20/04/2011 - 21:06

Bệnh thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nặng nề và tử vong

Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ đang khám sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm ngừa thủy đậu. Ảnh: THU SƯƠNG

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn đều có thể mắc bệnh thủy đậu, hay còn gọi là bệnh trái rạ. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và tử vong. Ở phụ nữ có thai, thủy đậu cũng có thể gây nguy hại đến bào thai. Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng cao điểm là vào những tháng nắng nóng và có khả năng bùng phát thành dịch. Do vậy, chúng ta cần phải biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình...

Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Dịch bệnh thường xảy ra ở những nhóm tiếp xúc gần (gia đình, trường học, công sở), một nửa số bệnh nhân bị nhiễm là trẻ có độ tuổi từ 5-11 tuổi. Bệnh thủy đậu có tính lây nhiễm cao: 90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng mắc bệnh. Điều này có nghĩa là một người chưa chủng ngừa thủy đậu nếu tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc bệnh nhân thủy đậu thì hầu như chắc chắn sẽ bị lây bệnh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp chủ yếu là đường hô hấp do hít phải những hạt li ti của nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp, nhiễm siêu vi do người bệnh ho hắt hơi, nói chuyện bắn ra. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Điểm đáng lưu ý là khi nhiễm virus thủy đậu, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì trong 2 tuần đầu, nhưng đây là lúc bệnh đã có khả năng lây nhiễm.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em thường khởi phát không sốt mà đột ngột phát bóng nước, còn ở người lớn thường có tiền chứng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau cơ. Khi nhiễm bệnh, nốt thủy đậu xuất hiện rất nhanh (trong 12 đến 24 giờ) trên toàn thân hay rải rác ở da đầu, mặt, thân và tay chân. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn đều có thể mắc bệnh này và bệnh nguy hiểm hơn khi xảy ra ở người lớn. Biến chứng của thủy đậu tác hại đến hệ thần kinh có thể kể đến là 25% những trường hợp viêm não bị tử vong và hội chứng Rey, một bệnh lý não bộc phát gây ra 40% trường hợp tử vong. Hội chứng Rey thường xảy ra khi dùng Aspirin để hạ sốt trong thủy đậu. Viêm não vô trùng và viêm tủy cắt ngang cũng được ghi nhận. Một biến chứng khác là viêm phổi. Tỷ lệ những trường hợp viêm phổi do virus ở người trưởng thành khoảng 15% và tỷ lệ tử vong hơn 10%. Đôi khi những cơ quan khác của người bệnh cũng liên quan như: thận, tim, gan dạ dày, ruột thừa, tụy, tinh hoàn và khớp. Bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm da ở lớp nông do vi khuẩn theo sau sự nhiễm thủy đậu. Ở phụ nữ mang thai có thể có đến 1/14 nguy cơ truyền thủy đậu cho thai nhi và tác hại đặc biệt nguy hiểm. Những tác hại đã được báo cáo bao gồm: thẹo ở da, trẻ thiếu tháng, dị tật ở chân tay, não và mắt, tử vong. Nguy cơ xuất hiện nhiều nhất sau khi phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu bị nhiễm virus gây thủy đậu, khi đó có thể lên đến 25% trẻ chết ngay khi sanh, sẩy thai hay sinh non.

Bên cạnh đó, thủy đậu còn liên quan mật thiết với bệnh “giời leo”, hay còn gọi là bệnh Zona, là một biến chứng của bệnh trái rạ. Một khi đã mắc bệnh thủy đậu, sau khi lành bệnh, siêu vi trùng vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người dưới dạng tiềm ẩn trong các hạch thần kinh. Về sau do một số yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch như tuổi tác, bị stress, đang điều trị ung thư... thì siêu vi hoạt động trở lại gây ra bệnh giời leo. Bệnh giời leo thường gây đau nhức nhiều hơn so với bệnh trái rạ, các bỏng nước xuất hiện khu trú tại một vùng chứ không lan rộng như trong trái rạ.

Để phòng bệnh thủy đậu, ngoài việc vệ sinh môi trường để hạn chế sự phát tán của virus, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, người chưa nhiễm bệnh cần phải cách ly người bệnh ít nhất 6 ngày kể từ lúc người này nổi nốt trái rạ. Phụ nữ có thai phải tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Để không mắc bệnh thì biện pháp tích cực và hiệu quả nhất vẫn là chủng ngừa vắc-xin. Vắc-xin ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài với bệnh trái rạ, có tính an toàn cao, có tính sinh phản ứng thấp, các tác dụng phụ thường gặp là sưng đỏ đau tại điểm tiêm, một số ít trường hợp có sốt, viêm đường hô hấp, ban sẩn mụn nước,... Trẻ từ 9 tháng tuổi đến 12 tuổi tiêm một liều dưới da có thể tiêm 1 liều thứ hai sau liều thứ nhất ít nhất là 6 tuần. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn: 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 tuần.

Cần lưu ý là vắc-xin phòng trái rạ chống chỉ định cho phụ nữ mang thai; những người có tổng số tế bào lympho ít hơn 1200/ mm3, người bị mẫn cảm toàn thân với neomycin cũng chống chỉ định. Ngoài ra, giống như các loại vắc-xin khác, khi người bị sốt cao thì hoãn tiêm.

BSCKII Nguyễn Trung Nghĩa
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết