị xuống giống lúa hè thu 2013 thì giá Urê được nhiều đầu mối bán buôn điều chỉnh tăng, lý do đưa ra là nguồn hàng lấy từ nhà máy có hạn. Nhưng thực tế  thì nguồn cung các loại phân Urê trên thị trường khá dồi dào, không thiếu hàng. Đến nay, khi sức tiêu thụ chậm, lượng hàng dồi dào và nhiều cửa hàng bán lẻ không tiếp tục đẩy mạnh nhập hàng như hồi đầu vụ, các đầu mối trung gian cung cấp hàng có xu hướng cố giữ giá chứ không điều chỉnh tăng thêm. Ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện sức tiêu thụ các loại phân bón có tăng so với trước, nhưng tăng chậm, do vừa qua lúa và nhiều loại cây trồng bán không được giá, nhiều nông dân hạn chế sử dụng phân bón. Trong khi đó, nguồn cung các loại phân bón Urê trên thị trường đang dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu phân bón trong và ngoài nước nên giá Urê và một số loại phân bón khác sau khi tăng nhẹ giờ khó tăng thêm nữa”…

Gần đây, năng lực sản xuất các loại phân bón của các doanh nghiệp trong nước được tăng cường, lượng phân Urê sản xuất ra được đánh giá là đảm bảo khá khá tốt nhu cầu tiêu thụ ở nội địa. Hiện các loại phân Urê  nhập ngoại được bày bán và tiêu thụ tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp tại ĐBSCL không còn chiếm thị phần chủ yếu như trước đây mà đã nhường chỗ cho các loại phân Đạm và Urê sản xuất trong nước như: Urê Phú Mỹ, Urê Ninh Bình, Đạm Cà Mau… Điều này cho thấy, giá phân bón Urê trong nước đã không còn phụ thuộc nhiều vào sự tăng giảm của giá Urê trên thế giới. Thế mà giá phân Urê trong nước lại thiếu sự ổn định so với nhiều loại phân bón khác thì quả là chuyện đáng suy ngẫm!

Cần giải pháp ổn định thị trường

Phân bón thường tăng giá vào vụ sản xuất đã xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng điều đáng bàn là tình trạng này vẫn tiếp diễn khi năng lực sản xuất cùng các kênh phân phối phân bón trong nước đã tăng cường. Rõ ràng, thị trường phân bón trong nước còn tiềm ẩn các yếu tố bất ổn cần được “mổ xẻ” để giải quyết tận gốc vấn đề. Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: “Hiện đa số các cửa hàng bán lẻ phân bón không có điều kiện mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất phân bón mà phải mua qua các đầu mối trung gian. Bởi muốn mua hàng trực tiếp từ nhà máy thường phải mua với số lượng rất lớn, đòi hỏi có nhiều vốn, trong khi nguồn vốn kinh doanh của cửa hàng hạn chế. Chính vì vậy, nhiều lúc dù biết giá phân bón bị các đầu mối trung gian đẩy lên cao, nhưng để có hàng cung ứng kịp thời cho khách, các cửa hàng bán lẻ đành chấp nhận. Mua giá cao thì bán lại giá cao, chỉ thấy tội và thiệt thòi cho người nông dân”.

Thời gian qua, nông dân rất bức xúc khi giá phân bón ngày càng cao và thường xuyên biến động tăng mạnh vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin thị trường, đa số nông dân không có điều kiện chủ động mua phân bón dự trữ lúc giá rẻ mà chỉ mua khi cần dùng tới; thậm chí chấp nhận mua giá cao để được cửa hàng cho thiếu tiền đến cuối vụ lúa mới trả. Ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Nông dân sản xuất nông nghiệp chịu nhiều thiệt thòi, chúng tôi chỉ mong Nhà nước có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc bình ổn giá cả và quản lý tốt chất lượng các loại phân bón trên thị trường để nông dân an tâm sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân giảm bớt các khâu trung gian trong việc mua vật tư nông nghiệp đầu vào và giá phải hợp lý, chất lượng đảm bảo”. Thực tế cho thấy, nếu nhân rộng được mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với uy tín, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất cho nông dân sẽ giải quyết được nhiều bất cập của thị trường phân bón hiện nay.

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối phân bón trong nước còn kinh doanh, buôn bán hàng theo kiểu “mua đứt bán đoạn” qua trung gian, nên phân phối đến nông dân sản xuất thì giá cả, chất lượng chưa đảm bảo tốt. Dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, nhưng lực lượng mỏng và còn thiếu các trang thiết bị cần thiết nên việc quản lý giá cả và chất lượng các loại phân bón chưa được tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt lâu dài, Chính phủ cần ban hành quy định phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cần quản lý chặt chẽ và có các điều kiện ràng buộc nhằm đảm bảo lợi ích cho người sử dụng và bảo vệ môi trường. Bởi hiện nhiều doanh nghiệp “mang tiếng” nhà sản xuất phân bón, nhưng thực chất chỉ làm các khâu rất đơn giản là đi nhập hàng xá hoặc nguyên liệu từ nước ngoài về phối trộn lại rồi đóng bao sản phẩm đem bán ra thị trường trong nước.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết