17/02/2021 - 19:08

Bị chê “chết não”, NATO tìm đường cải cách 

Nỗ lực cải cách được xúc tiến giữa lúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đang đối mặt nhiều hoài nghi về uy tín cũng như vai trò của liên minh trước sự thay đổi của bối cảnh địa chiến lược thế giới, đặc biệt thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc như một “thế lực quân sự toàn cầu”.

Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại Ba Lan hồi đầu tháng này. Ảnh: Reuters

Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại Ba Lan hồi đầu tháng này. Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, kế hoạch hiện đại hóa liên minh được Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố hôm 17-2, tập trung vào 8 lĩnh vực thực hiện trong trung hạn. Ngoài vấn đề cấp bách là làm giảm tác động an ninh do biến đổi khí hậu, ông Stoltenberg còn đề xuất tăng cường thảo luận chính trị trong khối thông qua tổ chức thêm nhiều cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo, cố vấn an ninh những quốc gia thành viên. Ðể đảm bảo nguồn tài trợ bền vững và công bằng hơn, người đứng đầu NATO đặc biệt đề nghị các nước cùng đóng góp cho hoạt động răn đe quân sự thay vì một đồng minh gánh vác mọi chi phí triển khai như hiện nay. Ðáng chú ý, phần cập nhật tài liệu chiến lược tổng thể chính thức của NATO còn thận trọng cân nhắc năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như cạnh tranh chiến lược từ Nga.

Dự kiến, các đề xuất sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong năm nay ở Brussels (Bỉ) giữa lúc NATO đang tìm cách xoa dịu nhiều quốc gia thành viên vốn cho rằng liên minh đã thất bại trong việc đảm bảo sự hợp tác chính trị lẫn chiến lược giữa các đồng minh. Sự hoài nghi về vị thế lung lay của NATO lên đỉnh điểm khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối năm 2019 tuyên bố khối này đang “chết lâm sàng” sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại miền Bắc Syria.

Ngoài nhiệm vụ trấn an, các chuyên gia phân tích cho rằng NATO còn muốn thuyết phục tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục ủng hộ liên minh sau 4 năm đối đầu với Washington dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Trump thường xuyên than phiền và gây sức ép nhằm buộc các thành viên NATO nâng mức chi tiêu quốc phòng. Ông Trump từng nhiều lần chê NATO “lỗi thời” và thậm chí đe dọa đưa Mỹ rời khỏi khối nếu các đồng minh không đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 đã nhiều lần phát tín hiệu ủng hộ liên minh quân sự tồn tại 72 năm qua, điển hình như quyết định hoãn kế hoạch rút 9.500 quân khỏi Ðức và cam kết tăng cường tham vấn lẫn nhau. Ðầu tháng này, các quan chức Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc còn tham gia hội nghị trực tuyến với các đại sứ NATO để thảo luận về tình hình an ninh cùng kế hoạch triển khai quân sự.

Bên cạnh mục tiêu “hồi sinh” quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, hai nguồn tin quốc phòng cấp cao Mỹ tiết lộ Tổng thống Biden có thể thúc đẩy một số quan điểm cứng rắn của ông Trump như chia sẻ gánh nặng chi phí và cam kết quốc phòng giữa các thành viên; song song với việc rút lực lượng Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài, sẽ tập trung NATO vào khu vực trách nhiệm nhằm giúp liên minh đối phó thách thức từ Trung Quốc.

Đức vừa thông báo cho NATO mức chi tiêu cao kỷ lục cho quốc phòng của nước này với khoản ngân sách hơn 53 tỉ euro. Với mức chi tiêu như trên, ngân sách quốc phòng năm 2021 của Đức tăng 3,2% so với năm ngoái, song vẫn kém xa mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra với 30 quốc gia thành viên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết