04/08/2019 - 17:29

Brexit không thỏa thuận ngày càng gần 

Tờ Sunday Telegraph số ra ngày 4-8 dẫn lời Dominic Cummings, cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Boris Johnson, trấn an các bộ trưởng rằng trong trường hợp Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ để ngăn Brexit không thỏa thuận và thành công, ông Johnson sẽ lập tức kêu gọi tổng tuyển cử sớm ngay sau ngày 31-10, thời điểm mà theo kế hoạch Anh phải rời Liên minh châu Âu (EU).

Đồng bảng Anh (trái) được dự báo sẽ giảm giá mạnh so với USD nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Getty Images

Đồng bảng Anh (trái) được dự báo sẽ giảm giá mạnh so với USD nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Getty Images

Cựu Ngoại trưởng Johnson trở thành Thủ tướng ngày 24-7 với cam kết đưa Anh rời EU vào đúng ngày 31-10 dù có đạt được thỏa thuận với Brussels hay không. Bất lợi của ông Johnson là hiện đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ còn đa số mỏng manh 1 ghế tại Hạ viện sau khi mất một ghế trong cuộc bầu cử bổ sung ở xứ Wales hôm 2-8. Trong khi đó, một số nghị sĩ Bảo thủ cũng đánh tiếng sẽ bỏ phiếu chống lại ông để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Quốc hội Anh hiện trong kỳ nghỉ và sẽ làm việc trở lại vào đầu tháng 9.

Người tiền nhiệm của Thủ tướng Johnson là bà Theresa May từng ký một thỏa thuận với EU nhưng bị Quốc hội Anh 3 lần bác bỏ khiến bà phải từ chức. Trong thỏa thuận này các nghị sĩ không hài lòng với “kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland”, hay còn gọi là điều khoản “rào chắn” nhằm cho phép duy trì đường biên giới mở giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh. Những người phản đối cho rằng điều đó sẽ ràng buộc nước Anh với EU vô thời hạn.

Sở dĩ Thủ tướng Johnson mạnh miệng tuyên bố sẵn sàng bầu cử sớm là vì theo thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ đã tăng khá mạnh sau khi ông trở thành chủ nhân nhà số 10 Phố Downing. Cụ thể, kết quả 4 cuộc thăm dò riêng rẽ hồi cuối tháng 7 đều cho thấy đảng Bảo thủ dẫn trước Công đảng đối lập, trong đó cách biệt trong thăm dò của YouGov lên tới 10 điểm (Bảo thủ 31%, Công đảng 21%).

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier vừa lên tiếng bác yêu cầu của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc loại bỏ điều khoản “rào chắn” ra khỏi thỏa thuận. Lập trường của Brussels là kế hoạch dự phòng này không thể thiếu nhằm đảm bảo không tái lập một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Đây là đường biên giới trên bộ duy nhất giữa EU và Anh.

Liên quan vấn đề này, trong bài viết đăng trên tờ Mail số ra ngày 4-8, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay hối thúc các nhà lãnh đạo EU thay đổi nhiệm vụ của ông Barnier để hai  bên có thể thương lượng lại, nếu không Brexit không thỏa thuận sẽ đến. Theo Bộ trưởng Barclay, tình hình chính trị đã thay đổi kể từ khi những chỉ thị cho ông Barnier được đưa ra, với 61% thành viên Nghị viện châu Âu hiện là những nhân vật mới (được bầu hồi tháng 5) nên cần có cách tiếp cận khác. Đến nay, lãnh đạo EU vẫn khẳng định thỏa thuận đã ký với bà May là tốt nhất và từ chối đàm phán lại.

Trước tình hình như vậy, Luân Đôn đang từng bước chuẩn bị cho kịch bản “Brexit cứng” như công bố gói ngân sách trị giá 2,1 tỉ bảng hỗ trợ tiến trình này. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đã khiến đồng bảng rớt giá mạnh, đang ở mức thấp nhất trong 30 tháng qua so với USD. Thăm dò đối với 13 nhà băng lớn cho thấy khả năng Brexit không thỏa thuận hiện lên tới 30%, cao hơn 3 lần so với hồi tháng 2. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo một khi Brexit không thỏa thuận thực sự xảy ra, đồng bảng có thể xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 so với đồng bạc xanh của Mỹ với 1 bảng “ăn” chỉ 1,1 USD.

Kinh tế Anh sẽ gặp khó khăn hơn nữa bởi Brussels tuyên bố sẽ không bàn chuyện thương mại với nước này nếu Luân Đôn không thanh toán “hóa đơn ly dị” trị giá 39 tỉ bảng như tuyên bố của Thủ tướng Johnson.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết