03/02/2024 - 08:29

Bổ sung nguồn sinh lực mới cho Ðảng
Bài 4: Những vấn đề đặt ra 

Ðẩy mạnh công tác phát triển đảng viên (ÐV) là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng Ðảng ta ngày càng lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo thắng lợi con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc. Ðồng thời, phát triển ÐV là để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao của Ðảng, kết nối và chuyển giao thế hệ trong Ðảng, bảo đảm Ðảng ta được trường tồn. Tuy nhiên, hiện nay, công tác phát triển ÐV cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, đang gặp những khó khăn, vướng mắc, cần phải có giải pháp tháo gỡ.

Với nỗ lực của các cấp ủy đảng, 20 năm qua TP Cần Thơ có 347 quần chúng là chủ doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vào Ðảng. Trong ảnh: Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp TP Cần Thơ tổ chức bồi dưỡng nhận thức về Ðảng cho quần chúng trong doanh nghiệp.

Nỗi lo “cạn nguồn”

Hiện nay, Chi bộ 6, Ðảng bộ bộ phận khu vực 2, phường An Thới (quận Bình Thủy) có 24 ÐV, trong đó có tới 19 ÐV hưu trí, tuổi đời cao (bình quân 62 tuổi). Ông Ðặng Hữu Hưởng, Bí thư Chi bộ, cho biết: “Hơn 5 năm qua, Chi bộ chưa kết nạp được ÐV nào. Mặc dù hằng năm Nghị quyết của Chi bộ đều đặt ra chỉ tiêu kết nạp 1 ÐV nhưng rất khó thực hiện bởi không tạo được nguồn. Ðoàn viên, thanh niên (ÐVTN) trong độ tuổi ở lao động đi làm ở các doanh nghiệp, đi học. Nguồn kết nạp ÐV chủ yếu dựa vào những người làm công tác chi đoàn, chi hội khu vực, nhưng số lượng này không nhiều và tuổi đời đã cao”.

Theo bà Phan Ngọc Kiều, Bí thư Ðảng ủy phường An Thới, thời gian qua và hiện tại, ÐVTN, lao động trẻ đi làm công nhân, làm thuê khắp nơi nên “cạn” nguồn phát triển ÐV. Phường có 5 đảng bộ bộ phận khu vực (25 chi bộ) ở 5 khu vực dân cư thì đều rất khó kết nạp ÐV; một số chi bộ đã nhiều năm nay không kết nạp được ÐV. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ðảng bộ phường kết nạp được 50 ÐV, trong đó chỉ có 9 ÐV ở các địa bàn dân cư.

Ở nhiều địa phương khác, Thường trực các cấp ủy đảng cho biết nguyên nhân nguồn phát triển ÐV ở địa bàn dân cư rất hạn chế, do hầu hết lực lượng thanh niên được đào tạo bài bản đều thoát ly khỏi địa phương để làm ăn; phần lớn thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đã vào học ở các trường đại học, cao đẳng; sinh viên tốt nghiệp ra trường phần lớn bám trụ ở các thành phố lớn lập nghiệp; thanh niên sinh sống ở địa bàn dân cư trình độ, năng lực hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể, không thiết tha, thậm chí không muốn vào Ðảng.

Tình trạng “nhạt Ðảng, khô Ðoàn, xa rời chính trị”

Hiện nay, bên cạnh nhiều ÐVTN luôn nỗ lực, phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Ðảng để cống hiến tài năng, sức trẻ cho quê hương thì cũng có không ít ÐVTN thờ ơ, không tha thiết vào Ðảng. Tình trạng ÐVTN “ngại” vào Ðảng đang là một thực tế nhiều trăn trở, bởi về lâu dài Ðảng sẽ thiếu đi một nguồn nhân lực chất lượng, đội ngũ kế cận hùng hậu.

Em Nguyễn Văn Nam, học sinh Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), chia sẻ: “Mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp sẽ vào đại học, khi ra trường sẽ xin vào làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, em cố gắng học tập thật tốt để sau này xin việc được dễ dàng, còn phấn đấu trở thành ÐV là điều em chưa nghĩ đến”. Theo ông Phạm Thành Mật, Phó Bí thư Ðảng ủy Trường Ðại học Tây Ðô, hiện nay, một bộ phận SV sống thực dụng, dao động, bốc đồng, tiếp thu thông tin ít chọn lọc, nhẹ dạ, cả tin, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động nên không có chí hướng phấn đấu vào Ðảng… Ðây là hiện tượng “nhạt Ðảng”, “khô Ðoàn” không chỉ ở một bộ phận SV của Trường Ðại học Tây Ðô, mà còn ở nhiều cơ sở đào tạo khác.

Tình trạng “nhạt Ðảng, khô Ðoàn, xa rời chính trị” cũng biểu hiện rất rõ ở ÐVTN khu vực dân cư. Chị Huỳnh Thị Kim Ngân, Bí thư Ðoàn phường Thuận An, quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Hiện nay, một bộ phận ÐVTN không chịu phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Nguyên nhân là do ÐVTN chỉ tập trung làm kinh tế gia đình. Chính vì vậy, có những chi đoàn khu vực hằng năm không giới thiệu được đoàn viên ưu tú cho chi bộ xem xét, chăm bồi, kết nạp vào Ðảng”.

ĐVTN phường Tân Phú, quận Cái Răng hăng hái ra quân lao động. 

Ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hiện tượng “nhạt Ðảng, khô Ðoàn, xa rời chính trị” khá phổ biến ở cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận, doanh thu; người lao động thì chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, không quan tâm đến các vấn đề về chính trị. “Nếu công ty có tổ chức đảng và ÐV thì phải mất thời gian học tập nghị quyết, họp lệ chi bộ...” - ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng ở quận Ninh Kiều, bày tỏ quan điểm của mình.

Theo chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành Ðoàn Cần Thơ, do sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện nay, vẫn còn một bộ phận thanh niên thích sống hưởng thụ, không thích cống hiến, ngại lao động, thờ ơ với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, không mặn mà với các hoạt động Ðoàn nói riêng và các hoạt động vì cộng đồng nói chung, thậm chí là không muốn trở thành đoàn viên, không thiết tha vào Ðảng. Ðây chính là những biểu hiện của tình trạng “nhạt Ðảng, khô Ðoàn, xa rời chính trị”.

Những rào cản khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có những rào cản khác dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển ÐV. Trong đó, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thường xuyên tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để có chí hướng phấn đấu vào Ðảng. Một số học sinh, sinh viên có ý định đi du học; có suy nghĩ học tập, làm việc, thăng tiến ở môi trường nước ngoài; có tâm lý khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc cho công ty tư nhân, công ty nước ngoài… không mặn mà hoặc không có nguyện vọng phấn đấu vào Ðảng.

 Phát biểu tại Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ XI ngày 11-12-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chất lượng tổ chức Ðoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận cán bộ Ðoàn chưa bắt nhịp kịp thời với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức, đời sống của thanh niên. Ðây là những vấn đề đáng lo ngại, trong đó có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức Ðoàn”.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong kết nạp học sinh vào Ðảng là quy định về độ tuổi kết nạp Ðảng. Theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Ðảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Tuy nhiên, từ tháng 7, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường, do vậy các em học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ không được kết nạp vào Ðảng. Anh Nguyễn Hoài Thanh, Bí thư Ðoàn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng), cho biết: “Mỗi năm, trường có từ 10-15 học sinh được đưa đi bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, nhưng chỉ kết nạp được 3-5 học sinh vào Ðảng. Số còn lại đều chưa đủ 18 tuổi ở thời điểm xem xét kết nạp, dù các em đều là những học sinh có thành tích nổi bật”.

Mặt khác, nguồn kết nạp ÐV của các trường THPT khá dồi dào nhưng những năm qua, việc kết nạp còn khá khiêm tốn vì có nhiều lý do khác nhau. Bà Hứa Hồng Tươi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thới Lai, cho biết: Trong 5 năm qua, huyện không có học sinh được kết nạp vào Ðảng. Nguyên nhân chính là do cấp ủy các trường học chưa thực sự quan tâm phát triển ÐV là học sinh, mà thường ưu tiên nhiều hơn cho giáo viên, bởi đội ngũ giáo viên trẻ ở trường khá đông.

Ở các cơ quan, đơn vị hành chính, gần đây cũng “cạn” nguồn quần chúng để kết nạp vào Ðảng. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thương, Trưởng Ban Tổ chức Ðảng ủy Khối Cơ quan Dân Chính Ðảng TP Cần Thơ, hiện nay, nhiều cơ quan Ðảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính nhà nước đã hết nguồn quần chúng để kết nạp vào Ðảng, do việc tinh giản biên chế, không tuyển dụng mới, lực lượng hiện hữu thì đã 100% là ÐV...

Có thể nói, hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng thành phố cần phải có giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển ÐV, kịp thời bổ sung sức trẻ cho Ðảng và tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận ở cơ sở.

Còn tiếp

Bài cuối: Trách nhiệm lớn, quyết tâm cao

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết