Với những gì đang xảy ra ở Ukraine, lãnh đạo các nước thành viên nhóm Bộ tứ (Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ) nhất trí rằng xung đột tương tự không được phép xuất hiện ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Kishida trong cuộc họp trực tuyến nhóm Bộ tứ.
Theo thông báo từ Chính phủ Nhật Bản, trong một cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 3-3, Thủ tướng nước này Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi cũng như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí một số nội dung quan trọng. Cụ thể, các bên cam kết ủng hộ một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của mọi quốc gia trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung được tôn trọng, không chịu sự chèn ép về quân sự, kinh tế và chính trị. Các nhà lãnh đạo nhất trí triển khai chiến dịch hỗ trợ nhân đạo mới và một cơ chế khắc phục thảm họa, cung cấp kênh liên lạc chung khi xảy ra khủng hoảng.
Bộ tứ còn thảo luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và những tác động rộng hơn của vấn đề này. Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp, Thủ tướng Kishida cho biết ông và những nhà lãnh đạo còn lại đều đồng ý tình hình bất ổn hiện nay phản ánh tầm quan trọng của hợp tác theo cơ chế Bộ tứ, đảm bảo những quốc gia nhỏ hơn trong khu vực không phải sống trong nỗi lo sợ trước những nước lớn hơn. Tuy không đề cập trực tiếp Ðài Loan, nhưng Thủ tướng Nhật nói rõ nhóm Bộ tứ đồng lòng phản đối hành động đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Ấn Ðộ cho biết tại cuộc họp, ông Modi đã nhấn mạnh Bộ tứ cần tập trung vào mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Riêng Ðông Nam Á, Ấn Ðộ Dương và các đảo ở Thái Bình Dương, Thủ tướng Modi tái khẳng định cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Về tình hình Ukraine, ông Modi nêu rõ sự cần thiết quay trở lại con đường đối thoại và ngoại giao.
Yếu tố Ấn Độ
Ðược biết, trong số các nước thành viên Bộ tứ, chỉ có Ấn Ðộ đến nay không trực tiếp lên án việc Nga tấn công Ukraine. Nhiều người cho rằng hành động này là dễ hiểu vì họ khó có thể bỏ qua mối quan hệ ngoại giao lâu năm với Mát-xcơ-va. Thêm nữa, Nga hiện là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất của New Delhi, đặc biệt là các thiết bị như hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 giúp Ấn Ðộ đối phó Trung Quốc và Pakistan. Ngoài ra, Ấn Ðộ cũng có nhiệm vụ khó khăn là sơ tán 20.000 công dân, hầu hết là sinh viên kẹt ở Ukraine. Việc ngã theo phe nào cũng có thể gây mất an toàn cho người dân.
Theo giới quan sát, Mỹ coi Bộ tứ và mối quan hệ ngày càng tăng với Ấn Ðộ là kênh cần thiết trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trên toàn cầu. Vì vậy, trong cuộc chiến diễn ra ở Ukraine hiện nay, Washington dường như hiểu được quan điểm của người Ấn và đang phải tính toán chiến lược cân bằng tinh tế với New Delhi. Bởi bất kỳ động thái nào nhằm trừng phạt Ấn Ðộ có thể cản trở sự hợp tác trong Bộ tứ.
Nhưng giới phân tích cảnh báo không có sự đảm bảo cho việc Mỹ tiếp tục ứng xử như vậy. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Nam Á Donald Lu cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã đánh một “trận chiến” với Ấn Ðộ qua các kênh ngoại giao để thúc giục nước này thể hiện quan điểm rõ ràng phản đối hành động của Nga ở Ukraine. Ông cũng cho biết Nhà Trắng đang xem xét “rất kỹ” về việc có nên áp dụng các biện pháp trừng phạt Ấn Ðộ liên quan các giao dịch vũ khí với Nga hay không.
Ngày 3-3, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định kịch bản Ukraine sẽ không được phép tái diễn trên vùng lãnh thổ này. Chuyến thăm diễn ra một ngày sau chuyến đi khác của phái đoàn gồm các cựu quan chức an ninh Mỹ tới Đài Loan. Mục tiêu là để đảm bảo với đồng minh khu vực rằng Washington “kiên định với các cam kết của mình” đối với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Được biết, vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đã ký một tuyên bố chung đồng ý một loạt các mục tiêu chính sách đối ngoại, trong đó có việc Đài Loan là “một phần không thể xâm phạm” của đại lục.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)