15/12/2023 - 23:59

Bước chuyển mới trong xây dựng chính quyền điện tử 

Xây dựng chính quyền điện tử là bước đệm hướng đến chính quyền số thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Tại TP Cần Thơ, công tác này được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. Ðồng thời, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai đến tất cả phòng, ban chuyên môn và 11 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh. Trong ảnh: Công chức Bộ phận Một cửa UBND huyện Vĩnh Thạnh, tiếp nhận và xử lý hồ sơ của công dân trên phần mềm.

Nhằm hiện đại hóa nền hành chính, các cấp, các ngành TP Cần Thơ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Ðến nay, 500 cơ quan, đơn vị triển khai sử dụng Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, qua đó tỷ lệ văn bản gửi và nhận liên thông đạt 98% (trong đó cấp thành phố và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 94%). Số văn bản điện tử, hồ sơ công việc có ký số đạt tỷ lệ 98%. Trong năm 2023, thành phố cũng đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số (CÐS) như: đồng bộ dữ liệu công chức, viên chức (CCVC) lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về CCVC; xây dựng Cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; triển khai trợ lý ảo cho Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và phần mềm quản lý thư viện (MyLib) đến các thư viện cấp huyện. Các hệ thống dùng chung gồm: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã; hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp; hệ thống thông tin giải quyết TTHC cho người dân, DN được nâng cấp, với nhiều tiện ích thiết thực.

Các sở, ban, ngành cũng có nhiều sáng kiến trong thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) là đơn vị duy nhất của thành phố tổ chức thành công cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, điều hành của CCVC từ năm 2022 đến nay. Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH thành phố, năm 2023, cuộc thi có 69 CCVC tham dự, trong đó khối phòng chuyên môn có 32 thí sinh, khối đơn vị trực thuộc có 37 thí sinh. Ðặc biệt, đối với thí sinh là lãnh đạo đơn vị có nội dung ký số và đính kèm file đã ký, có ghi nội dung chuyển ban hành, chuyển văn thư ban hành đúng thao tác. Cuộc thi góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về CÐS cho CCVC; đồng thời là cơ sở đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của CCVC, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa năng lực của CCVC để thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ có 9 sáng kiến trong cải cách hành chính, trong đó tập trung CÐS, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN. Tiêu biểu như: ứng dụng quét mã QR truy cập các TTHC về du lịch trên Cổng Dịch vụ công thành phố, ứng dụng khảo sát trực tuyến thông tin chi tiêu của khách du lịch; tạo nhóm Zalo với người dân, tổ chức tư vấn, hướng dẫn thực hiện TTHC… Theo ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch trên nền tảng số, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quảng bá và các khâu trong thực hiện TTHC, pháp lý. Trung tâm đang quản lý và vận hành Cổng thông tin điện tử du lịch TP Cần Thơ, với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Nhật; bình quân mỗi ngày, Cổng có 4.100 lượt truy cập. Hay như ứng dụng (app) “Cantho Tourism” trên điện thoại thông minh, có tính năng tích hợp bản đồ số, phản ánh thông tin (cùng hình ảnh, vị trí), tạo tour, lịch trình cá nhân hóa, hướng dẫn viên điện tử... mang đến nhiều tiện ích cho người dân.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử đạt nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của huyện đã triển khai đến tất cả phòng, ban chuyên môn và 11 xã, thị trấn của huyện; lắp đặt đường truyền internet (có wifi) đến 56/56 nhà văn hóa ấp và khu vực quảng trường UBND huyện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác nghiệp vụ, quản lý và điều hành trên môi trường số. Ðến nay, tất cả các tổ chức, cá nhân lãnh đạo và công chức Bộ phận Một cửa trên địa bàn huyện đều được cấp chữ ký số cá nhân theo quy định. Ðối với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, địa phương đã thực hiện xong việc đánh giá nội bộ và tổ chức công bố lại hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9001:2015 đúng quy định. Có 105 TTHC cấp huyện và 30 TTHC cấp xã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 159 TTHC cấp huyện và 112 TTHC cấp xã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố đạt 51,49%.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập 607 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 2.417 thành viên tham gia. Các Tổ Công nghệ số cộng đồng tập trung tuyên truyền người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh số hóa nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Ðồng thời, triển khai thiết lập mạng lưới hạ tầng hỗ trợ Tổ Công nghệ số cộng đồng từ cấp thành phố đến người dân thông qua 5 cấp nhóm trên nền tảng Zalo. Theo đó, cấp 1 gồm các sở, ngành thành phố; cấp 2 gồm các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CÐS cấp huyện; cấp 3 là các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CÐS cấp xã; cấp 4 là cấp Tổ Công nghệ số cộng đồng; cấp 5 là cấp giữa thành viên Tổ Công nghệ cộng đồng kết nối với khoảng 30 hộ gia đình. Ðây là nền tảng tương tác giữa chính quyền các cấp với người dân, nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hướng đến sự hài lòng của người dân.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết