24/05/2021 - 22:23

Belarus chặn máy bay để bắt nhân vật đối lập? 

Raman Protasevich, nhà hoạt động đối lập hàng đầu của Belarus, đã bị bắt giữ hôm 23-5, sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko lệnh cho tiêm kích MiG-29 hộ tống máy bay chở 170 hành khách của Hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) hạ cánh xuống sân bay Minsk.

Protasevich bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình hồi năm 2017 tại Minsk. Ảnh: AP

Đe dọa đánh bom giả?

Ðược biết, chiếc máy bay trên cất cách từ thủ đô Athens (Hy Lạp) đến thủ đô Vilnius (Litva) đi ngang qua Belarus.

Ryanair trong một tuyên bố cho biết chuyến bay mang số liệu FR4978 đã được cơ quan kiểm soát không lưu Belarus thông báo về “mối đe dọa an ninh tiềm ẩn trên máy bay”, qua đó yêu cầu chuyến bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở thủ đô Minsk. Sau khi máy bay hạ cánh, hành khách được yêu cầu xuống máy bay để chính quyền địa phương kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra kéo dài 2 tiếng rưỡi, các chuyên gia chất nổ không phát hiện bất kỳ vật thể khả nghi nào. Do đó, Ủy ban Ðiều tra Belarus đã mở cuộc điều tra theo hướng đe dọa đánh bom giả. ​

Theo phía Belarus, trong quá trình kiểm tra máy bay, nhà chức trách nước này đã phát hiện trong danh sách hành khách có người đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta Romat Protasevich mà chính quyền nước này cho là nhân vật có tư tưởng cực đoan. Cơ quan bảo vệ pháp luật Belarus đã bắt giữ người này.

Ông Protasevich, 26 tuổi, sống lưu vong tại Litva và là người chỉ trích kịch liệt chế độ Tổng thống Lukashenko. Ông là người đồng sáng lập kênh Telegram Nexta, vốn được sử dụng rộng rãi để tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ và một kênh tương tự khác chỉ trích Chính phủ Belarus. Protasevich cũng nằm trong danh sách truy nã của chính phủ vì tội khủng bố. Tổ chức truyền thông Telagram Nexta cũng bị đóng cửa hồi năm ngoái giữa làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống vốn khiến hơn 34.000 người bị bắt giữ.

Sự kiện chưa có tiền lệ

Sau khi bắt giữ ông Protasevich, nhà chức Belarus cho phép máy bay trên tiếp tục hành trình và hạ cánh xuống sân bay điểm đến vào tối 23-5 (giờ địa phương). Hãng Ryanair cho hay đã “thông báo cho các cơ quan an ninh và an toàn hàng không các nước có liên quan”, đồng thời gửi lời xin lỗi đến hành khách vì sự chậm trễ “nằm ngoài kiểm soát” này.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về sự kiện vô tiền khoáng hậu nói trên. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nói rằng “việc hạ cánh cưỡng bức” này có thể vi phạm Công ước Chicago được ký kết năm 1944 nhằm thiết lập các nguyên tắc cốt lõi của hàng không quốc tế.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda thì yêu cầu Belarus trả tự do cho Protasevich. Trong bài viết đăng tải trên trang cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Litva xem đây là “một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ chống lại cộng đồng quốc tế” và mô tả đó là “hành động khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Ðại sứ Mỹ tại Belarus Julie Fisher cũng mạnh mẽ lên án Chính phủ Belarus. “Tổng thống Lukashenka và chính quyền của ông hôm nay lại cho thấy sự khinh thường đối với cộng đồng quốc tế và công dân Belarus. Việc điều động chiến đấu cơ MiG-29 để buộc chuyến bay của Ryanair hạ cánh xuống sân bay Minsk nhằm bắt giữ một nhà báo bị cáo buộc có động cơ chính trị là điều nguy hiểm và đáng ghê tởm. Hành động cầm tù và bịt miệng những kẻ thù chính trị của ông Lukashenka gây tổn hại đến người dân, danh tiếng quốc tế cũng như nền kinh tế Belarus” - bà Fisher viết trên Twitter. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng hành động của Belarus “gây sốc” cho cộng đồng quốc tế.

Các nước Ðức, Pháp, Anh, Ba Lan, Hy Lạp... có quan điểm tương tự. Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án hành động của Belarus, thậm chí xem đây là “không tặc nhà nước”. Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli yêu cầu Minsk “giải thích ngay lập tức” và trả tự do cho ông Protasevich. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì cảnh báo “bất kỳ hành vi vi phạm quy tắc vận tải hàng không quốc tế nào đều phải gánh chịu hậu quả”. Ðặc biệt, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố giới chức EU sẽ thảo luận về sự cố “chưa từng có tiền lệ này” tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc ngày 24-5 và nhấn mạnh Belarus sẽ nhận lấy hậu quả.

EU hồi năm ngoái đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu Belarus, gồm cả Tổng thống Lukashenko, người đã lãnh đạo đất nước 27 năm, vì “đàn áp bạo lực và đe dọa những người biểu tình ôn hòa, các thành viên đối lập cũng như các nhà báo”.

TRÍ VĂN (Theo CNN, NYT)

Chia sẻ bài viết