26/02/2009 - 08:31

Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2

Blouse trắng ở những "điểm nóng"

Ở các bệnh viện, khâu cấp cứu được xem là “điểm nóng” bởi các y bác sĩ nơi đây luôn phải đương đầu với áp lực công việc, với sự căng thẳng trước lằn ranh mỏng manh giữa sống và chết. Những blouse trắng ở “điểm nóng” không chỉ đáng quí bởi tay nghề, kinh nghiệm chuyên môn mà còn bởi sự bình tĩnh, tận tụy để trụ vững ở nơi khó khăn, vất vả này.

1. 20 giờ đêm 13-2, căn phòng rộng lớn của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ, khá yên ắng. 8 bệnh nhân cấp cứu đang được theo dõi tại khoa. Bác sĩ Phan Thị Phụng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, cứ di chuyển hết từ giường bệnh này đến giường bệnh khác. Đến bên một bệnh nhân đang lăn lộn, than đau, chị Phụng vừa khom người ấn tay lên bụng bệnh nhân vừa liên tục hỏi: “Đau không?”, “Chỗ này đau không?”, “Còn chỗ này?”... Không khí tĩnh lặng không giấu nổi sự căng thẳng. Bất chợt cánh cửa phòng cấp cứu bật mở. 3 thanh niên bị tai nạn giao thông, người bê bết máu, được đưa vào. Bác sĩ Phụng liên tục ra y lệnh cấp cứu cho những trường hợp này. Vừa lúc đó, người nhà của một trường hợp bị đâm trọng thương cuống quýt hỏi to: “Phòng chụp X quang ở đâu?”. Các điều dưỡng lại bình tĩnh, tận tình hướng dẫn...

Bác sĩ Phan Thị Phụng (trái) cùng điều dưỡng đang kiểm tra sức khỏe một ca bị tai nạn giao thông. Ảnh: K.L 

Hơn 5 năm phục vụ tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ Phụng đã quen với những áp lực về chuyên môn, cũng như áp lực từ thân nhân bệnh nhân gây ra do quá nóng ruột. Bác sĩ Phụng bộc bạch: “Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài khá dửng dưng của những người thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu, thì không thể hiểu hết tấm lòng của họ. Làm việc tại khoa này, chúng tôi luôn chứng kiến những trường hợp sống- chết cách nhau trong gang tấc, nhưng không thể để cảm xúc lấn át vì công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ”. Chị Lý Hữu, Điều dưỡng Trưởng Khoa Cấp cứu, có thâm niên 30 năm phục vụ tại khoa, cũng vui vẻ góp chuyện: “Chúng tôi đang làm việc tại nơi có thể coi là “đầu sóng, ngọn gió”. Nỗi buồn, niềm vui phải được nén chặt lại để giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Từ những trường hợp ở Khoa Cấp cứu, chúng tôi nghiệm ra được một điều: con người có sức sống hết sức mãnh liệt. Do đó, cho dù chỉ còn một phần trăm hy vọng cũng không được bỏ qua”.

Chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm nhưng nhiều y, bác sĩ của Khoa Cấp cứu vẫn còn nhớ. Đó là trường hợp một bệnh nhân là thương binh nhập viện trong tình trạng viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng. Với tiên liệu bệnh nhân khó qua khỏi, người nhà nhiều lần xin về để lo hậu sự. Thế nhưng, bác sĩ Tiến (Trưởng khoa) và bác sĩ Phụng vẫn không đành lòng. Bác sĩ Phụng kể lại: “Bệnh nhân đã suy đa phủ tạng, rất nguy kịch, phải thở máy một tháng, lòi cả hai mắt. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng vì nhận thấy huyết áp bệnh nhân ổn định khi thở máy”. Chính tia hy vọng mỏng manh cùng những nỗ lực của các y, bác sĩ đã cứu sống, đưa bệnh nhân trở về với gia đình.

2. Cố gắng hết mình vì sự sống của bệnh nhân- đó cũng là điều mà tôi nhận ra nơi bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khi chị trực chiến suốt đêm để giúp một bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy kịch. Khoảng đầu tháng 2-2009, Khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Huỳnh Thanh Hiểu (ở tỉnh Hậu Giang) bị sốt xuất huyết thể não. Khi được chuyển đến bệnh viện, cháu Hiểu đã chuyển sang giai đoạn nặng, liên tục la hét, vung vẩy tay chân. Suốt đêm hôm đó, bác sĩ Thảo cứ canh suốt đêm bên giường bệnh nhi để kịp thời xử trí. Hôm tôi gặp, cháu Hiểu vẫn chưa hồi phục hẳn nhưng đã qua giai đoạn nguy hiểm. Chị Trần Mỹ Lệ, mẹ cháu Hiểu, kể: “Hai ngày qua, nó vẫn còn sốt nhưng nghe bác sĩ nói cháu đã qua giai đoạn nguy hiểm, tôi an tâm hơn”.

 Y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang tích cực hồi sức cho bệnh nhân. Ảnh: B.N 

Vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bác sĩ Bảo Ngọc còn rất trẻ, luôn nở nụ cười thật tươi với người đối diện. Phục vụ trong ngành 6 năm, bác sĩ Bảo Ngọc có gần 3 năm làm việc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu. Chị tâm sự: “Làm việc tại đây, tôi được học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp đi trước, từ bệnh nhi. Chính bệnh nhi như người thầy giúp tôi rèn luyện tay nghề của mình. Mỗi khi cứu được một trẻ qua giai đoạn nguy kịch, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và đó là động lực để tôi tiếp tục làm việc, học hỏi”.

Nhắc đến những vui buồn trong nghề, bác sĩ Bảo Ngọc tần ngần kể về trường hợp tử vong của một bệnh nhi 3 tuổi ở quận Ô Môn. Cháu bé bị tiêu chảy nhẹ, được điều trị ngoại trú với sự hướng dẫn của bác sĩ. Thế nhưng, bà ngoại bé không cho bé ăn, uống vì sợ ăn, uống vào sẽ tiếp tục tiêu chảy. Vài ngày sau, cháu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chân tay đã khô, co quắp lại... Bé tử vong vì mất nước... Chị Ngọc trầm ngâm: “Cái chết của bé cứ luôn ám ảnh tôi. Mỗi lần tiếp nhận một trẻ tiêu chảy, tôi lại nhớ bé và tự dặn mình phải hướng dẫn thật tận tình, kỹ càng để người nhà bệnh nhi hiểu được vấn đề mà chăm sóc con đúng cách”.

Qua lời tâm sự của chị Ngọc, tôi còn cảm nhận được ở nữ bác sĩ trẻ này sự năng động, tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi. Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Đặc thù của khoa là tiếp nhận những bệnh nguy kịch, tính mạng của trẻ được tính từng giây, từng phút. Vì vậy, công việc không chỉ đòi hỏi y, bác sĩ phải có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng mà cần phải có tâm, tận tụy, sát cánh bên bệnh nhi. Bác sĩ Ngọc thuộc đội ngũ trẻ, đã học xong chuyên khoa I, đáp ứng được yêu cầu này. Điều đáng quý ở Ngọc là sự nhiệt tình, luôn tìm tòi cái mới”.

3. Không như các khoa khác, thường rất ồn ào, không khí ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, luôn lặng ngắt, dù thân nhân bệnh nhân luôn ngồi kín cả hai hàng bên ngoài. Mẹ của bệnh nhân Linh đang được chăm sóc tại khoa, kể: “Ở khoa này không cho người nhà vào nuôi bệnh. Ban đầu, tôi rất lo vì từ trước đến nay, đi nuôi người nhà bệnh là tự tay chăm sóc, thuốc men, canh chừng để người bệnh có gì là kêu bác sĩ ngay. Lần này, phải ngồi bên ngoài đợi, đêm đầu tiên con nhập viện, tôi lo đến không ngủ được, cứ đứng ở cạnh cửa sổ nhìn vào. Thấy các y, bác sĩ đi tới, đi lui xem chừng bệnh nhân suốt đêm mà vẫn vui vẻ, nhiệt tình, mềm mỏng, tôi yên tâm hết sức!”.

 Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc đang theo dõi tình trạng sức khỏe một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: K. LOAN

Hơn 20 năm công tác tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, y sĩ Lê Văn Thắng vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi một người bệnh nặng đã từng được mình tiêm thuốc, đút sữa, tử vong. Anh tâm sự: “Ban đầu, mới nhận công tác ở khoa, mỗi lần có bệnh nhân qua đời là tôi khóc. Còn bây giờ, tôi đã biết nén tình cảm lại để tập trung cho công việc”. Nghe vậy, bác sĩ Nguyễn Thiên Trang tiếp lời: “Trong giờ trực đêm, ở các khoa khác, có thể ngả lưng đôi chút, nhưng ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bác sĩ phải luôn trong tình trạng trực chiến. Bệnh nhân thở máy, đặt nội khí quản, trong người mang rất nhiều bệnh, tâm trí lơ mơ, không nói được... tình huống bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên bác sĩ phải quan sát bệnh nhân liên tục để phát hiện và xử lý kịp thời. Chỉ cần một phút sơ suất, bệnh nhân sẽ tử vong”.

Nhiều đồng nghiệp vẫn còn nhớ đến chuyện bác sĩ Trang sinh sớm vì cấp cứu. Khi đó, bác sĩ Trang đang mang thai 8 tháng. Ca trực vừa kết thúc thì có một bệnh nhân ngưng tim. Quên mình đang mang thai, bác sĩ Trang nhanh nhẹn chạy lại, nhồi tim, cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân vừa vượt qua cơn hiểm nghèo thì bác sĩ Trang vỡ ối, chuyển dạ... Bác sĩ Trang bộc bạch: “Từng phút, từng giờ, từng ngày, chúng tôi liên tục chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Qua những cuộc chiến ấy, chúng tôi trưởng thành nhiều về chuyên môn và hiểu thêm giá trị đích thực của cuộc sống”.

***

Khi tôi rời khỏi những bệnh viện, ca trực của các y, bác sĩ vẫn còn dài. Phía bên ngoài cánh cửa phòng cấp cứu, nhịp sống trôi nhanh đầy sôi động. Còn ở phía bên kia cánh cửa, sự sống và cái chết cách nhau chỉ một lằn ranh. Tôi chợt nhớ đến lời nói đầy tâm huyết và trách nhiệm: cho dù chỉ còn một phần trăm hy vọng cũng không được bỏ qua. Đó chính là y đức, là cái tâm, cái tài của người thầy thuốc.

KIM- HOA

Chia sẻ bài viết