15/05/2013 - 14:02

Bệnh béo phì ở trẻ em và các biện pháp phòng ngừa

 

Ngày nay, các phương tiện giải trí tại gia như truyền hình, máy chơi game và Internet thường níu chân trẻ ở nhà, khiến chúng ít vận động thân thể và có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe. Trẻ hơi mũm mĩm thì trông đáng yêu, nhưng nếu tình trạng ăn nhiều mà ì vận động kéo dài sẽ dễ dẫn tới béo phì. Hai chuyên gia nhi khoa kiêm huấn luyện viên thể dục nổi tiếng ở Ấn Độ Mickey Mehta và Virender Kumar sẽ giúp chúng ta hiểu rõ tác động của chứng béo phì ở trẻ em cũng như các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Thế nào là béo phì ở trẻ em?

Béo phì ở trẻ em là một bệnh lý khi mà lượng mỡ thừa trong cơ thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tinh thần của trẻ. Cách duy nhất để đo được lượng mỡ thừa ở trẻ là tính Chỉ số khối cơ thể (BMI). Tính BMI bằng cách lấy cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao (mét), kết quả trên 25 được coi là béo phì. Cần nhớ rằng việc xác định tình trạng béo phì khi nhỏ và tìm cách khắc phục có thể giúp con bạn bước sang giai đoạn trưởng thành một cách khỏe mạnh hơn.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là những bậc phụ huynh có con bị béo phì cần thay đổi quan niệm sai lầm lâu nay thì mới giúp được trẻ, bởi nhiều ông bố, bà mẹ luôn tin rằng con họ vẫn khỏe mạnh hoặc có mức cân nặng trung bình, mà quên đánh giá tổng thể về sức khỏe lâu dài của trẻ. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ có nguy cơ béo phì? Các chuyên gia gợi ý như sau:

- Ít tập thể dục hoặc tham gia các trò chơi vận động cơ thể - hai yếu tố khiến trẻ dễ tăng cân.

- Ngủ ngáy, hen suyễn và dễ bị mệt.

- Chế độ ăn uống không hợp lý, dùng các loại thức uống không có lợi cho sức khỏe hoặc ăn quá nhiều.

- Quá phụ thuộc bố mẹ cũng làm hại đến sức khỏe của trẻ.

Béo phì ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như thế nào?

Những trẻ ăn nhiều hơn mức cơ thể tiêu hao năng lượng thường dễ bị béo phì. Khi lớn hơn một chút, chúng bắt đầu đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe như các vấn đề về hô hấp và các bệnh lý về khớp, nhất là khớp gối do chịu tác động quá lớn của thể trọng. Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc chứng đau hông, chứng ngừng thở khi ngủ, bệnh về da, tiểu đường típ 2 và cao mỡ máu, có thể dẫn tới các bệnh tim mạch từ lúc nhỏ.

Biện pháp phòng ngừa?

- Theo các chuyên gia, cha mẹ phải là những người tiên phong giúp trẻ nhận thức về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm để chuẩn bị cho trẻ một cuộc sống khỏe mạnh về sau. Ví dụ, hầu hết chúng ta đều thích ăn vặt nhưng điều quan trọng là phải cân bằng các thức ăn vặt chứa nhiều dầu mỡ với những món ăn có lợi khác như trái cây tươi hay quả, hạt khô. Hành vi chọn thực phẩm tốt sức khỏe để thay thế sẽ giúp trẻ có được thái độ cơ bản về dinh dưỡng ngay từ khi nhỏ, một yếu tố quan trọng trong phòng chống béo phì ở trẻ em.

- Điều cần lưu ý tiếp theo là vai trò làm gương của cha mẹ. Chuyên gia Mehta tin rằng một em bé khỏe mạnh nên có một hình mẫu đóng vai trò dẫn dắt. “Dinh dưỡng tốt đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định sức khỏe toàn diện ở trẻ và bảo đảm con của bạn phát triển tối đa tiềm năng thể chất. Dinh dưỡng hợp lý còn có thể ngăn chặn nhiều bệnh lý bao gồm béo phì, yếu xương, bệnh tim và tiểu đường”, ông Mehta giải thích thêm.

- Việc lên kế hoạch cho các bữa ăn cũng là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa béo phì. Nếu trẻ thường ăn cùng gia đình, bạn hãy tận dụng khoảng thời gian này để dạy trẻ cách ăn uống đúng cách cũng như kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ. Hãy ăn một cách chậm rãi và khuyến khích trẻ làm theo. Do cách ăn uống và việc hình thành sở thích về món ăn ở trẻ thường được xây dựng trong những năm đầu đời, nên thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe của gia đình cũng rất quan trọng trong việc ngăn béo phì cho trẻ.

Ngoài ra, trẻ em từ 5-8 tuổi thường kén ăn, hay quấy phá hoặc từ chối các thực phẩm quan trọng (chẳng hạn như rau, củ, quả) nên tốt nhất là bạn không nên la mắng trẻ mà hãy tìm cách khác để giúp trẻ ăn (như thay đổi cách chế biến hoặc trình bày món ăn trông bắt mắt) miễn sao đảm bảo trẻ nhận được các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể.

NGUYỆT CÁT
(Theo Health Me Up)

Những bí quyết giúp bạn cung cấp dưỡng chất tốt cho trẻ

+ Chuẩn bị cho trẻ một bữa ăn có nhiều thành phần dinh dưỡng, kèm theo nhiều loại thức ăn vặt có lợi, như dĩa trái cây tươi đủ màu sắc, nho khô, hạt dẻ, hạt điều…

+ Đừng bao giờ ép trẻ ăn nhiều, thay vào đó là dạy trẻ nhận biết cơn đói và việc ăn vừa đủ no.

+ Nên cân nhắc tới sở thích ăn uống của trẻ vì một khi bạn biết trẻ thích ăn gì, bạn có thể chuẩn bị những bữa ăn có lợi cho sức khỏe xung quanh các thực phẩm này.

+ Hãy biến bữa ăn gia đình thành thời gian vui vẻ và qui ước về thời gian ăn uống (không nên kéo dài bữa ăn, khiến trẻ ngán).

+ Không nên khuyến khích trẻ vừa ăn vừa xem ti-vi hoặc chơi game.

+ Không nên cấm trẻ ăn vặt mà hãy cho phép trẻ dùng thức ăn nhanh tối đa 1 lần/tuần.

+ Nên chuẩn bị những món ăn sử dụng nhiều rau, củ, quả.

+ Hạn chế cho trẻ dùng các thức uống kích thích như trà, cà phê, nước ngọt do chúng dễ gây nghiện và kích thích.

+ Dạy trẻ tránh xa các thức ăn vặt nhiều dầu mỡ như pizza, món chiên xào… trong chế độ ăn uống cơ bản.

+ Động viên trẻ tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, đạp xe hay bơi lội...

 

Chia sẻ bài viết