02/05/2008 - 09:16

Biểu tình tại nhiều nước vào ngày Quốc tế Lao động

Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của người lao động. Ảnh: AP

(TTXVN)- Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, hàng chục nghìn công nhân và nông dân ở một số nước châu Á và châu Âu đã xuống đường biểu tình phản đối giá lương thực tăng cao và đòi tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Tại Indonesia, hơn 40.000 người xuống đường tuần hành phản đối giá lương thực leo thang và kế hoạch cắt giảm trợ cấp xăng dầu của Chính phủ. Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu “Giảm giá lương thực” hay “Tăng thu nhập cho công nhân và nông dân”. Theo cảnh sát trưởng Jakarta, khoảng 10.000 nhân viên an ninh đã được triển khai để kiểm soát các đoàn biểu tình và hơn 50.000 nhân viên khác đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh.

Tại Philippines, hơn 3.000 cảnh sát đã được điều động để ngăn chặn các vụ bạo động khi diễn ra biểu tình. Hàng nghìn công nhân đã tuần hành trên các tuyến phố của Thủ đô Manila đòi tăng lương và đòi Chính phủ của bà Gloria Arroyo có giải pháp kiềm chế lạm phát - nguyên nhân đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.

Trong khi đó, những công nhân tham gia biểu tình ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) kêu gọi chính phủ tăng mức lương tối thiểu lên 233 baht/ngày (tức 7,35 USD/ngày) và tăng phúc lợi xã hội. Hơn 2.000 công nhân các ngành công nghiệp Thái Lan đã tập trung bên ngoài tòa nhà chính phủ, kêu gọi cơ quan chức năng sửa đổi luật bảo vệ quyền lợi của người lao động, cải thiện môi trường sống và làm việc của công nhân cũng như hủy bỏ chính sách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Tại Hàn Quốc, hơn 5.000 công nhân đã tập trung tại Thủ đô Seoul phản đối Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, cũng như các chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước của tân Tổng thống Lee Myung-bak.

Tại Nhật Bản, các cuộc tuần hành nhân Ngày 1-5 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Riêng ở Thủ đô Tokyo, gần 44.000 người tham gia tuần hành với yêu sách đòi được hưởng những bảo đảm xã hội và xóa bỏ sự bất bình đẳng về trả công lao động.

Hãng thông tấn Itar-Tass của Nga cho biết các cuộc mít tinh và tuần hành diễn ra trên khắp nước Nga nhân Ngày Quốc tế Lao động với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Riêng tại Thủ đô Mát-xcơ-va, hơn 30.000 người tham gia các cuộc tuần hành đã bày tỏ lo ngại trước tình hình lạm phát nghiêm trọng trong nước sẽ làm lu mờ nỗ lực đoàn kết dân tộc của Chính phủ Nga khi chỉ còn 1 tuần nữa là đến thời điểm Tổng thống Vladimir Putin mãn nhiệm.

Trong khi đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng nghìn công nhân chuẩn bị tuần hành tại Istanbul bất chấp lệnh cấm biểu tình của chính phủ. Theo thông báo của giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, một số công nhân đã bị thương và nhiều người đã bị bắt giữ. Giới truyền thông của nước này cho biết hơn 30.000 nhân viên an ninh đã được triển khai tại các khu vực có nhiều khả năng diễn ra biểu tình.

Chia sẻ bài viết